Cách TP Bắc Giang hơn 15 km, trên núi Dành có nhiều thông, keo vi vu. Đây là địa danh từng được nhắc tới trong sách "Đại Nam nhất thống chí", trong đó có đoạn: “Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ Thi”. Quần thể khu du lịch này gồm nhiều công trình như: Đền Trình, đền Hạ, đền Thượng, chùa Không Bụt, đình Vường và hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn có độ tuổi trên chục năm, tạo thành một không gian văn hóa tâm linh, sinh thái thu hút đông đảo người dân đến hành hương, thưởng ngoạn.
Du khách tham quan
Từ lâu, người dân trong vùng thuộc lòng câu ca: "Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/Chợ đầy nhan nhản những hành Chung Sơn/Sông Thương uốn khúc lượn quanh/Cá nhiều tôm sẵn Lãn Tranh giỏi chài". Ông Nguyễn Khắc Lừng, Trưởng thôn Hậu, xã Liên Chung, Phó Ban quản lý Khu di tích núi Dành cho biết: Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ngày nào cũng có người đến tham quan, đi lễ ở núi Dành. Trước đây mọi người muốn lên đền Thượng phải leo qua những lối mòn nguy hiểm. Từ năm 1990, nhân dân trong vùng đã công đức xây 345 bậc đá từ chân núi lên đền Thượng, do vậy việc leo núi trở nên dễ dàng hơn nhiều. Ngoài ra, vùng này còn một số sản vật độc đáo khác như: Nem nướng và “đặc sản” hát ống, hát ví - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc còn giữ được.
Vào những ngày nghỉ, dịp cuối tuần, học sinh, sinh viên thường tổ chức leo núi, có nhóm cắm trại trên núi. Ngày lễ, tuần rằm, du khách thập phương về dâng hương tấp nập, tạo nét văn hóa tâm linh. Hằng ngày, Ban quản lý Khu di tích cử người trông coi và bảo vệ rừng... Mặc dù được nhiều người biết đến nhưng lâu nay du lịch núi Dành vẫn chưa được “đánh thức”, các hoạt động lữ hành hầu hết tự phát, người dân chưa thực sự được hưởng lợi từ du lịch.
Ông Nguyễn Khắc Lừng thông tin rằng, cấp trên đã có chủ trương xây dựng một tòa tháp trên đỉnh núi, đứng ở đây có thể quan sát cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, điều mà ông Phó Ban quản lý Khu di tích núi Dành cũng như người dân và khách thập phương trăn trở là cơ sở hạ tầng, giao thông và các di tích nơi đây đã bị xuống cấp, dịch vụ vui chơi giải trí cơ bản chưa có.
Điểm du lịch tâm linh, sinh thái
Đoàn khảo sát tại khi vực núi Dành
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch núi Dành vừa được UBND huyện Tân Yên hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt có tổng diện tích 85,5ha, định hướng từ nay đến năm 2020, một số hạng mục dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng như: Tháp đền Dành cao 9 tầng, bãi đỗ xe, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xây mới hệ thống đường giao thông quanh núi Dành... Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Tân Yên từng bước đưa ngành "công nghiệp không khói" phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Xác định du lịch tâm linh gắn với sinh thái ở núi Dành là một trong những lợi thế lớn của địa phương, huyện Tân Yên đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch và xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng du lịch tại đây. Ngoài việc bảo vệ cảnh quan, môi trường thiên nhiên, mở rộng diện tích trồng rừng, huyện cũng quan tâm khôi phục, bảo tồn lễ hội và nghệ thuật dân gian hát ống, hát ví, nghề làm nón truyền thống, liên kết với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh xây dựng các tuyến du lịch trên địa bàn…
Quang cảnh Núi Dành
Đi đôi với các biện pháp trên, ngành chức năng huyện đề ra một số hướng đi nhằm đưa du lịch phát triển trong thời gian tới như: Ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân phát triển các nghề thủ công, sản xuất sản vật ẩm thực như: Hành muối, nem nướng, sâm Nam; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng và ấn phẩm du lịch. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với hoạt động du lịch gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường cảnh quan sinh thái rừng…
Bằng những giải pháp trên, hy vọng sẽ từng bước đưa núi Dành trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong tương lai gần.
Nguyễn Hưởng - Giáp Văn Cường
Loading...