15 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch
Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía Đông Bắc. Đây là địa bàn cư trú của của nhiều thành phần dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí… trong đó dân tộc Nùng có số dân đông thứ 2 sau người Kinh. Người Nùng cư trú trên mảnh đất này từ lâu đời, họ sống thành làng bản, làm nhà trên các sườn đồi thoải, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trồng-khai thác rừng và làm vườn đồi. Xưa kia, đồng bào Nùng ở nhà sàn hoặc nhà trình tường đất. Trải qua thời gian, cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào dân tộc Nùng ở Lục Ngạn đã có cuộc sống kinh tế ổn định và ngày một nâng cao. Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội và sự đi lên của đời sống vật chất, phần lớn gia đình đồng bào Nùng đã xây được nhà gạch, nhà tầng giống với người Kinh. Tại một số xã tập trung đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống như: Tân Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn… đồng bào còn lưu giữ được một số ngôi nhà trình tường cổ. Với những nét độc đáo riêng, những ngôi nhà trình tường được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Nùng. Bởi, thông qua hệ thống nhà ở người ta có thể thấy được thói quen sinh hoạt, hệ thống tư tưởng cũng như bản sắc văn hóa ẩn chứa trong từng dân tộc. Chính vì vậy, những ngôi nhà trình tường không chỉ đơn thuần là không gian sinh hoạt chung của các gia đình người dân tộc Nùng mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống và trở thành vốn quý để phát triển du lịch.
Tường hồi nhà trình tường của người Nùng ở Bắc Hoa
Để làm được những ngôi nhà trình tường, người Nùng ở Lục Ngạn phải mất khoảng 3 năm để chuẩn bị và xây dựng: một năm làm khung nhà bằng gỗ, năm thứ 2 làm ngói âm dương và năm thứ 3 làm trình tường.
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà trình tường của người Nùng ở Lục Ngạn là được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, thiết kế đơn giản: Ngôi nhà có bố cục mặt bằng hình chữ hình chữ nhật, 2 mái mái lợp bằng ngói âm dương làm từ đất sét, nung củi. Ngói được lợp một hàng sấp, một hàng ngửa với mật độ dày đặc cho nước thoát xuống rãnh.; móng nhà sâu khoảng 50cm, xếp đá với đất sét, tro, vôi và mật mía để tạo độ liên kết; khung gỗ làm nhà thường được làm bằng gỗ lim, gỗ táu, kết cấu vì kèo theo kiểu thức kèo kìm quá giang gác tường.
Liên kết vì nóc nhà trình tường người Nùng
Vật liệu làm tường nhà cũng có tại chỗ, chỉ cần đào những chỗ đất thịt có pha chút sỏi cơm cho thêm ít nước để tạo độ kết dính cao. Đồng bào đổ đất vào khuôn gỗ rồi sử dụng chày gỗ lèn thật chặt sao cho đất kết chặt vào nhau, tháo khuôn ra sẽ tạo thành bức tường khỏe và chắc chắn. Thường thì tường nhà dày khoảng 40cm, cũng có nhà dày 50cm, cao 2-3m. Ngoài cửa chính, mỗi ngôi nhà có 2- 4 ô cửa sổ nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Các ô cửa sổ được làm kiểu chấn song đơn giản, đặc biệt các cánh cửa đều được mở vào trong. Những ngôi nhà trình tường này có đặc điểm ấm vào mùa đông, mát về mùa hè nên phù hợp với khí hậu và tập quán của đồng bào dân tộc miền núi.
Hệ thống mái ngói nhà trình tường người Nùng
Ngôi nhà thường có 3 đến 5 gian trong đó gian chính giữa là nơi quan trọng nhất, được dùng để đặt bàn thờ gia tiên đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình, dòng họ. Bên cạnh gian chính giữa, 2 gian bên là nơi đặt giường ngủ của các thành viên trong gia đình. Phía ngoài cùng thiết kế gian hồi được ngăn cách với gian bên bằng bức tường trình có cửa ra vào, là nơi giành cho vợ chồng con trai, con dâu và chứa đồ đạc của gia đình.
Người Nùng ở nhà trình tường
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những ngôi nhà cổ của người Nùng ở Lục Ngạn đã nhuộm màu thời gian. Do đặc thù kiến trúc truyền thống được xây dựng bằng phương pháp thủ công lại tồn tại qua thời gian dài nên các ngôi nhà trình tường của đồng bào phần lớn đều xuống cấp, người dân lại đang có xu hướng phá dỡ những ngôi nhà cổ này để xây dựng mới bằng những vật liệu hiện đại. Nếu không có biện pháp bảo tồn, phát huy thì nguy cơ những ngôi nhà trình tường nơi đây sẽ không còn. Trong giai đoạn hiện nay, với chủ trương của tỉnh Bắc Giang và của huyện Lục Ngạn lựa chọn một số địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Nùng để xây dựng trở thành địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng thì việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng, đặc biệt là nhà trình tường cổ là nhiệm vụ rất cần thiết không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá của đồng bào mà đây chính là việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, gắn với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát kinh tế du lịch của địa phương./.
Trần Thị Thủy
Xem nhiều nhất
08 Tháng 9, 2014
28 Tháng 7, 2023
04 Tháng 9, 2020
03 Tháng 11, 2022
Loading...