THEN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NGƯỜI NÙNG

04 Tháng 1, 2024 | Du lịch Bắc Giang – liên kết để phát triển

THEN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA NGƯỜI NÙNG
Then là một sinh hoạt văn hoá mang đậm màu sắc tín ngưỡng, nghệ thuật của người Nùng. Không ai còn nhớ hát then có trong cộng đồng từ bao giờ, chỉ biết rằng hát then đã tồn tại từ lâu lắm rồi, từ tổ tiên xa xưa truyền lại, trong các câu chuyện cổ đã kể về hát then, nhờ then mà con người được thần linh che chở, qua then mà con người truyền đạt được những ước muốn của mình tới các vị thần. Theo quan niệm của đồng bào, “Then” có nghĩa là “thiên” - tức là Trời; Then được dùng trong những sự kiện trọng đại hay các lễ cầu an, chữa bệnh, giải hạn, sinh nhật, tang lễ, mừng nhà mới… Đối với những dịp trọng đại như cấp sắc cho người làm then thì nghi lễ kéo dài 3 ngày 3 đêm mới xong. Các nghi lễ then được sử dụng khá thường xuyên trong đời sống của người Nùng ở Bắc Giang. Tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh mà một gia đình tiến hành bao nhiêu nghi lễ trong một năm.
Theo mục đích của các nghi lễ thì có thể phân thành các nghi lễ then sau:
- Lễ then cầu yên: Nghi lễ then này thường được các gia đình thực hiện vào dịp đầu xuân năm mới với mục đích cầu cho gia đình được yên lành, làm ăn may mắn trong năm mới. Các gia đình có điều kiện thì năm nào cũng làm nghi lễ này, còn lại thì tuỳ theo từng nhà, năm làm năm không cũng không sao. Đây là loại then tiểu lễ nên chỉ cần một thầy then thực hiện theo yêu cầu của từng gia đình. 
- Lễ then giải hạn: nghi lễ này nhằm mục đích giải trừ các vận hạn xấu, được tiến hành khi trong gia đình liên tiếp gặp những việc xui xẻo như mất trộm, mất cắp, tai nạn, mùa màng thất bát, làm ăn không gặp… Do tính chất bất thường của nó nên nghi lễ này có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
- Lễ then mừng nhà mới: Nghi lễ này nhằm mừng cho gia chủ khi chuyển về nhà mới, xin các thần thánh phù hộ cho ngôi nhà được bền vững, người trong nhà được khoẻ mạnh, bình an.
- Lễ then gửi con: Những gia đình hiếm muộn, nuôi con khó khăn, trẻ con hay ốm đau… thì thường đem con đến gửi làm con hương tại nhà thầy then. Tuỳ theo sự tín nhiệm của người dân mà một thầy then có ít hay nhiều con hương. Khi trẻ đã lớn gia đình lại làm lễ để chuộc con về. Sau khi chuộc ra khỏi cửa nhà thầy, người đó mới được đi lấy vợ lấy chồng.
- Lễ then mừng sinh nhật: Người Nùng ở Bắc Giang vẫn còn giữ tục làm lễ mừng sinh nhật cho cha mẹ. Đây là một nghi lễ rất vui, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Những gia đình có điều kiện thường mời thầy then đến làm lễ mừng để cầu mong cho cha mẹ luôn được khoẻ mạnh, sống lâu cùng con cháu.
- Lễ then chữa bệnh: Xưa kia khi bệnh viện, trạm xá còn xa lạ với người dân ở đây, đồng bào chữa bệnh chủ yếu bằng cây thuốc trên rừng. Bên cạnh đó, đồng bào còn mời thầy then về cúng lễ để mong bệnh tình mau thuyên giảm. Hiện nay khi người bệnh đi chữa trị ở bệnh viện, trạm xá về đồng bào vẫn cúng then để mong cho bệnh mau khỏi hẳn.
- Lễ then dùng trong tang ma: Những gia đình có điều kiện thì khi trong nhà có người mất sẽ mời thầy then về cúng, còn những gia đình không có điều kiện thường chỉ mời thầy cúng đến làm lễ chứ không mời thầy then. Nghi lễ cúng then trong tang ma có mục đích đưa vong hồn của người mất qua các cửa ải, rồi đưa hồn người mất về với tổ tiên, cầu cho linh hồn người mất được siêu thoát.
- Cúng chuộc hồn: Khi gia đình có người chết mà không yên ổn (chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ….) thì cũng mời thầy then đến cúng làm lễ chuộc hồn. Lễ cúng chuộc hồn thường được bà con tổ chức lớn, thời gian cúng kéo dài tới hai ngày, một đêm.
