2020-2021: Du lịch Việt Nam nỗ lực vượt khó trong cơn bão đại dịch COVID-19

22 Tháng 7, 2021 | Tin du lịch

Lịch sử 61 năm hình thành và phát triển (09/7/1960 - 09/7/2021), du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng vượt qua tất cả du lịch đã nỗ lực vươn lên, đến nay trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, tạo ra hàng triệu việc làm, là động lực thúc đẩy cho nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá. 

Thành quả đó có được nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, Ngành, địa phương. Đó cũng là kết quả của sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ tích cực, đồng hành của bạn bè quốc tế. Đặc biệt với sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả rất đáng trân trọng và tự hào.

Từ đầu năm 2020 đến nay đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Việt Nam. Hoạt động đón khách du lịch quốc tế bị tạm dừng từ cuối tháng 3/2020 đến nay, trong khi du lịch nội địa hoạt động không ổn định do ảnh hưởng của các đợt dịch trong nước. Năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - tương đương 19 tỷ USD.

Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu Bộ VHTTDL ban hành các văn bản, cũng như đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều chính sách kịp thời ứng phó với Covid-19, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, từng bước phục hồi hoạt động trở lại.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, sau khi kiểm soát được các đợt dịch thì Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai ngay chương trình kích cầu du lịch nội địa để thu hút khách tăng trở lại, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án đón khách quốc tế để sẵn sàng triển khai ngay sau khi đủ các điều kiện cho phép. Kế hoạch này cũng thường xuyên được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin Covid-19 để hỗ trợ đón khách quốc tế.

Đồng hành, chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch đã nhiều lần có văn bản đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại. Một số chính sách đã được ban hành như: giảm giá điện, giảm tiền điện đối với cơ sở lưu trú, giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên, hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của dịch Covid-19… đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, để thích ứng với bối cảnh tình hình mới, ngành du lịch đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, dịch chuyển hoạt động lên môi trường số, phát triển du lịch thông minh, đổi mới quy trình và cách thức vận hành, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch... Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, duy tu cơ sở hạ tầng, làm mới các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang lại trải nghiệm mới lại cho du khách.

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp công nghệ để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh. Tiêu biểu là hình thành nền tảng hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ khai báo và tự đánh giá an toàn Covid-19, cải tiến ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn hỗ trợ khách du lịch trong tình hình mới với các tính năng nổi bật như: bản đồ số du lịch an toàn, tìm kiếm điểm đến an toàn, đánh giá về mức độ an toàn của cơ sở dịch vụ, phản ánh chất lượng dịch vụ… Bên cạnh đó là các ứng dụng mới mẻ, phục vụ khách hữu hiệu trong quá trình đi du lịch như Thẻ du lịch trong chương trình Thẻ Việt – Một thẻ quốc gia, Trang vàng du lịch Việt Nam…

Vừa qua, ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin đối với khách quốc tế tại một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Thực hiện chủ trương này và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã tiếp cận nhanh, khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan xây dựng ngay phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế, sẵn sàng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.

Trong thời gian tới, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, ngành Du lịch sẽ phối hợp chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc, từng bước phục hồi hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch nội địa, nâng cao vai trò của thị trường du lịch nội địa vào tăng trưởng chung của toàn ngành, hướng tới phát triển ngành du lịch bền vững hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Tăng cường liên kết, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động phục hồi du lịch. Tập trung triển khai chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII…

Với truyền thống, quyết tâm của toàn Ngành, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tin tưởng ngành Du lịch Việt Nam sẽ từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại trong thời gian tới đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Theo TCDL

0 Bình luận

Loading...