Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Dồn sức chống dịch, tổ chức thành công cuộc bầu cử

20 Tháng 5, 2021 | Tin du lịch

 Ngày 19/5, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đồng chủ trì.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong tháng 5 có phần chững lại, một số chỉ tiêu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc mạnh mẽ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm 40,9% so với 4/2021. Hầu hết các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm tới 49,5% so với tháng trước. Một số ngành sản xuất có các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ngoài các khu công nghiệp vẫn duy trì sản xuất bình thường và có mức tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn đạt mức tăng 19,1% so với cùng kỳ.

Các loại cây trồng hiện sinh trưởng và phát triển tốt. Sản xuất vải thiều diễn ra khá thuận lợi; các cơ quan chức năng tập trung hướng dẫn người dân tăng cường sản xuất theo quy trình an toàn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Chăn nuôi và thủy sản tiếp tục phát triển, giá bán các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản duy trì ổn định, riêng giá lợn giảm. 

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả khá, tổng thu nội địa tháng 5 ước đạt 1.115 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đạt 5.540 tỷ đồng, tăng 61,1% so với cùng kỳ, đạt 64,8% dự toán.

UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời nắm bắt tình hình, quan tâm chăm lo cho đời sống của công nhân, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. 

Tuy vậy, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống, KT-XH trên địa bàn, nhất là về sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư. Công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp có thời điểm chưa thực sự nghiêm túc, kịp thời.

Các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là vải thiều đứng trước áp lực lớn. Tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án vẫn còn chậm. Hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp mặt bằng trái phép vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn chậm. Trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định hiện toàn tỉnh phải tập trung thực hiện hai nhiệm vụ lớn, đó là chuyển sang chống dịch cộng đồng với nguyên tắc tạo môi trường, không gian thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, đặc biệt là không tiếp xúc đông người, người dân nên ở trong nhà.

Đồng thời, tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Các thành viên UBND tỉnh, cơ quan, đơn vị bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, trên cơ sở nhiệm vụ, trách nhiệm được giao tích cực tham gia, đóng góp để cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp. 

Bên cạnh đó phải duy trì mục tiêu kép, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và phòng, chống dịch bệnh. Do vậy đòi hỏi trong giai đoạn này cả bộ máy phải quyết liệt vào cuộc, nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. “Không nên chủ quan cho rằng dịch sẽ sớm được đẩy lùi mà phải xác định chống dịch còn lâu dài, phức tạp. Vì vậy phải tổ chức lại sản xuất, đời sống để sống chung với dịch, có thái độ bình tĩnh, quyết tâm, không hoang mang, dao động, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng với những hành động thiết thực” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Đồng chí Mai Sơn kết luận hội nghị.

Đồng chí Mai Sơn kết luận hội nghị.

Thảo luận tại đây, đồng chí Lê Ô Pích cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn; thời gian qua giá vật liệu xây dựng, cước phí vận chuyển tăng cao khiến hoạt động xây dựng cơ bản chịu tác động rất lớn. Tiến độ và khối lượng thi công các công trình, dự án trọng điểm giảm sút. 

Trước tình hình đó, các chủ đầu tư, đơn vị, nhà thầu thi công cần làm tốt công tác chuẩn bị, ngay khi có điều kiện thuận lợi phải đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí, vật tư. Các địa phương tập trung cao cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dựa án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý chặt chẽ tài nguyên, đất đai. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; khuyến khích các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch.

Qua trao đổi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận nội dung này: Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, trước tình hình đó cần đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện làm việc trực tuyến, hạn chế hội họp đông người. Toàn dân thực hiện nghiêm việc cách ly, không có việc cấp thiết thì tuyệt đối không ra ngoài; quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để trở lại trạng thái bình thường sớm nhất.

Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa phát biểu thảo luận.

Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa phát biểu thảo luận.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung cao độ, phát huy những kết quả đạt được; khắc phục khó khăn, nắm bắt tận dụng thời cơ, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển KT-XH.

Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc khẩn trương đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ bị động sang chủ động ngăn chặn, tấn công dịch, tập trung. 

Khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đưa công nhân trở lại làm việc; yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch, coi đó là điều kiện để các doanh nghiệp được hoạt động trở lại, đặc biệt lưu ý đến thực hiện 5K, đi lại, điều kiện sản xuất, ăn ca của công nhân.

Giữ vững địa bàn từng khu dân cư trên cơ sở huy động mọi lực lượng, phát động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm chéo. 

Các sở, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, trong đó quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dịch. 

Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021. 

Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho công tác bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, nhất là đối với các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh.

Cùng thời gian, các đại biểu nghe và cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; báo cáo tổng kết Nghị quyết 138-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang năm 2022; Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Việt Lập, huyện Tân Yên đến năm 2035 (tỷ lệ 1/5.000)…

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...