- Cúng tổ tiên: Gia chủ có hạn gặp nhiều điều không may liên tiếp mà không thể lý giải nổi hoặc ốm đau chữa chạy nhiều nơi, nhiều thày thuốc mà cũng không khỏi… thì bà con người Nùng cho rằng lúc đó mẹ tổ tiên của họ có điều gì trách móc, quấy quả. Để biết cũng như làm lễ cầu xin bình an thì đương nhiên người làm được việc đó không ai ngoài bà then.
- Cắt tiền duyên: Cầu cho những người khó lấy chồng, khó lấy vợ rũ bỏ được duyên âm mà mau có duyên mới.
- Cầu cái, cầu hoa: Những cặp vợ chồng  lấy nhau đã lâu mà không có con cái hoặc không đẻ được con trai thì sẽ nhờ người làm then làm lễ cúng cầu, gọi tổ tiên 2, 3 đời đến 8, 9 đời phù hộ “xuất” ra một người nhân đức đầu thai làm con cái của họ, cầu sau này có người nối dõi tông đường…
Ngoài các nghi lễ chính đã kể trên, các nghi lễ then chuyên biệt cũng thường được tổ chức tại nhà các thầy then. Đó là các nghi lễ vào hè, mùng 5 tháng 5, rằm tháng 7… Đặc biệt phải kể đến những đại lễ then do nhiều thầy then tham gia tổ chức tại nhà một thầy cả để dâng cúng lễ vật cho tổ sư hoặc để cấp sắc làm then cho thầy then mới hay cấp sắc nâng bậc cho một thầy then. Những dịp đại lễ này các thầy then thường mặc trang phục đại lễ mà điểm phân biệt so với trang phục thường ngày là áo dài và mũ. Mũ then là một hình trụ dẹt phân thành hai mặt trước và sau. Phần trước mũ thêu hoa văn rồng phượng, phía trên đỉnh chia thành ba múi nhọn tương trưng cho ba đỉnh núi (tam nhạc). Hai bên mũ đính hai sợi tua bằng vải màu hình lệnh bài rủ xuống hai bên má người đội. Phần sau mũ có gắn những dải vải dài màu xanh hoặc đỏ có thêu hoa văn chim phượng buông xuống lưng. Tuỳ từng nơi mà có các quy định trong việc cấp sắc nâng bậc cho thầy then khác nhau. Nghề làm then cũng có cấp bậc, và cấp bậc ấy được gọi là quai, mỗi một lần lên cấp được gọi là thăng chức (lẩu then), mỗi một lần tổ chức lẩu then, người tổ chức rất tốn kém về tiền của và thời gian. Thời gian thường kéo dài 2 đêm ba ngày, để làm lẩu then, người làm then phải mời từ 3-4 thầy cúng đến làm lễ cúng, mời từ 3-4 bạn làm then cùng với dân làng, họ hàng thân thích. Số tiền chi phí của mỗi cuộc lẩu then ít nhất là 10 triệu đồng, mỗi một lần tổ chức lẩu then, người làm then được các thầy làm lễ tăng thêm một cấp gọi là tăng hai quai. Tuy nhiên, việc nâng cấp then chủ yếu căn cứ vào việc tăng số dải vải ở trên mũ của người làm then. Áo then màu đỏ, được cắt may đơn giản theo kiểu áo dài phụ nữ, cổ tròn, cài cúc ở nách. Mũ và áo then được dùng chủ yếu trong đại lễ của các thầy then, còn trong các tiểu lễ các thầy then chỉ mặc áo dân tộc truyền thống của mình hoặc quần áo thường ngày, mà không cần đội mũ then.
