15 Tháng 2, 2024 | Tin trong tỉnh
Tới dự có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và TP Bắc Giang qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các đồng chí lãnh đạo một số tỉnh, TP lân cận cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo và nhân dân dự lễ hội. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang nêu: Ngược dòng lịch sử, mùa xuân năm 1427, nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến của quân dân Đại Việt, buộc Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng, là chiến thắng đỉnh cao và có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo, chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Để ăn mừng chiến thắng, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”.
Trong niềm vui chung đó, ở Kinh Bắc có thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn để cáo tế trời đất ban phúc lộc cho nhân dân. Từ đó về sau, nhân dân vùng Xương Giang đều tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng để khơi dậy niềm tự hào về chiến công này. Đó cũng là dịp các làng quanh thành Xương Giang tổ chức hội làng truyền thống.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đồng chí Dương Văn Thái trao chứng nhận đưa lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Chiến thắng Xương Giang đánh dấu một mốc son chói lọi, tô thắm trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói chung và Đảng bộ, nhân dân TP Bắc Giang nói riêng.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong nhiều năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Bắc Giang đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, lễ hội Xương Giang nói riêng.
Màn trống khai hội. |
Từ năm 1998 đến nay, lễ hội Xương Giang được tổ chức hằng năm với quy mô cấp thành phố ngay tại khu vực diễn ra trận chiến Xương Giang xưa để thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn đối với các bậc hiền tài, nghĩa sĩ và nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu với đông đảo nhân dân, quý khách gần xa về mảnh đất Bắc Giang văn hiến - cách mạng - anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện và mến khách.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL có quyết định số 3443/QĐ-BVHTTDL về việc đưa lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội đầu tiên ở TP Bắc Giang được vinh danh.
Đồng chí Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang phát biểu khai hội. |
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đồng chí Dương Văn Thái trao chứng nhận đưa lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau màn trống khai hội, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Chiến thắng Xương Giang - muôn thuở còn truyền” gồm 3 phần: “Xương Giang - Bản hùng ca vang mãi”; “Bài ca đất nước; “Bắc Giang - niềm tin, khát vọng”.
Bằng hình ảnh và âm nhạc, diễn xuất hóa thân chuyên nghiệp qua tiết mục diễn xướng sử thi “Phá thành giặc” và “Mừng Xương Giang chiến thắng”, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang đã đem đến cho nhân dân và du khách màn trình diễn sống động về một vùng địa linh nhân kiệt thông qua những nét văn hóa tiêu biểu của phủ Lạng Thương, trấn Kinh Bắc xưa và Bắc Giang nay; tinh thần anh dũng của quân dân ta trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Một tiết mục trong chương trình văn nghệ với chủ đề "Chiến thắng Xương Giang - Muôn thuở còn truyền". |
Qua đó khẳng định Chiến thắng Xương Giang là chiến thắng của sự tài trí và sức mạnh đoàn kết của cha ông ta. Lễ hội Chiến thắng Xương Giang giúp cho mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống tốt đẹp của quê hương, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong lao động và học tập, góp phần xây dựng TP Bắc Giang ngày càng giàu mạnh và phát triển. Tiếp nối chương trình là các ca khúc mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, chủ đề mừng xuân, mừng Đảng và ca ngợi quê hương, đất nước qua phần biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ của Bắc Giang và trung ương.
Người dân theo dõi chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội. |
Trước đó, vào chiều cùng ngày, tại khu di tích diễn ra lễ tế, nghi thức phóng ngư, phóng điểu cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc. Ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), lễ hội Xương Giang tiếp tục với các đoàn rước; thỉnh chiêng, thỉnh trống khai hội; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (hát chèo, quan họ, ca trù); chiếu phim hoạt hình về lịch sử Chiến thắng Xương Giang; trưng bày ảnh ký ức Chiến thắng Xương Giang; các trò chơi dân gian; không gian văn hóa chợ quê với các sản phẩm đặc trưng của TP Bắc Giang.
Theo Báo Bắc Giang
Danh mục
Bài viết nổi bật
Loading...