Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (Bài 1): Tạo động lực để "về đích"

14 Tháng 3, 2024 | Nghiên cứu và Trao đổi

Việc đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng tháng đầu năm 2024 là tín hiệu rất tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam, tạo động lực để phấn đấu đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Năm 2023 đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng của du lịch Việt Nam, các chỉ tiêu phát triển du lịch "về đích" và vượt kế hoạch. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) trao tặng, khẳng định thương hiệu và sức hút đặc biệt của du lịch Việt Nam.

Số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 lượt khách, tăng 1,3% so với tháng 1/2024 và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế: Tạo động lực để "về đích" - Ảnh 1.

Rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế hào hứng tham gia vào các hoạt động trong lễ hội Thần Tài được khai mạc vào sáng 11/2 tại Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Đà Nẵng - Ảnh: Đức Hoàng

Tính chung 2 tháng đầu của năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 844 nghìn lượt (chiếm 27,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 538 nghìn lượt, Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (198 nghìn lượt), tiếp theo là Mỹ (156 nghìn lượt).

Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh ( 32,6%), Pháp ( 34,6%), Đức ( 37,1%), Ý ( 82,3%), Tây Ban Nha ( 48,5%), Nga ( 58,7%), Đan Mạch ( 47,4%), Thụy Điển ( 41,9%), Na Uy ( 41,2%).

Ngoài ra, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 21,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá đây là hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền, người dân trong thực hiện quảng bá, xúc tiến thời gian qua.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam.

Trong đó, dấu ấn nổi bật là sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của cơ quan quản lý du lịch quốc gia đối với các địa phương về việc chuẩn bị tốt cho các hoạt động thu hút và đón khách du lịch dịp Tết nguyên đán và đầu xuân Giáp Thìn, việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, khai thác hiệu quả các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá thiên nhiên, sinh thái, du lịch lễ hội, cộng đồng ở tất cả các vùng miền.

Đặc biệt là hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách thị thực áp dụng từ 15/8, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho các nước được miễn thị thực đơn phương và thực hiện cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày.

Có thể nói, chính sách thị thực luôn là công cụ sắc bén để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến tham quan, du lịch ở Việt Nam.

Hiệu quả đạt được thể hiện rõ qua sự gia tăng lượng khách quốc tế đến nước ta những tháng cuối năm 2023, góp phần đạt kết quả đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm, tăng gần 3,5 lần so với năm 2022.

Ngay tháng 1/2024, Việt Nam đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tương đương mức cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Điểm đến Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế đánh gia cao.

Trong đó, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Planet đã đề xuất 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên. Việt Nam góp mặt trong danh sách này với vị trí thứ 5.

Giải thưởng Travelers' Choice Awards Best of the Best của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã công bố danh sách 10 bãi biển hàng đầu châu Á. Bãi biển An Bàng xếp vị trí thứ 5 và Mỹ Khê xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng này. Đây là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh các điểm đến hàng đầu do cộng đồng bình chọn trong 12 tháng qua.

Gần đây nhất, tại Lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức ngày 6/3 tại Đức, TP. Hồ Chí Minh vượt qua các ứng viên Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Macao (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore để xuất sắc đạt danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023". Hội An vượt qua Bali (Indonesia), Jaipur (Ấn Độ), Kyoto (Nhật Bản), Langkawi (Malaysia), Phuket (Thái Lan) và Siem Reap (Campuchia) để giành danh hiệu "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt nhất châu Á 2023".

Vietnam Airlines nhận giải thưởng Hãng hàng không MICE tốt nhất châu Á 2023. JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa là Khách sạn dành cho du lịch khen thưởng tốt nhất châu Á 2023. Vietravel còn nhận cú đúp danh hiệu Đơn vị tổ chức MICE tốt nhất châu Á và tốt nhất thế giới 2023.

Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế: Tạo động lực để "về đích" - Ảnh 2.

TP. Hồ Chí Minh nhận danh hiệu "Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2023" tại Lễ trao giải Giải thưởng MICE thế giới.

Theo dự báo của tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch quốc tế có thể phục hồi mức trước đại dịch vào cuối năm 2024, thậm chí tăng 2% so với 2019. Theo kết quả khảo sát Hội đồng chuyên gia du lịch UN Tourism, 67% các chuyên gia dự báo tình hình du lịch thế giới năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023; 28% cho rằng sẽ tương tự năm 2023; chỉ khoảng 5% cho rằng sẽ kém hơn.

Các chuyên gia UN Tourism cũng chỉ ra các yếu tố chính cản trở sự phục hồi du lịch, trong đó cho rằng 3 yếu tố lớn nhất gồm có: Môi trường kinh tế (69%), Chi phí lưu trú và đi lại tăng cao (55%), Hiện tượng thời tiết cực đoan (28%). Ngoài ra, xung đột Hamas - Israel, Nga - Ukraine, các rủi ro địa chính trị khác, thiếu nhân lực, tắc nghẽn hàng không, chậm chuyến, hủy chuyến... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến phục hồi du lịch.

Có thể nói, những tín hiệu tích cực trên đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong thời gian đầu năm 2024 sẽ là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

THEO BỘ VHTTDL

Du lịch Việt Nam và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế (Bài 1): Tạo động lực để
0 Bình luận

Loading...