Then Nùng
Người làm then có thể là nữ hoặc nam, không có sự phân biệt giữa ông then hay bà then. Tuy nhiên có thể thấy số lượng bà then nhiều hơn, bà then được coi là các bà tiên ở trên trời với khả năng đàn hát những cung bậc thần tiên, đưa những nguyện vọng của con người đến thiên giới. Khả năng đánh đàn và hát trong nghi lễ chính là điểm phân biệt người làm then với các thầy cúng khác. Bởi là các bà tiên với tiếng hát giọng đàn thần thánh nên các bà then thường ít xuất hiện tại các tang lễ. Thường chỉ có ông then mới làm lễ then trong tang ma. Việc trở thành ông then, bà then không phải là sự lựa chọn theo sở thích, ý muốn mà đều do có “căn số” làm thầy thì mới làm được. Do đó, không hẳn trong dòng họ có người làm then thì con cháu cũng có thể làm then. Tuổi thành then cũng không cố định, có người xuống then khi 12, 13 tuổi, cũng có khi 30, 40 tuổi mới thành then. Thậm chí có người đến 50, 60 tuổi mới thành then, lấy vợ lấy chồng rồi mới thành then. Khi phát hiện thấy mình có căn số làm then thì người đó mới tìm một người thầy để học tập, để được truyền các bài hát, bài cúng cần thiết. Sau một quá trình học tập, tuỳ theo sự tiến bộ của người học mà người thầy sẽ chứng nhận cho họ đã vượt qua việc học, có thể tổ chức lễ cấp sắc để được sự chứng nhận của thần linh, các thầy then khác và của cả cộng đồng. Sau khi đã được cấp sắc, người làm then có thể tự mình làm một số nghi lễ then cho gia đình và những người xung quanh. Trong thời gian đầu người này vẫn cần học tập thêm nhiều nữa để hoàn thiện các kỹ năng đánh đàn, múa, hát, cúng lễ, dần dần mới có thể thực hành các nghi lễ quan trọng. Điều này cũng còn tuỳ thuộc vào sự tín nhiệm của cộng đồng với tài năng của bà then.
Làm nghề cúng bái liên quan đến thần linh, nên người làm then cũng như các thầy cúng khác đều có sự kiêng kỵ rất chi tiết trong cuộc sống hàng ngày. Đó là những quy định kiêng kỵ về ăn uống, về ngôn ngữ, về cách hành xử đối với mọi người. Trong ăn uống hàng ngày, đặc biệt là trước và trong khi tiến hành các nghi lễ then, người làm then không ăn những thức ăn được chế biến quá phức tạp với nhiều loại gia vị. Kiêng ăn các chất kích thích như hành, ớt, tỏi…, kiêng ăn thịt các loại gia súc lạnh và tanh như trâu, bò, chó, cá… Những khi hành lễ các bà then thường chỉ uống nước, ăn chay, ăn hoa quả và cơm canh đơn giản. Về ngôn ngữ người làm then luôn cẩn trọng trong ngôn ngữ, không nói bậy, không nói tục. Cách đối xử với mọi người dù không quen cũng phải nhẹ nhàng, hướng dẫn tận tình, không được nổi giận, quát tháo… Tất cả những kiêng kỵ này thường được người làm then tự giác thực hiện và coi như là yếu tố đạo đức cần thiết của mình. Đạt được trạng thái tâm lý ổn định, vững vàng và trong sạch chính là để dễ dàng tiếp xúc với thần linh để giúp đỡ cho các gia đình có công việc cần cầu cúng.
Lẩu Then người Nùng
Thông thường các nghi lễ then không có qui định về mặt thời gian, gia chủ mời khi nào thì bà then, ông then phải đi lúc bấy giờ. Người làm then không có quyền từ chối lời mời trừ phi đã nhận lời mời của người khác rồi. Nếu không có lý do gì mà từ chối không đi cúng cho người khác thì sẽ bị “thánh vật”, sống không yên ổn. Tuy không có qui định về mặt thời gian, nhưng các lễ then thường được tổ chức vào dịp đầu năm, nhất là tháng giêng, tháng hai. Lễ then được tổ chức trong thời gian này có then giải hạn, then cầu an… Còn then chữa bệnh, then tang ma thì không có thời gian nào qui định. Mỗi một cuộc làm then thường diễn ra trong khoảng 8- 12 tiếng đồng hồ và tùy theo từng lễ then mà nó diễn ra vào ban ngày hay ban đêm.
