SỊNH CA CAO LAN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở BẢN VEN, XÃ XUÂN LƯƠNG, HUYỆN YÊN THẾ

05 Tháng 7, 2021 | Vùng đất con người Bắc Giang

SỊNH CA CAO LAN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở BẢN VEN, XÃ XUÂN LƯƠNG, HUYỆN YÊN THẾ
Khai thác văn hoá truyền thống để phát triển sản phẩm du lịch đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực. Vừa bảo tồn phát triển được các giá trị văn hoá truyền thống, vừa khai thác để hình thành nên những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và thu hút được sự quan tâm của du khách không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đối với Việt Nam, một đất nước có đến 54 dân tộc anh em cùng chung sống, sắc màu văn hoá đa dạng của các tộc người đang được Đảng, nhà nước quan tâm gìn giữ nhằm bảo tồn vốn văn hoá truyền thống và khai thác cho phát triển du lịch. 
 Du khach chụp ảnh lưu niệm tại nhà sản bản Ven. Ảnh: Lưu Xuân San
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã rất tích cực tập trung đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng được đặc biệt quan tâm. Tại Nghị Quyết số 44-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020 đã xác định ba mục tiêu để phát triển du lịch trong đó có: “ Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể nhất là Quan họ, Ca trù, Hát Then, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh, trong đó tập trung phát triển ba sản phẩm du lịch là: Văn hóa- tâm linh, lịch sử- văn hóa, sinh thái – nghỉ dưỡng…
Bảo tồn và khai thác Sịnh ca cho phát triển du lịch cũng chính là mục tiêu của Đề án số 4805/ĐA-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về việc Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030 và Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” vừa mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì xây dựng tại Quyết định 1039/QĐ-BVHTTDL ngày 26 /3/2021.
Văn hoá và Sình ca Cao Lan- nguồn di sản quý
Người Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chí). Theo số liệu thống kê năm 2014, nhóm dân tộc Cao lan- Sán Chí ở Bắc Giang, có khoảng gần 26 ngìn người tập trung chủ yếu ở 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Tuy chiếm tỷ lệ không lớn trong cộng đồng dân cư, nhưng văn hoá Cao Lan ở Bắc Giang lại có nhiều nét độc đáo, khác biệt. Họ là cộng đồng người có tiếng nói, chữ viết riêng. Cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống ở vùng núi thấp, người Cao Lan lấy việc trồng trọt lúa nước và cây lương thực khác trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo. Xưa kia, người Cao Lan thường ở nhà sàn. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, những ngôi nhà sàn của đồng bào đã nhường chỗ cho những ngôi nhà đất. Do vậy, hiện nay những ngôi nhà sàn ở Bắc Giang còn lại rất ít. Trang phục của người Cao Lan cũng có những nét độc đáo riêng…

