Du lịch Bắc Giang: Chắp “cánh” để vươn xa

27 Tháng 5, 2015 | Tin du lịch

Là một trong 5 chương trình phát triển KT-XH trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2011-2015, những năm qua, du lịch Bắc Giang được quan tâm đầu tư, tạo điểm nhấn rõ nét. Đây là "bệ phóng" quan trọng để du lịch tiếp tục vươn xa.

Du lịch, Bắc Giang, chắp “cánh”,  vươn xa, phát triển, liên kết

Khách du lịch khám phá Đồng Cao (Sơn Động). Ảnh: Hương Giang.

Xã hội hóa 

Muốn “du khách đến nhà” phải có tua (tour), tuyến, sản phẩm du lịch để “hút” khách. Vì thế với mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, các sản phẩm du lịch để hình thành tua, tuyến đáp ứng nhu cầu du khách, Ban chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch tỉnh, các huyện, TP không những tranh thủ nguồn ngân sách mà còn đẩy mạnh xã hội hóa. 

Mỗi năm, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa, Bắc Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng du lịch, tôn tạo, chống xuống cấp tài nguyên du lịch. 

Năm 2013, ngân sách dành hơn 30 tỷ đồng xây dựng đường và hạ tầng bên ngoài chùa Bổ Đà (Việt Yên); hoàn thiện các hạng mục trong Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam); trùng tu, tôn tạo đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa), Phù Lão (Lạng Giang), Phương Lạn (Lục Nam), Thổ Hà (Việt Yên). Các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các điểm du lịch được nâng cấp, xây dựng như: Đường 293 – “con đường tâm linh”, tỉnh lộ 292 đoạn km 26 đến ngầm Tam Kha (Yên Thế) vào khu di tích lịch sử  đặc biệt Quốc gia Hoàng Hoa Thám… 

Qua 5 năm thực hiện, các chương trình, đề án, chỉ tiêu về phát triển du lịch đến năm 2015 cơ bản hoàn thành. Trong đó, khách nội địa 400 nghìn lượt người, khách quốc tế 8 nghìn người; số lượng buồng nghỉ, nhà nghỉ, khách sạn 1 sao xây mới và doanh thu du lịch hơn 226 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

(Nguồn: Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang).            

Nguồn vốn từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân hảo tâm cho xây dựng hạ tầng du lịch được quan tâm huy động tạo nguồn lực lớn. Với nhiều cách làm sáng tạo, lãnh đạo tỉnh, BCĐ Phát triển du lịch các cấp, chính quyền địa phương tích cực mời gọi đầu tư, kêu gọi con em Bắc Giang đang sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc, nước ngoài hướng về quê hương. 

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Thế Chính, Phó BCĐ Phát triển du lịch tỉnh khẳng định, nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, diện mạo hạ tầng du lịch Bắc Giang không đổi thay nhiều như hôm nay. TP Bắc Giang có khách sạn Mường Thanh, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Ở Sơn Động đang xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. 

Với phương châm “DN phát tài, làm ăn có lãi, huyện phát triển”, UBND huyện Yên Dũng tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, đối thoại và kịp thời giải quyết vướng mắc khi DN đầu tư vào địa bàn. Nhờ đó, Đề án Bảo tồn, quy hoạch mở rộng và phát huy giá trị di tích lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm; Quy hoạch và xây dựng khu Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng với kinh phí 400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đang được thực hiện; Đề án xây dựng sân Golf 36 lỗ thuộc xã Tiền Phong, Yên Lư kết hợp khu dịch vụ thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí với tổng kinh phí khoảng 1 nghìn tỷ đồng cũng được triển khai. 

Ở Yên Thế, BCĐ Phát triển du lịch huyện vận động cơ quan, DN, người dân địa phương và đặc biệt là Hội đồng hương Yên Thế tại Hà Nội ủng hộ kinh phí đúc tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng chất liệu đồng trị giá hơn 5 tỷ đồng… 

Đa dạng hoạt động quảng bá

Từ năm 2012, Sở VHTT&DL đã tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2020. Du lịch Bắc Giang có dấu mốc quan trọng về công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến. Sở đã phối hợp các ngành, DN du lịch tham gia hàng trăm cuộc hội thảo, hội chợ, nhiều sự kiện du lịch tại các địa phương là các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực nhằm giới thiệu du lịch Bắc Giang với đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Sở đã tham mưu tổ chức lễ đón Bằng công nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế và Ngày hội VHTT&DL các dân tộc góp phần quảng bá hình ảnh và thu hút du khách. Hằng năm, các lễ hội lớn như: Yên Thế, chùa Vĩnh Nghiêm, Xương Giang, chùa Bổ Đà, Suối Mỡ… được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc thu hút đông đảo khách thập phương. 

 

Du lịch, Bắc Giang, chắp “cánh”,  vươn xa, phát triển, liên kết

Du khách khám phá rừng Tây Yên Tử.