Cùng với những câu hát khi làm then, những người làm then còn có các nhạc cụ và dụng cụ phụ trợ gồm: Đàn tính, nhạc ngựa (chùm sóc), quạt, kiếm. Trong các nhạc cụ trên, đàn tính, chùm sóc là âm thanh xuyên suốt một cuộc làm then. Âm thanh đàn tính nghe như lời kể chuyện, thủ thỉ tâm tình, ngọt ngào, bay bổng, pha trộn cùng chùm sóc tạo nên tổ hợp giàu sắc thái, không lẫn với nhạc khí các tộc người khác. Đàn tính có hai loại: 2 dây và 3 dây. Xung quanh đàn tính có rất nhiều truyền thuyết. Có truyền thuyết cho rằng cây đàn tính có 12 dây. Mỗi khi tiếng đàn cất lên, cỏ cây, muông thú, vạn vật trên thế gian này đều bị mê hoặc. Đến cả thần tiên trên trời cũng vì mê tiếng đàn mà trở nên lười nhác, bê trễ công việc. Thấy sự nguy hiểm của cây đàn, Ngọc Hoàng bèn sai tước đi 10 dây chỉ để lại cho cây đàn 2 dây. Có truyền thuyết thì cho rằng tiếng hát then sinh ra cùng cây đàn tính để làm khuây khoả nỗi buồn của con người. Bên cạnh đó cũng có truyền thuyết cho rằng đàn tính được trời ban cho những người làm then để sử dụng như nhạc cụ biểu diễn chủ yếu của đạo then, phục vụ trong những nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, các truyền thuyết đều nói lên đàn tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo có âm thanh ngọt ngào, mượt mà và ấm áp, có sức hấp dẫn kỳ diệu bởi nó gắn chặt với đời sống tinh thần của một dân tộc đã bao đời nay như một phương tiện giao tiếp đậm đà bản sắc dân tộc. Đàn gồm các bộ phận: cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Thủ đàn cong hình lưỡi liềm hay hình con chim, gắn hai hoặc ba trục luồn dây. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, tròn và dày đều. Mặt đàn bằng mo bương hoặc gỗ quế bào mỏng chừng 3 mm. Dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong hay nhựa khoai lang (nay làm bằng dây cước). Ngựa đàn là một mảnh tre hoặc miếng gỗ cắt nhỏ, hình thang. Phía dưới ngựa đàn khoét hình vòng tròn hoặc hình chữ M, đặt chính giữa áp sát vào mặt đàn. Đàn tính có khả năng diễn tấu năng động, linh hoạt, nó vừa dẫn dắt vừa đệm, đồng thời cũng là một giọng hát thứ hai bổ sung cho giọng hát của nghệ nhân diễn xướng. Khả năng kết hợp hát then với tính tẩu vẫn chinh phục được lòng người và không mất đi sự quyến rũ vốn có của nó. Đúng như lời cổ trong bài "Thau tính" (nguồn gốc của đàn tính): 
... "Mặt đàn bằng gỗ xổ
Cán đàn bằng gỗ quế
Khóa đàn bằng sừng trâu
Dây đàn bằng dây bạc
Cá nghe, cá chết chín đoạn suối
Chuột nghe chết phơi mười quãng rừng
Trai gái nghe, lòng buồn rười rượi...".
Tuy là một phần không thể thiếu của then nhưng cây đàn tính đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Những người làm loại đàn này giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi cây bầu nậm, nguyên liệu làm đàn, rất khó trồng, yêu cầu chăm sóc cầu kỳ nên không cho năng suất cao. Hiện nay, người yêu thích hát then trong tỉnh chủ yếu làm cây đàn tính có tính chất tượng trưng, bởi họ phần lớn cũng không biết đánh đàn nữa. Còn lại những người nghệ nhân già thì giữ gìn, nâng niu cây đàn cũ của mình, những cây đàn đã gắn bó với các bà từ thời trẻ. Hiện nay muốn có đàn tính tốt thì phải mua ở Lạng Sơn chứ ở Bắc Giang ít có.
Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để cầu cúng, chúc phúc, cầu được mùa, then còn được hát khi tết đến xuân về, giải trí mua vui, giãi bày nỗi lòng, thậm chí thể hiện tình yêu trai gái hoặc ngợi ca quê hương, bản làng… Những giai điệu, làn điệu hát then truyền cảm, trữ tình, cùng tiếng đàn tính ngọt ngào như dòng suối chảy làm say đắm lòng người. Điệu then xuất phát từ trái tim mà lời hát, tiếng đàn được tấu lên khiến người chơi, người nghe lòng dạ thổn thức, xao xuyến khôn nguôi. Có rất nhiều điệu then: “then gạ” hát trong dịp đầu xuân năm mới. Then “hẳm mạy” (chặt cây), then “phát tàng” (then làm đường) là loại then ca ngợi, tôn vinh lao động từ sản xuất trên ruộng đồng, nương rẫy đến trồng rừng, mở đường giao thông. Ngoài những then kể trên còn có loại then ngẫu hứng thường do thanh niên nam nữ đối đáp với nhau.
