Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi): Rà soát một bước nữa để có thể thông qua vào cuối kỳ họp tới

16 Tháng 3, 2017 | Tin du lịch

VH- Ngày 14.3.2017, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng đã chủ trì phiên họp này.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị các thành viên trong TVQH thảo luận thêm những vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy du lịch phát triển hiện nay: “Muốn du lịch phát triển đột phá thì cần phải có những giải pháp nào? Luật phải quy định ra sao để có thể quản lý được, phát triển có trọng tâm, trọng điểm và theo đúng chỉ đạo mới đây của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?”.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (UBVHGDTNTNNĐ) Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Trong đó có vấn đề về: Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở Việt Nam ở nước ngoài; Điểm du lịch, khu du lịch quốc gia; Sản phẩm du lịch; Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch; Chính sách phát triển du lịch...

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu QH đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), ngay sau kỳ họp, theo sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực UBVHGDTNTNNĐ đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL- cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH để chỉnh lý dự thảo Luật.

Tất cả các ý kiến tại phiên họp đều nhất trí với việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện vì cho rằng như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường. Quy định này sẽ gắn liền với công tác hậu kiểm, nghiêm cấm hành vi tự công bố hạng sao, lợi dụng quy định mở, thông thoáng để trục lợi. Đồng thời, dự thảo bổ sung điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch phải đáp ứng quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú do Bộ VHTTDL ban hành. Quy chuẩn này là điều kiện tối thiểu mà tất cả các loại hình cơ sở lưu trú phải đáp ứng.

Toàn cảnh phiên họp Ảnh: Giang Nam 

Các ý kiến tại phiên họp cũng cho rằng, trong điều kiện đất nước hiện nay, việc Thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài (Khoản 4, Điều 73) là rất khó, cần phải rất thận trọng với đề xuất này. Hơn nữa, việc thành lập Văn phòng xúc tiến ở nước ngoài liên quan tới Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các ý kiến thiên về phương án 2: “Tại các thị trường du lịch trọng điểm, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có bộ phận chuyên trách xúc tiến quảng bá du lịch. Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Điều này sau khi thống nhất ý kiến với Bộ VHTTDL”. Các đại biểu cũng đề nghị ngoài thị trường trọng điểm cần phải chú trọng việc xúc tiến quảng bá du lịch ở những thị trường tiềm năng nữa.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các đại biểu đều đồng ý với việc phải thành lập Quỹ, tuy nhiên cần quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, cơ chế, nguyên tắc hoạt động, mục tiêu của Quỹ. “Ví dụ, nguồn thu trích từ phí tham quan; phí thị thực nhập cảnh của khách du lịch; phí khách du lịch sử dụng dịch vụ... thì đều vướng Luật Phí và lệ phí; Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Vì thế, những quy định về Quỹ phải phù hợp và đồng bộ với những Luật khác. Hơn nữa, phải quy định rõ nguồn thu này trích từ phí hay thuế, trích bao nhiêu? Bên cạnh đó, cần phải có đánh giá tác động của Quỹ. Dự kiến thu được bao nhiêu, chi thế nào, chi cho những khoản gì, dự kiến thực hiện thế nào? Nhà nước chỉ hỗ trợ “vốn mồi” (khoảng 200- 300 tỷ đồng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tổ chức tại Hội An năm 2016- PV) còn sau đó phải làm sao để huy động tối đa nguồn xã hội hóa cho Quỹ. Nếu quy định chung chung thì Luật sẽ lỏng mà lỏng thì khó thực hiện”- ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch QH phụ trách ngân sách góp ý.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH cho biết về cơ bản đánh giá và nhất trí cao với dự thảo lần này của Luật Du lịch (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu cũng đưa ra một số băn khoăn đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn như việc giải thích từ ngữ mới chỉ giải thích “điểm du lịch”, “khu du lịch” chứ chưa có “khu du lịch quốc gia” hay như chưa phân biệt rõ “sản phẩm du lịch” và “loại hình du lịch”.

