NGHỆ NHÂN TRIỆU THỊ BÌNH-NGƯỜI GIỮ HỒN TIẾNG HÁT NGƯỜI DAO Ở TÂY YÊN TỬ

29 Tháng 12, 2023 | Khám phá

Nhắc đến người Dao, nhiều người nhớ tới những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu như lễ cấp sắc, đám cưới hay nghề thêu thổ cẩm trên những trang phục độc đáo. Song ít ai biết rằng, cũng giống như những dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu… người Dao ở Bắc Giang còn lưu giữ được những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Trong sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất, đời sống tâm linh, người Dao luôn có những làn điệu dân ca phù hợp để phản ánh, ngợi ca giá trị của cuộc sống. Tuy nhiên theo thời gian, dân ca của người Dao ở Bắc Giang cũng dần bị mai một do nhiều yếu tố nhưng rất may ở thị trấn Tây Yên Tử vẫn có những nghệ nhân luôn say đắm, tìm tòi và gìn giữ những làn điệu dân ca cổ của dân tộc mình, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu là Nghệ nhân ưu tú Triệu Thị Bình.

NGHỆ NHÂN TRIỆU THỊ BÌNH-NGƯỜI GIỮ HỒN TIẾNG HÁT NGƯỜI DAO Ở TÂY YÊN TỬ

Truyền dạy hát ở bản Dao

Cách thành phố Bắc Giang gần 100km, men theo con đường trải dài bê tông, uốn lượn, sau 2 giờ đồng hồ ngồi xe chúng tôi cũng tới được thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, nơi có 100% dân số là người dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bất cứ đoàn du lịch, tham quan hay muốn nghiên cứu về những nét văn hóa độc đáo của người Dao. Được ví như tư liệu sống trong kho tàng dân ca của người Dao, bà Triệu Thị Bình, thôn Bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động là một trong số ít những người ở bản còn hát được hầu như tất cả các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Bà Bình cho biết: Hát dân ca-Pả dung (trong ngôn ngữ của nhóm Dao Lô Gang, Thanh Phán), hay áy dung (nhóm Dao Thanh Y) là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần đã tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng dân tộc Dao. Dân ca Dao không chỉ phổ biến trong thanh niên nam nữ mà cả những người già cũng rất say mê bởi nó không chỉ gồm những bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài hát nói lên tâm tư tình cảm, ước mơ nguyện vọng của những người dân lao động. Xuất phát từ cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày, lời ca Pả dung chính là sự đúc kết những mong ước tốt đẹp của người dân về mùa vụ, thời tiết, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản, con người. Thông qua câu hát đồng bào còn thể hiện được trí tưởng tượng phong phú của mình về sự hình thành tự nhiên, con người được đúc kết trong các câu truyện cổ. Sự phong phú, đa dạng về thể loại và cung bậc tình cảm gửi gắm trong câu hát đã nói lên tầm quan trọng, sự gần gũi của hát páo dung trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao. Do những mục đích và hoàn cảnh khác nhau, Pả Dung được chia thành nhiều thể loại: hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...); hát trong nghi lễ (hát trong lễ cấp sắc, tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng...).

Hát giao duyên

Pả Dung trong sinh hoạt hàng ngày, chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát có những câu từ, lời ca khác nhau. Không gian diễn xướng phong phú khi hát, trong các ngày hội xuân, lúc đi chợ, lên nương...thường vào lúc nông nhàn, khi xuân sang, Tết đến.  

Pả Dung trong các nghi lễ: Người Dao có những bài hát phải học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ cùng với thanh âm của tiếng chuông. Những câu hát, giai điệu của hát tín ngưỡng theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họ như: Kể về sự tích Bàn Vương, quá trình thiên di gian nan, vất vả của người Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn đạo lý…phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Hát trong nghi lễ được coi là một nhịp cầu gắn kết thế giới con người với thế giới thần linh. Lời hát trang nghiêm, mục đích chính là gửi lời cầu nguyện của con cháu tới tổ tiên và các vị Thánh, Thần đến chứng kiến buổi lễ.

Trong lễ cấp sắc hoặc nghi lễ Tết nhảy, người Dao hát theo sách “Phàm chiệp lụa tận”, tức "Ba mươi sáu khúc ca", mỗi khúc là những câu thơ có vần điệu với những nội dung khác nhau. Khách đến xem hát chúc mừng gia đình làm lễ cho con cháu và cho người thụ lễ. Khi đêm xuống, những người đến xem lễ hình thành cuộc hát đối đáp, số lượng người không hạn chế. Nội dung các bài hát rất đa dạng, tùy chủ đề, thường hát từ khoảng nửa đêm đến trưa hôm sau mới kết thúc, các bài hát như Mặt trời mọc, Hát về Bàn vương (Bàn Vương xướng), Thần Nông xướng, về âm dương… