Họp báo về Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế

08 Tháng 3, 2024 | Tin trong tỉnh

BẮC GIANG - Chiều 7/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024). Các đồng chí: Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội; Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế chủ trì cuộc họp báo. 

Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Tại đây, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL thông tin tóm tắt về sự kiện. Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024) (gọi tắt là Lễ hội Yên Thế 2024) do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/3 tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) và một số địa điểm khác có liên quan.

Ông Trương Quang Hải phát biểu tại buổi họp báo. 

Đây là sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng của tỉnh, nhằm tri ân các vị thủ lĩnh cùng tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của đất nước và hòa bình cho nhân dân. 

Điểm nhấn của sự kiện là chương trình khai mạc Lễ hội diễn ra sáng 16/3 với chương trình nghệ thuật có chủ đề “Bản hùng ca Yên Thế", được dàn dựng quy mô, hoành tráng, công phu, mang tính sử thi nhằm ca ngợi công lao của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa quân Yên Thế đã anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. 

Cùng đó là hàng loạt các nghi lễ, hoạt động diễn ra trong suốt quá trình tổ chức Lễ hội như: Lễ cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại đền thờ Lương Văn Nắm, xã Tân Trung (Tân Yên); lễ cắt băng khánh thành công trình Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, Đình Ba tầng mái, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế); khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế; lễ tế, dâng hương, phóng ngư, thả điểu; các giải thể thao: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co...

Tại đây, các phóng viên nêu nhiều câu hỏi liên quan đến Lễ hội như: Công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); việc quan tâm tu bổ, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch của tỉnh và các địa phương; bố trí khu vực tác nghiệp của phóng viên; kịch bản chương trình nghệ thuật lễ khai mạc; việc trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đồng Thúy (Thông tấn xã Việt Nam) về công tác bảo đảm ATVSTP tại Lễ hội, ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Lễ hội Yên Thế là lễ hội lớn thu hút hàng vạn du khách các nơi trong và ngoài tỉnh về dự, vì vậy, công tác bảo đảm ATVSTP được Ban Tổ chức và huyện đặc biệt quan tâm. UBND huyện phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, có phương án cụ thể, chi tiết; tăng cường kiểm tra thực hiện công tác này đối với các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là khu vực trung tâm huyện trong thời gian diễn ra Lễ hội; bố trí nhân lực, thuốc, phương tiện bảo đảm công tác sơ cấp cứu phục vụ tại Lễ hội.  

Đối với công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, đại diện Công an tỉnh cho biết, đơn vị chỉ đạo công an các phòng, địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và các huyện Yên Thế, Tân Yên thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm ANTT và an toàn cho đại biểu, nhân dân. Tích cực đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình…

Đại diện Công an tỉnh trả lời về công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông tại Lễ hội. 

Về  phát huy giá trị các di tích lịch sử gắn với phát triển KT - XH, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, huyện Yên Thế,  huyện Tân Yên cho biết: Thời gian qua, các di tích đã được đầu tư, tôn tạo, tu bổ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau với số tiền hàng trăm tỷ đồng, trong đó có một số công trình tiêu biểu như: Đình Ba tầng mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Xương, đình Dĩnh Thép, chùa Thông (Yên Thế); đình làng Chuông, đền Gốc Khế, đình Nội, đình Hả, đền thờ Lương Văn Nắm (Tân Yên); đình Đông (thị xã Việt Yên), chùa Kem (Yên Dũng). 

Các di tích trên đã và đang trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham quan, chiêm bái; từng bước hình thành kết nối các điểm di tích về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế với các di tích khác trong vùng, góp phần làm phong phú thêm hệ thống di tích của tỉnh Bắc Giang…

Trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các ngành, địa phương, ông Trương Quang Hải làm rõ thêm một số nội dung, đồng thời mong muốn phóng viên các cơ quan báo chí  của Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về sự kiện tạo sức lan tỏa. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử - văn hóa, những giá trị đặc sắc của vùng đất, con người, thành tựu phát triển KT - XH của huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. 

THEO BÁO BG

0 Bình luận

Loading...