Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc bàn giải pháp phát triển du lịch

27 Tháng 5, 2022 | Tin du lịch

 Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp hoạt động đào tạo từng địa phương cho các Hiệp hội thành viên, hỗ trợ thông tin, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc nên có một kênh thông tin chung để quảng bá tuyên truyền về tiềm năng thế mạnh du lịch.

Đó là ý kiến của các đại biểu trongHội nghị Tổng kết hoạt động năm 2021, bàn về giải pháp khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19 do Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, ngày 26/5.

Cần xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực

 

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Cụm Trưởng cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc phát biểu.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Cụm Trưởng cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc phát biểu.

 

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Cụm Trưởng cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc nhìn nhận, hoạt động du lịch ở các địa phương thời gian gần đây đã có sự khởi sắc. Tại Hội nghị này, các hiệp hội thành viên sẽ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm vượt khó. Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng trong xây dựng sản phẩm đặc trưng cho doanh nghiệp; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, các Hiệp hội Du lịch, góp sức thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Đánh giá về kết quả hoạt động trong năm 2021, Cụm phó cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc Dương Thị Thanh cho biết, năm qua các Hiệp hội Du lịch thuộc Cụm đã duy trì việc cập nhật thông tin thường xuyên, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành trong cả nước; hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Đặc biệt, đã tích cực giới thiệu sản phẩm du lịch của các Hiệp hội Du lịch với nhau; thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động Hiệp hội Du lịch cũng như phát triển hội viên và trao đổi về phát triển các dịch vụ du lịch và các sản phấm du lịch để các hội viên kinh doanh có hiệu quả; một số Hiệp hội Du lịch đã liên kết, hợp tác trong chương trình kích cầu và phát triển sản phẩm du lịch mới. Trong đó, việc định vị sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng để tạo sức hút đối với du khách đã được triển khai mạnh mẽ ở mỗi địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi và nỗ lực của các Hiệp hội thành viên, bà Thanh cũng cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại và cần có giải pháp khắc phục về vấn đề tài chính cho các doanh nghiệp hội viên để khôi phục hoạt động. Cụ thể, nhiều hội viên kinh doanh thua lỗ, bị thiệt hại lớn, buộc phải thông báo bán, chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh hoặc bị phá sản. Một thực tế nữa là, nhiều lao động đã bỏ ngành Du lịch chuyển sang lĩnh vực khác làm việc... khi ngành Du lịch khôi phục thì nguồn lao động rất khan hiếm, nhiều khách sạn, điểm đến không tuyển dụng được lao động. Đặc biệt “Công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động thông tin, liên lạc trong phạm vi nội bộ Cụm còn gặp nhiều hạn chế khó khăn. Cơ chế hoạt động và chấp hành chế độ thông tin báo cáo còn chậm. Chưa có giải pháp khai thác hết các thế mạnh của các thành viên, chưa có nhiều chương trình, giải pháp cụ thể và hiệu quả để kết nối sâu, rộng giữa các Hiệp hội thành viên, giữa các doanh nghiệp du lịch trong Cụm”, bà Thanh cho hay.

 

Đoàn Chủ tịch Hội nghị
Đoàn Chủ tịch Hội nghị

 

Theo bà Thanh, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc cần tập trung kiện toàn cơ cấu bộ máy của các Hiệp hội Du lịch; tiếp tục đề nghị Chính phủ về các chính sách hỗ trợ thuế GTGT, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, giá điện, nước theo giá của sản xuất kinh doanh bình thường cho các dooanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các Hiệp hội thành viên, phối hợp truyền thông, xúc tiến quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, các điểm đến, dịch vụ du lịch, các sự kiện văn hóa thể thao, các chương trình tour du lịch kích cầu, trao đổi khách du lịch giữa các doanh nghiệp, điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các chương trình famtrip, presstrip, chia sẻ kinh nghiệm góp phần nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ liên vùng, liên tuyến; xây dựng các chương trình khảo sát, kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng du lịch trọng điểm. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, giới thiệu thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các địa phương, đặc biệt các địa phương trong Cụm.