Cùng đó, hàng vạn ấn phẩm quảng bá du lịch cũng được phát hành với nội dung, hình thức hấp dẫn như: “Du lịch Bắc Giang”, “Non nước Bắc Giang”, trang website, bản đồ du lịch, tờ gấp chuyên đề, sách hướng dẫn và cẩm nang du lịch Bắc Giang. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang còn sản xuất phim, tuyên truyền đậm nét về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh cũng như giới thiệu với du khách trong và ngoài nước nét đẹp văn hóa truyền thống của Bắc Giang. 

Các báo, tạp chí, bản tin hưởng ứng Chương trình Phát triển du lịch bằng việc duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự chuyên đề về lĩnh vực này…Các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, liên kết với các tỉnh để phát triển du lịch cũng thường xuyên được tổ chức.

Nắm bắt cơ hội để vươn lên

Cũng theo ông Nguyễn Thế Chính, 5 năm qua, du lịch của tỉnh có dấu ấn rõ nét nhờ nhận thức của ngành, của chính quyền một số địa phương về vai trò của du lịch trong phát triển KT-XH được nâng lên. Hình ảnh về con người, văn hóa, phong cảnh, sản phẩm du lịch Bắc Giang được quảng bá rộng rãi, nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, thế giới tôn vinh. Hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách. 

Với những ưu thế nổi bật, BCĐ Phát triển du lịch tỉnh đề nghị Bộ VHTT&DL bổ sung Bắc Giang vào vùng quy hoạch phát triển du lịch trọng điểm quốc gia đến năm 2020 và 2030. Tuy vậy, xuất phát điểm của tỉnh còn thấp, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư năng lực cao, cơ sở hạ tầng du lịch có nơi bất cập. Các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn chưa nhiều, mới chỉ là tiềm năng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Bắc Giang đang trên đà “cất cánh” cần tiếp tục quan tâm đầu tư, tháo gỡ những khó khăn. Cùng với cải thiện môi trường, “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư và tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh, cần có quy hoạch, đề án xây dựng hạ tầng ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, mở rộng quy hoạch chùa Vĩnh Nghiêm, tôn tạo các điểm di tích khởi nghĩa Yên Thế, ATK II Hiệp Hòa. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, doanh nghiệp tích cực triển khai có hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP trong khu vực, xây dựng các tour, tuyến phù hợp. Chú trọng khai thác loại hình du lịch đặc trưng của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá.

 

 

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Nâng cao chất lượng quy hoạch 

 

 
Du lịch, Bắc Giang, chắp “cánh”,  vươn xa, phát triển, liên kết

Với tiềm năng, thế mạnh, Bắc Giang có nhiều bứt phá trong du lịch. Dù chưa phải tỉnh có kinh tế du lịch phát triển nhưng bước đầu đã có nhiều ấn tượng, chứng tỏ vai trò lãnh đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp đã được quan tâm. 

Trong quản lý nhà nước, chúng tôi đánh giá cao công tác quy hoạch du lịch của Bắc Giang. Đã có 8/9 đề án, quy hoạch được phê duyệt, chưa kể một số dự án đang được các chuyên gia tư vấn nước ngoài hỗ trợ lập quy hoạch như tại Đồng Cao và Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử (Sơn Động). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi thu hút đầu tư trong tương lai. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của ngành du lịch, quy hoạch cần quan tâm đến chất lượng, trong đó lựa chọn nhà tư vấn có năng lực. Khi đã có quy hoạch, cần cơ chế, chính sách thích hợp, hấp dẫn các nhà đầu tư, ưu tiên theo thứ tự, tránh dàn trải, phấn đấu hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ông Nguyễn Hữu Phương,Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang: Cần có hướng dẫn viên chuyên nghiệp

Du lịch, Bắc Giang, chắp “cánh”,  vươn xa, phát triển, liên kết
 
 

Muốn có sản phẩm du lịch chất lượng cao cần nâng cao tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Đội ngũ này đóng vai trò là cầu nối trực tiếp với du khách. Thẳng thắn nhìn nhận thì lực lượng hướng dẫn viên trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, từ kiến thức, kỹ năng đến trình độ ngoại ngữ. 

Do đó, việc đào tạo bài bản, nâng cao trình độ phải được chú trọng và thường xuyên hơn nữa bằng cách mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hướng dẫn viên. Tổ chức học tập kinh nghiệm tại các điểm du lịch đã làm tốt... 

Xu hướng hiện nay, việc hướng dẫn, thuyết minh được chuyển dịch về cho người dân bản địa tại các khu du lịch, vì vậy ngành chức năng cần tạo điều kiện, giúp đỡ để mỗi người dân địa phương được tham gia, hưởng lợi từ việc hướng dẫn đó. 

Đối với các di tích trọng điểm của tỉnh, Ban Quản lý di tích đang tích cực cử viên chức thực hành thuyết minh tại di tích và bước đầu được nhiều đoàn khách đánh giá cao.

Theo Báo Bắc Giang

0 Bình luận

Loading...