Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch: Phát huy nguồn lực nội sinh, đẩy mạnh liên kết để bứt phá

10 Tháng 1, 2022 | Tin du lịch

Gửi lời chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 (ngày 6/1), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, đóng góp của ngành trong năm 2021 trên các mặt công tác với nhiều kết quả đáng ghi nhận…

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 

Ngày 6/1, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 tại điểm cầu trụ sở Bộ và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự Hội nghị có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT &TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Đại diện các Bộ LĐ-TBXH, Bộ Ngoại giao, các Ban, ngành Trung ương…

Về phía Bộ VHTTDL có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương. Cùng dự có các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch 63 tỉnh, thành phố;  lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL...

Tích cực góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày báo cáo tổng kết
Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày báo cáo tổng kết

 

Báo cáo tại hội nghị công tác trọng tâm trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định, với tinh thần “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, năm 2021 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song ngành VHTTDL đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Lần đầu tiên sau 75 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được tổ chức, xác định 6 mục tiêu cụ thể và 10 giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Từng bước đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý văn hóa”, chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ theo tinh thần “kiến tạo”; tập trung xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước bằng pháp luật đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển . Năm qua, các mô hình hoạt động mới như nhà hát online, triển lãm online lần đầu tiên được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, mang đến “liều vắc-xin tinh thần” phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch.

Thể thao Việt Nam tiếp tục giành được những thành tích ấn tượng, có ý nghĩa lịch sử tại các Đại hội và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Về Du lịch, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trương, lộ trình đón khách du lịch quốc tế. Chỉ trong hơn 1 tháng thí điểm mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc – xin, Việt Nam đã đón 3.500 khách du lịch từ các nước…

Cần đẩy nhanh chuyển đổi số…

Chia sẻ tại Hội nghị một số vấn đề liên quan đến những “điểm nghẽn” của ngành – nhất là lĩnh vực công nghệ - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số chính là “cuộc cách mạng” đối với ngành VHTTDL. Thủ tướng đã công bố 35 nền tảng số, trong đó có 2 nền tảng số thuộc ngành VHTTDL, đó là nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích; nền tảng quản trị kinh doanh du lịch. “Bộ VHTTDL nên công bố thêm một số nền tảng chuyên ngành, đây là mấu chốt tạo bứt phá cho ngành VHTTDL. Bộ TT&TT sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL trong cuộc cách mạng chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, thời gian qua, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao đã mang lại nhiều dấn ấn, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 và Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII trên các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, trong đó sử dụng văn hóa như một công cụ quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ của đối ngoại…

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn của địa phương, nhiều đại biểu từ các điểm cầu đã có những tham luận thiết thực về đặc thù của các lĩnh vực, như tảo tồn, phát huy di sản; xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy phong trào thể thao…

 

Toàn cảnh điểm cầu Bộ VHTTDL tại Hà Nội
Toàn cảnh điểm cầu Bộ VHTTDL tại Hà Nội

 

Nỗ lực hơn nữa để bứt phá…

Gửi lời chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương công lao, đóng góp của ngành văn hóa, trong năm 2021 đã vượt qua rất nhiều khó khăn, giành được nhiều kết quả, có dấu ấn trên các mặt.

Đánh giá cao những đóng góp của ngành VHTTDL, đặc biệt là các nghệ sỹ đã góp phần hết sức quan trọng, tạo động lực cho tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng cho rằng đây là sự “dấn thân” rất đáng trân trọng.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được của ngành trong năm 2021 rất toàn diện. Đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Bộ đã phê duyệt nhiều chiến lược, chương trình hành động, thể hiện cái nhìn dài hơi, thống nhất về các lĩnh vực của toàn ngành.

Năm 2021, sự phối hợp giữa Bộ với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương rất nhịp nhàng, nổi bật như tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Triển lãm quốc tế EXPO Dubai 2020...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL cần khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. Phó Thủ tướng cho rằng, việc vô cùng cần thiết phải tích cực thực hiện là số hóa trong ngành với số lượng công việc khổng lồ trong từng lĩnh vực như di sản, bảo tàng, du lịch...