Nhà sản bản Ven, Xuân Lương. Ảnh: Hà Yến
Trong đời sống văn hoá tinh thần, người Cao Lan có những tín ngưỡng độc đáo, có nhiều truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, hò vè, hát Sịnh ca. Người Cao Lan tôn thờ Phật giáo, Nho giáo nhưng đậm nét là việc thờ cúng tổ tiên. Người Cao Lan có những dịp hội hè, đình đám để cảm tạ Thần Phật, trời đất đồng thời bồi đắp đời sống văn hoá tinh thần vào các dịp Tết Nguyên đán, đầu xuân. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng đối với người Cao Lan để ôn lại sự tích xa xưa của tộc họ và giáo dục truyền thống văn hoá dân tộc cho các thế hệ, đồng thời cũng là dịp đồng bào cầu một năm mới làm ăn thịnh vượng, mùa màng bội thu.
Một trong những “đặc sản” của người Cao Lan là làn điệu Sịnh ca- một loại hình diễn xướng dân ca truyền thống của đồng bào Cao Lan đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2012. Sịnh ca được ghi lại bằng chữ nho (chữ Hán), hát bằng tiếng dân tộc Cao Lan, sau đó sẽ hát tiếp lời dịch bằng tiếng phổ thông. Triết lý trong sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ… Những câu hát Sình ca không chỉ thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa mà còn có những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan.
Không gian diễn xướng của Sịnh ca Cao Lan là ở trong nhà, ngoài đường, ở chợ, thậm chí là trên đồi, trong rừng hay trên nương rẫy. Đó là những bài hát hỏi thăm gia cảnh, gia đình, quê hương thể hiện tâm tư tình cảm của… Sình ca có thể là các khúc hát ru của mẹ cho con, bà cho cháu. Hát mừng năm mới của làng xóm láng giềng với nhau mỗi độ xuân về. Hát đố, hát giao duyên đối đáp giữa các nam thanh, nữ tú với nhau. Hay là hát trong đám cưới của các vị khách để mừng cho cô dâu, chú rể.
Trong những ngày tết (Tết Nguyên đán của người Cao Lan kéo dài từ 27, 28 tháng chạp đến rằm tháng giêng âm lịch), người ta mặc những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, mới nhất. Trên các nẻo đường, ngõ xóm, những màu áo chàm thẫm với chiếc thắt lưng hoa đào, hoa lý như khoe sắc trong gió xuân. Và cũng từ ngày mùng 2 tết trở đi, người Cao Lan ở các làng bản lại cùng nhau hát sịnh ca. Các gia đình đều có bạn hát đến nhà chơi, họ chúc nhau sang năm mới gặp những điều hạnh phúc, tốt lành. Cuộc hát tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia.
Khai thác văn hoá người Cao Lan và sình ca cho phát triển du lịch ở Xuân Lương - Yên Thế
Xã Xuân Lương, huyện Yên Thế nằm trên trục Quốc lộ 17 nối Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên, chỉ cách thị trấn Cầu Gồ 14km và cách thành phố Bắc Giang 45 km. Xuân Lương có 400 ha rừng hiện vẫn còn lưu giữ được hệ sinh thái đa dạng sinh học. Là địa phương có nhiều tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng (DLCĐ). Ở các khu vực bản Xoan có nhiều suối thác đèo Ngà, Rãnh Cộc, tại làng Xuân Lung còn có cây lim cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam được đánh giá là trên ngàn năm tuổi. Có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với những hồ lớn như hồ Ngạc Hai, hồ Quỳnh, hồ Suối Ven, cùng rất nhiều đình, đền, chùa được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Người Cao Lan ở Xuân Lương chiếm khoảng 40% dân số, tập chung ở các Bản Ven, Thượng Đồng và Nghè. Riêng ở Bản Ven có khoảng 150 hộ gia đình người Cao Lan, chiếm hơn 90% số hộ của Bản. Người Cao Lan ở Bản Ven lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, nét sinh hoạt truyền thống của người Cao Lan trong đó có di sản văn hoá sình ca Cao Lan. Và việc đưa Sình Ca vào hoạt động du lịch, góp phần phát triển DLCĐ tại địa phương là một việc là cần thiết, vừa góp phần khôi phục, bảo tồn một loại hình nghệ thuật cổ vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Do vậy bảo tồn, khai thác tốt dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cao Lan và danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa xã Xuân Lương, huyện Yên Thế sẽ thu hút được đông đảo du khách về với địa phương.
Trong những năm vừa qua thực hiện Nghị quyết số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 cùng với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt “Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế”, huyện Yên Thế đã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển du lịch tâm linh, sinh thái tại xã Xuân Lương cụ thể: Huyện đã ban hành Đề án số 143/ĐA-UBND ngày 15/12/2017 của UBND huyện về việc phát triển khu du lịch tâm linh, sinh thái Xuân Lung - Thác Ngà giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch và lập dự án Khu liên hợp văn hóa, thể thao huyện, dự án khu dân cư trung tâm xã Xuân Lương, quy mô khoảng 4,6 ha nhằm phục vụ phát triển du lịch; Hằng năm tổ chức Lễ hội Xuân Lung - Thác Ngà thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm quan. Hiện nay được sự quan tâm của Sở VHTTDL và UBND huyện, du lịch cộng đồng bản Ven đã và đang được Hợp tác xã Thân Trường tích đầu tư xây dựng hình thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách, nơi đây còn là điểm trải nghiệm lý thú cho học sinh trong chương trình hoạt động ngoại khóa của các trường phổ thông. Năm 2019 du lịch cộng đồng Bản Ven được UBND tỉnh công nhận là điển du lịch cấp tỉnh...

