Nỗ lực xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch

17 Tháng 2, 2019 | Tin du lịch

Ngày 16-2, tại Khách sạn Mường Thanh (TP Bắc Giang) diễn ra hội thảo với chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử”; xây dựng tour du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn và khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang. Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lãnh đạo sở VHTTDL Bắc Giang.
Sau khi tham gia khảo sát một số điểm trên tuyến du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử, các đại biểu đến từ Tổng công ty Công nghệ thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch, Sở Du lịch một số tỉnh và thành phố, các nhà nghiên cứu; hơn 30 doanh nghiệp lữ hành trong nước và nhiều nhà đầu tư, cơ quan truyền thông trong nước đã tham dự hội thảo. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Khai mạc hội thảo, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi, là địa phương gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm với con đường tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh); Khu Di tích lịch sử Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Những năm qua, du lịch Bắc Giang đang từng bước phát triển góp phần làm thay đổi diện mạo một số địa phương trong tỉnh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các tầng lớp dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển KT-XH. Bắc Giang cũng có khả năng kết nối thuận lợi với một số điểm du lịch trọng điểm như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế ông Ngô Hoài Chung cho rằng Bắc Giang cần thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về mọi mặt; quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tâm linh - nghỉ dưỡng bởi đây là lợi thế nổi trội của du lịch Bắc Giang so với du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực kết hợp phát triển dịch vụ sân golf thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, thể thao. Ông Chung cũng nhấn mạnh vấn đề liên kết phát triển du lịch. Bắc Giang nằm rất gần các thành phố lớn và các trung tâm du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây vừa là lợi thế song nếu không biết nắm bắt, phát huy lợi thế và cơ hội thì đây lại là khó khăn, hạn chế cho tỉnh khi phát triển du lịch. Vì vậy, Bắc Giang cần liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch, trở thành một mắt xích không thể thiếu trong toàn bộ chuỗi đó. 

         Phần thảo luận, nhiều vấn đề cụ thể nhưng có ý nghĩa tác động đến sự thành công trong thu hút khách du lịch cũng được các đại biểu, nhất là các doanh nghiệp lữ hành nêu lên tại hội thảo. Nhiều doanh nghiệp có chung nhận định Bắc Giang rất có tiềm năng về du lịch tâm linh song chưa thực sự có điểm nhấn nổi bật về sản phẩm này. Vì vậy các đơn vị lữ hành vẫn chưa mạnh dạn đưa các điểm đến của tỉnh vào tour của mình. Giao thông đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu kết nối du lịch nên tỉnh cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho mở rộng và kết nối giao thông giữa các khu, điểm du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, nhất là tuyến đi Tây Yên Tử và chùa Bổ Đà. Vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu, điểm du lịch cũng cần quan tâm làm tốt hơn nữa. Vấn đề “du lịch là mở” cũng được nhiều đại biểu lưu ý, đó là: người làm du lịch cần nâng cao tính chuyên nghiệp, phải “biết cười” tạo sự thân thiện, cởi mở, ứng xử văn hóa với du khách, với môi trường xung quanh. Yêu cầu này đặt ra cả đối với đội ngũ người trực tiếp làm du lịch cũng như người dân sở tại. Vấn đề marketing điểm đến cũng được đề xuất với giải pháp “thổi” sự linh thiêng vào các di tích bằng các huyền tích mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa - tâm linh. Thêm vào đó cần có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên giỏi tại các điểm du lịch để giúp du khách gia tăng giá trị cảm nhận đối với nơi đến. Một việc nữa là giúp gia tăng giá trị kinh tế cho nhân dân bản địa qua sản xuất, giới thiệu, bán các sản vật địa phương. Các đại biểu cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch dưới nhiều hình thức ngắn hạn, dài hạn, tại chỗ… cũng như bàn bạc, hỗ trợ để thiết kế sản phẩm du lịch đặc trưng.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước sự giúp đỡ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ quan Trung ương đối với Bắc Giang nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tham luận, đề xuất, góp ý của các chuyên gia, đại diện Tổng cục Du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh bạn, các doanh nghiệp lữ hành nhất là trong việc chỉ rõ những hạn chế, điểm yếu của tỉnh về du lịch cần khắc phục. Tỉnh sẽ tiếp thu, vận dụng trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới. PCT UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đang phối hợp với Viện Trần Nhân Tông nghiên cứu, khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của vùng Tây Yên Tử; tập trung phục dựng con đường tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông kết nối với các di tích cổ có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh đang thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao; khai thác tiềm năng du lịch mùa trái cây Lục Ngạn. Việc phát triển hạ tầng giao thông cũng được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó có phát triển du lịch bằng việc nâng cấp tuyến đường Tây Yên Tử; kết nối với các tỉnh trong khu vực và nội tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với tinh thần cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tỉnh mong muốn hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Sau buổi hội thảo này, UBND tỉnh mong muốn tiếp tục được các cơ quan quản lý trung ương, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phối hợp, chia sẻ, đóng góp các giải pháp hỗ trợ Bắc Giang thúc đẩy phát triển du lịch và sự phát triển chung về kinh tế- xã hội./.
                                                                                                                                                                                                                            Hà Yến
0 Bình luận

Loading...