Phát triển du lịch cộng đồng: Chuyên nghiệp, người dân là chủ thể

30 Tháng 10, 2020 | Tin du lịch

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một trong những sản phẩm du lịch được nhiều du khách ưa thích. Ở một số huyện của tỉnh Bắc Giang, mô hình DLCĐ bước đầu hình thành, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên để khai thác có hiệu quả tiềm năng từ DLCĐ cần huy động mạnh mẽ sự tham gia của người dân. 

Cần tăng tính chuyên nghiệp

Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển DLCĐ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020”. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với một số đơn vị, huyện ban hành Kế hoạch phát triển DLCĐ, trong đó tập trung hình thành điểm DLCĐ tại thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động), bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế); tổ chức khảo sát, mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và hộ dân làm DLCĐ đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh; hỗ trợ trang thiết bị như chăn, màn, biển chỉ dẫn, thiết bị nhà vệ sinh.

Đội văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng tại bản Nà Ó, xã An Lạc  (Sơn Động).   Ảnh: Xuân Thỏa

Đội văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng tại bản Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động). Ảnh: Xuân Thỏa

Tại thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động) - điểm DLCĐ đã mở cửa đón du khách. Ông Vũ Ngọc Huân, Giám đốc HTX Dịch vụ DLCĐ An Lạc cho biết, HTX thành lập các tổ: Hát then, thuốc nam, vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên, lưu trú. Đến đây, ngoài được tận hưởng không gian trong lành, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối, thác nước, rừng nguyên sinh, du khách được sinh hoạt, giao lưu với người dân trong thôn, thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tuy nhiên, dù đã hình thành điểm DLCĐ song nhận thức về làm du lịch của bà con trong thôn còn hạn chế. Hiện mới có 5 hộ đầu tư nhà lưu trú (homestay) phục vụ khách tham quan. Nếu như khách có nhu cầu trải nghiệm, ăn uống, sinh hoạt, văn nghệ trong dân với số lượng lớn (từ 50 người trở lên) sẽ khó đáp ứng. Mặt khác, việc phục vụ của các hộ vẫn theo phong cách sinh hoạt gia đình, chưa mang tính chuyên nghiệp từ việc chế biến thực phẩm đến bài trí món ăn hoặc giới thiệu, bán quà lưu niệm. “Hướng dẫn viên chủ yếu là đưa đường, giới thiệu tên các điểm tham quan chứ không có tài liệu thuyết minh để du khách hiểu sâu về lịch sử, văn hóa như ở các khu, điểm du lịch khác. Mặt khác, khi có khách nước ngoài thì lại không ai biết ngoại ngữ để giao tiếp”, ông Huân nói.

Đến bản Ven và Khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà, xã Xuân Lương (Yên Thế), du khách được trải nghiệm hái, sao chè; thăm gian trưng bày, giới thiệu các sản vật, nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Cao Lan; đi dưới tán rừng nguyên sinh, thưởng thức các món ăn dân dã mang hương vị miền núi. Ở bản Ven, HTX Thân Trường có khoảng 20 hộ xã viên, đơn vị đã đầu tư một số nhà sàn để khách dừng chân, có dịch vụ ăn, nghỉ. Dịp cao điểm, mỗi tháng có vài nghìn khách đến tham quan, trải nghiệm, nhiều khách ngoài tỉnh. 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, số hộ dân tham gia trong chuỗi dịch vụ du lịch còn ít, người dân chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, cung ứng dịch vụ. Ông Triệu Văn Phượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Thế cho biết, hiện nay chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ ẩm thực, hàng hóa ở khu vực bản Ven, Xuân Lung- Thác Ngà phục vụ du lịch còn hạn chế. Các hoạt động vui chơi, trải nghiệm trong cộng đồng đơn điệu. Kỹ năng làm du lịch của những hộ làm DLCĐ như phục vụ ăn, nghỉ, sinh hoạt văn hóa, giao tiếp chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp.

Có cơ chế, tạo sức hút

DLCĐ đang được coi là hướng đi mới góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Ngoài xã An Lạc (Sơn Động), Xuân Lương (Yên Thế), mô hình DLCĐ vườn cây ăn quả huyện Lục Ngạn bước đầu thu hút khách tham quan nhất là vào mùa vải thiều, cam, bưởi. Vài năm gần đây, mỗi năm huyện Lục Ngạn đón khoảng 300 nghìn lượt khách đến tham quan vùng cây ăn quả. Huyện đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải…

Kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 18 điểm DLCĐ, trong đó huyện Lục Ngạn 9 điểm gắn với vùng cây ăn quả, Sơn Động (3), Yên Thế (3), Lục Nam (2), Việt Yên (1) với kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Ở một số địa phương sẽ hình thành các HTX phát triển DLCĐ nhằm tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch. Phấn đấu đến hết năm 2025, các điểm DLCĐ và tham quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. 

Thực hiện Kế hoạch, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ 18 điểm DLCĐ, trong đó huyện Lục Ngạn 9 điểm gắn với vùng cây ăn quả, Sơn Động (3), Yên Thế (3), Lục Nam (2), Việt Yên (1) với kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ phục vụ việc thuê đơn vị tư vấn xây dựng hình thành điểm DLCĐ, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng giao tiếp, chế biến món ăn, nghiệp vụ quản lý vận hành, thiết bị để biểu diễn văn nghệ, trang phục, đóng mới thuyền, phao cứu sinh, cải tạo nâng cấp nhà truyền thống, nhà văn hóa, tổ chức cho các hộ đi tham quan học tập các mô hình phát triển DLCĐ.

Khách trải nghiệm hái chè bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).

Khách trải nghiệm hái chè bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).

DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Để việc triển khai phát triển DLCĐ mang lại hiệu quả theo các chương trình, kế hoạch đề ra, ngoài cơ chế hỗ trợ, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về DLCĐ, lấy người dân làm chủ thể, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. 

Tạo điều kiện, có ưu đãi cho các hộ dân làm DLCĐ vay vốn. Đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống đường giao thông dẫn vào các khu, điểm DLCĐ. Liên kết chặt chẽ với các chuyên gia, đơn vị tư vấn có kinh nghiệm về phát triển DLCĐ, các công ty lữ hành để đưa khách về tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc sắc của các địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Theo Báo Bắc Giang 
0 Bình luận

Loading...