Đối với Du lịch, Phó Thủ tướng đánh giá năm 2021 là năm vô cùng khó khăn, “đến mức không biết dùng từ gì để diễn tả”, nhưng trong hoàn cảnh như vậy, những người làm du lịch đã nỗ lực hết sức để vượt lên với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành cần phải đẩy mạnh số hóa, để tạo bước tiến mới trong công tác quản lý nhà nước và quảng bá điểm đến…

“Năm 2022 vẫn phải rất cảnh giác và tính đến trường hợp xấu nhất khi xuất hiện các biến chủng dịch mới. Cần rà soát lại để có những bước đi chắc chắn”, Phó Thủ tướng nói.

Về thể thao, trong năm 2022, Việt Nam tổ chức SEA Games, các đơn vị chức năng cần tiếp tục chuẩn bị cho tốt, để tổ chức đại hội thể thao chu đáo, đàng hoàng, không thiên về các môn thế mạnh để lấy huy chương.

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp chúng ta đã thấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy, nhân lên mạnh mẽ; trong gian khổ thậm chí đau thương, nhiều giá trị tốt đẹp được khơi dậy, vậy làm sao để phát huy, nhân rộng được những điều tốt đẹp đó”,  Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng “hệ sinh thái văn hóa”...

 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị

 

Tiếp thu, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, năm 2021 là năm đầy ắp các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, toàn ngành đã góp phần tích cực trong hoàn thành tốt nhiệm vụ và để lại dấu ấn, số liệu ấn tượng. “Từ việc xác định đúng, trúng phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, toàn ngành đã chọn chủ đề Năm cơ chế chính sách; nỗ lực tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những điểm nghẽn,  đề xuất bổ sung những vấn đề mới, ban hành những văn bản thẩm quyền và đề xuất cấp thẩm quyền cao hơn ban hành các chủ trương, chính sách mới....

Theo Bộ trưởng, ở đây không đơn thuần là ban hành cơ chế mà chúng ta đã tiếp cận theo hướng từ làm văn hóa chuyển  sang quản lý Nhà  nước về văn hóa, bằng công cụ pháp luật. Đã có 16 văn bản quy phạm trình cấp có thầm quyền ban hành, đã triển khai và được đón nhận.  Bên cạnh đó, ngành  đã tham mưu, đề xuất nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền tổ chức các sự kiện lớn được nhân dân đồng tình, trong đó có sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Bộ VHTTDL trao Cờ Thi đua cho các đơn vị đạt thành tích trong năm 2021
Bộ VHTTDL trao Cờ Thi đua cho các đơn vị đạt thành tích trong năm 2021

 

Đại dịch COVID-19 tạo nhiều khó khăn cho toàn ngành, có những vấn đề chưa có tiền lệ nhưng từ định  hướng của lãnh đạo Bộ, từ những Hội nghị mang tính chất Diên Hồng, toàn ngành đã tìm ra các phương án để đưa văn hóa phục vụ nhân dân, vừa nhiệm vụ chính trị vừa tạo hiệu  ứng vắc xin tinh thần, cùng nhân dân vượt qua dịch bệnh.

Du lịch thời gian qua bộn bề khó khăn, đóng băng và nhiều thiệt hại. Bộ cùng doanh nghiệp để kiến tạo chính sách, đã được Chính phủ, Quốc hội ban hành để gỡ khócho doanh nghiệp. Đi kèm với đó, trở thành “bà đỡ” trong quản lý nhà nước về du lịch,gợi mở ra hướng đi mới,chú trọng và coi du lịch nội địa là cứu cánh khi chưa mở cửa thị trường khách quốc tế. Khi độ tiêm phủ vắc xin cho phép, Bộ cũng đã trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho phép thí điểm đón khách quốc tế.  Bên cạnh đó, rất  nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức...