Những người già còn nhớ thời còn nhỏ tuổi, cứ mỗi dịp xuân về khi mưa xuân giăng trên cây cỏ, làng bản rực ánh lửa hồng, các đám hát con trai, con gái trong bản lại rộn ràng đi hát hoặc đón bạn hát tới nhà. Những dịp ấy vui lắm, từ cụ già đến con trẻ đều náo nức đón mừng. Vui nhất là đám thanh niên trai gái, vì được gặp bạn bè, gặp người thầm thương trộm nhớ. Cứ một nhóm nam hoặc nữ có từ 5-7 người theo nhau đi chơi hát. Đến thôn bản người trưởng nhóm sẽ tìm đến nhà bạn quen để xin hát. Người bạn này có thể quen ở chợ, quen tại đám cưới hoặc do có bà con họ hàng giới thiệu cho biết. Khi có bạn hát đến xin hát tại bản, chủ gia đình đều rất vui vẻ mời đoàn nghỉ ngơi, ăn uống tại gia đình, sau đó tập hợp một nhóm hát tương ứng để thù tiếp. Nếu khách là nam thì nhóm chủ là nữ và ngược lại. Buổi tối là thời điểm cuộc hát bắt đầu. Người trưởng nhóm hát xin phép gia chủ để được bắt đầu hát, sau đó hai bên bắt đầu hát những bài hát chào hỏi, mừng đón nhau đến hát. Dần dần lời hát chuyển thành những lời hỏi han về tính tình, gia cảnh, tâm tư của nhau. Đến cuối buổi hát, lời hát trở lên buồn bã, nhớ thương, lưu luyến giữ người ở lại mà vẫn phải chia xa.
Cách hát then giao duyên ngoài thời gian mùa xuân còn rộn ràng vào mùa thu nữa. Xưa kia công việc đồng áng đến tháng 7 là xong, thời gian thu nhàn trai thanh gái lịch vẫn rủ nhau đi hát. Hát then không có lề luật quy định cụ thể như cách hát khác. Trai gái gặp nhau có thể hát ở chợ, hát dọc đường. Ngay cả hát tại nhà của bạn cũng thường tùy theo duyên cảnh, không nhất thiết phải qua đoạn này mới đến đoạn kia. Tuy là hát có tính chất đối đáp, xong vẫn thiên về bày tỏ tình cảm của bản thân chứ không phải là so tài cao thấp. Bởi vậy, hát then giao duyên được rất nhiều người yêu thích. Không chỉ có thanh niên nam nữ, ngày thường các bà các chị trong làng bản cũng thường tự hát một mình.
Hát then là một sinh hoạt văn hóa độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Nùng tỉnh Bắc Giang. Tại tất cả các thôn bản có người Nùng sinh sống thì hát then vẫn là một loại hình dân ca được bà con yêu thích và gìn giữ. Tuy vậy, trước sự biến đổi của đời sống xã hội như hiện nay, hát then cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng không tránh khỏi nguy cơ mai một. Những cuộc thi hát, liên hoan văn nghệ diễn ra thường xuyên hiện nay chính là môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng các làn điệu hát then trong đời sống thường ngày. Điều đáng quý là dù ngôn ngữ có nhiều thay đổi do quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa, song người Nùng vẫn chú trọng hát then bằng tiếng mẹ đẻ và vẫn coi hát then là niềm tự hào của dân tộc mình. Chẳng thế mà đi đến đâu, ở bất kỳ cuộc thi, liên hoan văn nghệ nào, hát then vẫn được bà con chọn để thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào còn dựa trên những làn điệu then cũ để sáng tác, đặt thêm lời hát mới để ca ngợi cuộc sống mới trên quê hương mình.
Có một loại hình trong hát then vẫn giữ nguyên được các yếu tố gốc, đó là hát then trong các nghi lễ then. Hát then trong các nghi lễ làm nổi bật lên vai trò của các thầy then và các làn điệu then với cây đàn tính. Không có hát then và đàn tính thì không có nghi lễ then. Người Nùng coi các cuộc làm then không chỉ mang tính chất là các nghi lễ để giải quyết vấn đề tâm linh mà còn coi đây là một sinh hoạt văn hóa tinh thần và đón chờ nó với sự háo hức và say mê. Các nghi lễ then tập hợp rất nhiều người đến xem và tham gia giúp việc. Có khi chính họ, say trong lời ca tiếng đàn tính then lại trở thành những người nghệ sỹ biểu diễn tự phát rất vui vẻ. Người ta chăm chú nghe các trường đoạn then, nghe các câu chuyện được thể hiện qua lời hát của thầy then trong quá trình cúng lễ và thấy được lịch sử dân tộc mình trong đó. Sau mỗi nghi lễ then là những niềm vui thỏa nguyện cả về tâm linh và sự thưởng thức văn hóa. Đó là chính yếu tố tích cực của nghi lễ then trong đời sống hiện nay.
N.H.P
 
0 Bình luận

Loading...