Bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hoá du lịch ở Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang

17 Tháng 12, 2021 | Tin du lịch

Sáng ngày 16/12, Sở KHCN tỉnh tổ chức họp Hội đồng tư vấn giao trực tiếp nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện đợt 1 năm 2022 “Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động góp phần phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang”. 
Trung tâm Thông Tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang được UBND tỉnh giao là cơ quan chủ trì, thực hiện đề tài trong thời gian 24 tháng. Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá thực trạng bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động. Từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động góp phần phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang. Hai mô hình cụ thể của để tài sẽ được xây dựng tại tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động và thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, Lục Ngạn.
Đề tài sẽ tập trung sử dụng phương pháp tiếp cận sinh thái văn hóa, phát triển bền vững, chuyên ngành và liên ngành khoa học xã hội, chủ thể văn hóa - chủ thể phát triển; với 04 phương pháp cơ bản sử dụng trong nghiên cứu gồm: tổng quan tài liệu, điền giã dân tộc học, phân tích số liệu, phương pháp chuyên gia. Sản phẩm chính của đề tài bao gồm phiếu khảo sát điều tra xã hội học; báo cáo tổng hợp kết quả điều tra; kỷ yếu hội thảo khoa học; chuyên mục nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch văn hóa dân tộc Nùng, Dao được đăng tải trên Website dulichbacgiang.gov.vn; 02 mô hình làng văn hóa dân tộc Dao thị trấn Tây Yên Tử và dân tộc Nùng xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; xây dựng điểm bán hàng sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thuốc lá dân tộc, sản phẩm Ocop địa phương; tập gấm làng văn hóa du lịch Bắc Giang, 02 đĩa phim giới thiệu điểm đến…
Tại hội nghị, các thành viên hội đồng nhất trí cho rằng đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương; mục tiêu của đề tài rõ ràng, đáp ứng yêu cầu đặt hàng của UBND tỉnh; việc phân chia các nội dung nghiên cứu, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu phù hợp; sản phẩm của đề tài có thể đem áp dụng trong và ngoài tỉnh; đề tài thể hiện tính khả thi trong các phương án phối hợp; chủ nhiệm đề tài và các cá nhân tham gia đều là những người có kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, triển khai thực tiễn, nắm rõ đối tượng và địa bàn nghiên cứu…Để hoàn thiện bản thuyết minh, các phản biện và thành viên hội đồng tư vấn cũng đề nghị chủ nhiệm đề tài cập nhật, bổ sung thêm về tình hình tổng quan tình hình nghiên cứu, khai thác triệt để nguồn tư liệu của các nghiên cứu trước đó; bổ sung cơ sở lý luận của đề tài, xem xét, chỉnh các chuyên đề cho phù hợp; Việc tính toán, xử lý số liệu điều tra cần chỉnh sửa, bổ sung dựa trên các căn cứ khoa học, bổ sung thêm phương pháp tiếp cận từ Khoa học chính sách, Khoa học về di sản văn hóa và phương pháp tiếp cận cộng đồng.
Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí đề nghị cho triển khai thực hiện đề tài, đề nghị chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu hoàn thiện thuyết minh theo những góp ý của thành viên hội đồng tư vấn để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện./. 
 Hà Yến
0 Bình luận

Loading...