Bộ trưởng cũng ghi nhận sự nỗ lực cao của các địa phương. Nếu thời gian trước đây sự phối hợp Bộ - Sở chưa chặt thì trong năm 2021 này, mối quan hệ biện chứng “Bộ mạnh thì Sở phải mạnh, Sở mạnh chính là cánh tay nối dài của Bộ” đã trở nên chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, cần tiếp tục quán triệt những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề văn hóa, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư đề cập đến việc nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di sản, di tích, xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình. Toàn ngành phải đặt lên hàng đầu việc tập trung xây dựng hệ sinh thái, tạo môi trường văn hóa từ cơ sở, làm điểm rồi nhân rộng.

Trong năm 2022 sẽ diễn ra SEA Games 31, đây không chỉ là sự kiện thể thao thuần túy mà là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, văn hóa với bạn bè quốc tế. Có 40 môn thi đấu diễn ra ở 12 địa điểm nên các địa phương cũng phải chủ động vào cuộc, tổ chức tốt các môn thể thao thành tích cao, phù hợp với Olympic chứ không phải chỉ là các môn Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó cần chú ý thể thao quần chúng để phát hiện, tạo nguồn nhân lực cho thể thao thành tích cao.

 

Lãnh đạo các đơn vị ký cam kết thi đua với Bộ trưởng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022
Lãnh đạo các đơn vị ký cam kết thi đua với Bộ trưởng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong lĩnh vực du lịch, không thể ngồi chờ đến khi không còn COVID-19 mà phải thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả; trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế, ngành đề xuất Chính phủ lộ trình mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vắc xin đầy đủ... Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 lớn thứ 6 trên thế giới. Đó cũng là cơ sở để ngành mạnh dạn tham mưu mở cửa du lịch, tất nhiên mở cửa là phải kiểm soát an toàn. Bên cạnh đó, ngành cần chú ý nhiều hơn đến du lịch nội địa, cùng các địa phương tạo ra sản phẩm mới, liên kết an toàn; triển khai sớm, nhanh chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch...

Năm 2022, du lịch nước ta phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngành xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030- 2040; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh; từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; nhằm "tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”, Bộ VHTTDL phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với chủ đề “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả”.

Phong trào thi đua yêu nước năm 2022 của ngành VHTTDL gồm 6 nội dung:

Một là: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, theo đó, trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật (Luật Điện ảnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình); nghiên cứu, rà soát xây dựng 03 dự án Luật (Luật Quảng cáo sửa đổi, Luật Di sản văn hóa sửa đổi và Luật Nghệ thuật biểu diễn). Xây dựng trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư điều chỉnh các lĩnh vực chuyên môn.

Hai là: Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các đơn vị sự nghiệp trong Bộ nhằm nâng cao hiệu quả triển khai công tác quản lý, tham mưu và các hoạt động sự nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương theo hướng chủ động, trách nhiệm, xây dựng. Tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ba là: Thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2021-2025; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và nhu cầu sáng tạo văn hóa nghệ thuật của văn nghệ sĩ, trí thức. Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.

Bốn là, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế, du lịch; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Củng cố, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiếp tục phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa, đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa, bản đồ mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam.

Năm là, tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác thể dục, thể thao, xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao thể thao thành tích cao trên trường quốc tế, trong đó, tập trung cao độ cho công tác tổ chức SEA Games 31; tăng cường đầu tư, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự ASIAD 19; tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ XI đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Phấn đấu số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35,6%, số gia đình tập luyện thể dục, thể thao đạt đạt 26,9%. Phấn đấu đạt từ 3-5 huy chương vàng tại ASIAD 19; giữ vững vị trí là một trong 3 nước đứng đầu và tổ chức thành công SEA Games 31.

Sáu là, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; phát triển công nghệ sách và phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ địa phương phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “mỗi tình có một sản phẩm du lịch độc đáo”. Năm 2022, phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 triệu lượt khách, tổng thu du khách du lịch đạt 400 nghìn tỉ đồng. Tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022.

 Theo TCDL

0 Bình luận

Loading...