Bản Ven, xuân Lương, Yên Thế. Ảnh: TTXTDL
Hiện nay, việc khai thác giá trị văn hóa của dân tộc Cao Lan cho phát triển du ở Xuân Lương đã có được kết quả tích cực. Du khách đến Bản Ven sẽ được tìm hiểu văn hóa của dân tộc Cao Lan qua trang phục, phong tục tập quán, qua lao động sản xuất, qua các món ăn được chế biến theo bí truyền của người Cao Lan. Tuy nhiên giá trị Sịnh ca Cao Lan chưa được khai thác cho phát triển du lịch. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh nói chung và dân tộc Cao Lan nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc tới các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt là lớp trẻ hiện nay; Hoạt động của các câu lạc bộ nhằm bảo tồn di sản văn hóa đã có nhưng còn đơn điệu, hiệu quả của công tác truyền dạy trong cộng đồng chưa cao; chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với các nghệ nhân; trang phục, tiếng nói, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cao Lan đang có nguy cơ mai một… Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa thật sâu sắc. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di sản ở cơ sở còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa tích cực trong công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động bảo tồn phát huy di sản văn hóa ở địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Ven, xã Xuân Lương, bên cạnh khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên thì rất cần các giải pháp bảo tồn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương, nhất là loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể trong đó có hát Sịnh ca Cao Lan. Ngày nay xã hội phát triển Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với hoạt động văn nghệ quần chúng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các hoạt động trải nghiệm du lịch. Do vậy để du khách được trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị văn hóa địa phương thì việc khai thác Sịnh ca Cao Lan để phục vụ cho mục đích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền và người dân.
Do vậy để khai thác văn hoá người Cao Lan nói chung và Sịnh ca nói riêng cho phát triển du lịch cộng đồng Bản Ven xã Xuân Lương, huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang chúng ta triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Cần thành lập các Câu lạc bộ, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào các câu lạc bộ đó đặc biệt là lớp trẻ. Tuyên truyền và giới thiệu hát Sịnh ca trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi đôi với việc xuất bản những ấn phẩm văn hóa với nội dung về hát Sịnh ca cả nước và địa phương. Trước mắt cần xây dựng một kế hoạch sưu tầm các ghi chép về văn hoá truyền thống của người Cao Lan…tiến tới việc tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn. Hiện nay, những người biết đến Sịnh Ca chủ yếu là những người lớn tuổi. Chính vì vậy mà việc làm này là rất quan trọng, nó trở thành nguồn tư liệu quý để tiếp tục đào tạo cho các thế hệ mai sau.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cần tham mưu cho tỉnh có những chính sách phù hợp, hỗ trợ kinh phí cho các CLB hoạt động, chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân cũng như các học viên tài năng để kịp thời đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận. Bên cạnh đó cần tiếp có dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cao Lan, qua đó có thêm kinh phí của Nhà nước, kết hợp huy động sự bảo trợ của các doanh nghiệp cũng là một giải pháp để hỗ trợ cho các nghệ nhân và các học viên theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Đó cũng là một cách để bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật hát Sình ca trong thời gian tới.
3. Phát huy vai trò của nhà văn hóa thôn bản trong việc tổ chức các cuộc giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng. Không chỉ tổ chức hát Sịnh Ca trong các dịp lễ Tết, hội hè, các dịp quan trọng của làng mà thường xuyên tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ dân tộc để chọn lọc tài năng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tạo môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh sao cho các thế hệ kế tiếp nhau trong các bản làng Cao Lan vẫn vang mãi tiếng Sình ca.
4. Khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống như nhà sàn, trang phục, khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng. Khuyến khích và hỗ trợ việc hình thành các quầy hàng lưu niệm có các sản phẩm mang đặc trưng riêng của dân tộc Cao Lan tại nhà sàn bản Ven như đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất… để quảng bá nét đẹp văn hóa cho du khách.
5. Tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xây dựng tour du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đến Bản Ven. Cùng với các hoạt động thăm thú, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống thường ngày của người dân, du khách sẽ được tìm hiểu, thưởng thức nghệ thuật Sình Ca của đồng bào dân tộc Cao Lan. Đưa Sịnh Ca trở thành một loại hình dịch vụ du lịch không thể thiếu khi du khách đến với bản Ven xã Xuân Lương huyện Yên Thế và qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Lưu Xuân San
0 Bình luận

Loading...