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của QH thể hiện rõ sự chia sẻ với ngành Du lịch khi đất nước còn nghèo, phát triển vừa chậm vừa manh mún, tư duy không đồng bộ. “Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng quy hoạch không đồng bộ, thiếu tính nghiêm túc và tính thống nhất khi thực hiện những giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển. Du lịch là ngành kinh tế có thể mang lại nhiều nguồn thu cho đất nước nhưng chúng ta lại rất căn ke, chặt chẽ để đưa ra những giải pháp thông thoáng, cởi mở thúc đẩy du lịch phát triển. Tôi đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nếu không có Quỹ thì khó mà du lịch phát triển được. Thực tế, quảng bá du lịch của chúng ta hiện nay rất manh mún. Trên thế giới không có nơi nào ngược đời như Việt Nam, ở những nước khác cảnh quan xấu họ làm thành đẹp, ở ta cảnh rất đẹp lại phá cho hỏng đi. Đất nước ta nhiều tiềm năng, chính trị ổn định, con người thân thiện nhưng không khai thác cho tương xứng được vì không có những chính sách đặc thù để phát triển du lịch. Vì thế, muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải có những chính sách ưu tiên cho ngành này”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến của ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Nguyễn Khắc Định, người cũng đã có nhiều năm gắn bó với ngành Du lịch nhận xét: Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này tiếp thu rất sát Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16.1.2017 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, cần phải tạo sự chủ động độc lập và quyền hạn tương đối cao cho Tổng cục Du lịch (TCDL) chứ vai trò của TCDL hiện nay rất hạn chế. Có những việc TCDL trình Bộ trưởng phải qua các Cục, Vụ khác có liên quan. Tiền xúc tiến du lịch đã ít lại phải chia 5 xẻ 7 cho các đơn vị khác có cùng chức năng xúc tiến trong Bộ. Các giải pháp, chính sách đột phá đề xuất để thúc đẩy du lịch thì đụng hết Luật này đến Luật khác. Theo tôi, cần phải cho ngành Du lịch hưởng khung cao nhất các quy định của Luật khác, thậm chí, nếu cần thì sửa Luật khác để du lịch có thể thực sự phát triển.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng: “Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần này chuẩn bị rất công phu. Tuy nhiên, cần hoàn chỉnh thêm một số nội dung trước khi đưa ra QH thông qua. Ví dụ như việc quy định Khu du lịch quốc gia phải có lượng khách lưu trú tối thiểu đạt 500.000 lượt mỗi năm thì có lẽ hang Sơn Đoòng, hang động đẹp nhất hành tinh, nơi hàng triệu người trên khắp thế giới mơ ước được đến một lần- không bao giờ trở thành Khu du lịch quốc gia được”.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng muốn Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải rà soát các chính sách và tạo điều kiện để du lịch phát triển tốt nhất. Ngành Du lịch cũng cần phải giải quyết được những yếu kém nội tại về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực để đáp ứng được điều kiện phát triển trong tình hình mới, làm sao để giữ chân khách lâu hơn, chi tiền nhiều hơn, khách được hưởng dịch vụ đúng với công sức, tiền bạc mà họ bỏ ra. Ngành Du lịch nên chú trọng vào việc phát triển du lịch cộng đồng để tăng đóng góp cho xã hội. Du lịch cộng đồng hiện nay rất phát triển ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa; mang lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương, tạo công ăn việc làm và khách du lịch quốc tế cũng rất ưa thích. Tôi hy vọng khi Luật này được thông qua, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã thay mặt Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch, Phó chủ tịch QH và các thành viên trong UBTVQH và sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Vì thế, trong quá trình xây dựng Luật cũng gặp nhiều khó khăn vì “va chạm” với rất nhiều Luật. Liên quan đến chính sách đầu tư thì vướng Luật Đầu tư; hạ tầng giao thông, mở cửa bầu trời thì vướng các Luật thuộc ngành Giao thông vận tải; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thì Luật Phí và lệ phí; Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài thì đụng Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... Vì thế, chúng tôi rất muốn xin ý kiến của UBTVQH và các đại biểu để Luật Du lịch (sửa đổi) được hoàn thiện và tiến bộ nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu QH phiên họp trước, cập nhật thêm chủ trương mới của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này. Xác định rõ loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; đồng ý phương án xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện; cần có những quy định cụ thể hơn cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đảm bảo thống nhất và phù hợp với các Luật khác; không thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; quan tâm, củng cố cơ quan TCDL... Rà soát một bước nữa và cố gắng thông qua Luật này vào cuối kỳ họp tới.

Theo Baovanhoa.vn

0 Bình luận

Loading...