Khám phá

Kiến thức, cẩm nang hữu ích và những nghiên cứu chuyên sâu trong ngành du lịch  
Lục Ngạn: Giữ gìn nét đẹp truyền thống các dân tộc

Lục Ngạn: Giữ gìn nét đẹp truyền thống các dân tộc

11 Tháng 3, 2024

BẮC GIANG - Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, với nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc, những năm qua, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã quan tâm và có nhiều chính sách nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc và khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp này. Độc đáo tục hát mùa xuân Mỗi mùa xuân về, tiếng hát dân ca của đồng bào các dân tộc Lục Ngạn lại ngân lên ở nhiều bản làng. Đồng bào nơi đây còn duy trì nhiều loại hình hát dân ca như: Sình ca, Sloong hao, Soọng cô, Cnắng cọô, hát then, hát páo dung của các dân tộc Cao Lan, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Tày, Dao… Tục hát của đồng bào thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán đến hết mùa xuân. Đồng bào dân tộc Sán Dìu thi hát dân ca tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc xã Biên Sơn. Như thường lệ, từ mùng 10 tháng Giêng, hội hát xã Biên Sơn, Hộ Đáp được mở. Tiếp đó ngày 12 diễn ra hội hát ở xã Tân Sơn, ngày 14 ở xã Phong Vân, ngày 15 qua xã Biển Động, rồi đến Cấm Sơn, Kiên Lao, Kiên Thành, Giáp Sơn… sau đó xuôi về thị trấn Chũ. Luân phiên từ xã này, đến bản làng, khu phố khác, các hội hát thu hút đông đảo đồng bào quanh huyện hay địa phương lân cận như: Sơn Động, Lục Nam và các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đến du xuân, hát giao lưu. Gắn với các hội hát là những hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn ẩm thực, thi đấu các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đập niêu)... tạo không khí ngày hội sôi động, hấp dẫn.  Ông Vi Văn Ngốn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát dân ca dân tộc Nùng xã Phong Vân cho biết: “Chưa thấy năm nào ngày hội ở Phong Vân đông như năm nay. Dòng người trong màu áo chàm đổ về từ khắp nơi dài tới cả cây số. Đồng bào tập trung cổ vũ thi đấu thể thao, hát giao lưu bên đường, chợ, hoặc gốc đa già ở thôn Cầu Nhạc”. Hòa trong dòng người đi trẩy hội, ông Ngốn thể hiện một đoạn dân ca bằng tiếng dân tộc mình, rồi sau đó dịch nghĩa:   “Quê mình khai hội đầu xuân/Sloong hao cùng hát đón chào bạn xa/Đôi bạn chẳng ngại đường xa/Đến cùng trẩy hội đôi ta với mình...”. Dịp này, các CLB hát dân ca dân tộc trên địa bàn huyện Lục Ngạn khá bận rộn. Để chuẩn bị cho các chương trình giao lưu, từ trước Tết, các nhóm đã tập trung ôn luyện. Mỗi CLB sưu tầm và tự sáng tác hàng trăm làn điệu và đang cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ. Những khúc hát mang đậm bản sắc dân tộc đang được đồng bào nâng niu, gìn giữ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Thông qua các buổi hát, bà con động viên nhau lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Những CLB hát dân ca dân tộc điển hình có ở nhiều xã như Giáp Sơn, Biên Sơn, Kiên Lao, Đèo Gia, Tân Sơn, Phong Vân… Gắn với phát triển du lịch Huyện Lục Ngạn có 8 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa, Cao Lan sinh sống đan xen tạo nên sự giao thoa, phong phú về văn hoá, đậm đà bản sắc dân tộc và được thể hiện rất rõ trong dịp đầu xuân.  Theo đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện: Dịp đầu xuân, các phiên chợ đã trở thành ngày hội lớn với chuỗi du xuân của đồng bào. Khởi đầu từ phiên chợ vùng cao Thác Lười (xã Tân Sơn) và khép lại bằng phiên chợ ở thị trấn Chũ vào ngày 18/2 âm lịch. Các phiên chợ xuân chính là điểm hẹn truyền thống, không gian đậm sắc màu văn hóa của đồng bào được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực, tập quán, làn điệu dân ca... Với mong muốn đưa du lịch trải nghiệm văn hóa kết hợp tham quan các thắng cảnh, huyện Lục Ngạn sẽ xây dựng lộ trình phấn đấu từng bước đưa Hội hát dân ca dân tộc của huyện vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.    Đồng chí Chu Văn Trọng Để gìn giữ, phát huy những nét đẹp độc đáo ấy, huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, đám cưới, trang phục, dân ca, văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian dân tộc thiểu số.  Toàn huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 34 CLB hát dân ca các dân tộc; mở nhiều lớp bồi dưỡng, truyền dạy các loại hình dân ca; hỗ trợ kinh phí cho các CLB mới thành lập, CLB hoạt động hiệu quả; tổ chức đám cưới điểm nhằm khôi phục nét văn hóa, nghi lễ truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, huyện quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số; phát huy vai trò người có uy tín, nghệ nhân dân gian trong việc tổ chức hoạt động văn hoá cộng đồng. Kịp thời biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay và duy trì tốt ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc ở cơ sở và cấp huyện. Bên cạnh bảo tồn nét đẹp văn hoá các dân tộc, địa phương thực hiện nhiều nội dung gắn với phát triển du lịch như: Triển khai hiệu quả dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện đề tài Nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới Hội hát dân ca các dân tộc huyện Lục Ngạn. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030… Huyện cũng đang triển khai bảo tồn các nếp nhà, kiến tạo cảnh quan và đã hoàn thành xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Bắc Hoa (xã Tân Sơn) làm nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, phục vụ du khách. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các dự án, chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; duy trì hoạt động truyền dạy tri thức dân gian, di sản văn hóa truyền thống và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, từ đó chủ động, tích cực hơn trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình… THEO BÁO BG