Đồng thời, bà Thanh cũng cho rằng, “Cần chú trọng xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ thông tin, cung cấp hoạt động đào tạo địa phương mình cho các Hiệp hội thành viên. Tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, hội nghị, chương trình hoạt động, sự kiện du lịch do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các Hiệp hội thành viên trong Cụm tổ chức; tăng cường kết nối với các hãng hàng không để quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.

Kết nối, phát triển sản phẩm khác biệt để quảng bá

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất, đồng tình với đề xuất, kiến nghị về những giải pháp phát triển du lịch của cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc trong năm 2022. Cụ thể, các ý kiến đã tập trung bày tỏ về những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch do tác động của đại dịch COVID-19; những khó khăn, vướng mắc bởi cơ chế, chính sách...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La Hoàng Chí Thức, “Mặc dù đã có ý kiến nhiều lần nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc hỗ trợ do tác động bởi đại dịch COVID-19, tiền thuế đất, giá điện, nước, xăng dầu tăng”. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thị Bảo lại cho rằng, “Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch đã nêu rõ nhưng thực tế cho thấy ở nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến du lịch. Do tác động của đại dịch COVID-19, việc tiếp cận gói hỗ trợ, kích cầu du lịch doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, chỉ có gói hỗ trợ cho Hướng dẫn viên là có. Còn thuế đất, chính sách thuế giá trị gia tăng, tiền điện, nước không nhiều, khi mùa dịch không có khách, doanh nghiệp du lịch không có nguồn thu, ngành Du lịch rất ít và khó khăn nhận được các ưu đãi, hỗ trợ”.

 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

 

“Ngoài việc quan tâm, hỗ trợ về giá điện, nước, xăng dầu, vốn, đào tạo nhân lực, lãi xuất tiền vay ngân hàng. Người làm du lịch cần quan tâm đối tượng khách. Cần có chính sách về vé hàng không, đường bộ, đường sắt cho khách du lịch. Thực tế trên nhiều tuyến đường quốc lộ biển chỉ dẫn không thống nhất, các quy định về tốc độ xe không rõ ràng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện vận chuyển khách du lịch đi trên các tuyến đường này” - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ bày tỏ.

Về vấn đề kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho rằng rất cần sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch để hỗ trợ, chia sẻ trong phát triển, thu hút khách. Lý giải điều này, bà Thanh nêu: “Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại chính thức đón khách từ 15/3, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lượng khách đến các điểm du lịch tăng cao, dấu hiệu cho sự khởi sắc của ngành Du lịch. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng, chí phí dịch vụ đang tăng cao, giá tour tăng, khó khăn trong trả lãi ngân hàng, có vốn vay mới, để đầu tư, ảnh hưởng chính sách kích cầu”.

Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều Hiệp hội Du lịch cũng đề cập đến việc phối hợp nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đặc trưng dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác, trao đổi khách, chia sẻ kinh nghiệm thông tin. Đặc biệt, cần đẩy mạnh liên kết trong đào tạo nhân lực; xây dựng trang thông tin để quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch các địa phương trong Cụm.

Các ý kiến cũng đánh giá cao vai trò, sự cần thiết tăng cường hợp tác của Cụm nói riêng và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Nhâm, “Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc là hình ảnh thu nhỏ của du lịch Việt Nam, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Cần có những chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động và xem tác động của nó. Trong Cụm cần tăng cường liên kết, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Nên có trang điện tử chung đưa thông tin các địa phương để các Hiệp hội cập nhật, chia sẻ thông tin”.

Đánh giá và tổng kết Hội nghị, ông Thản nhấn mạnh, mỗi tỉnh có lợi thế khác nhau, các tiềm năng, thế mạnh, các di tích, danh thắng, trang phục, lễ hội... là tài nguyên du lịch, cần nghiên cứu, cần tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, khác biệt để quảng bá, giới thiệu cho du khách.

Hội nghị sẽ ghi nhận các ý kiến để báo cáo, đề xuất với Bộ VHTTDL, Chính phủ nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch cũng như hoạt động của các Hiệp hội Du lịch. “Hiệp hội Du lịch các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác, giao lưu, liên kết, học hỏi, hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn, chung sức thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trong xu thế hội nhập”, ông Nguyễn Mạnh Thản bày tỏ mong muốn.

Theo Tạp chí Du lịch
0 Bình luận

Loading...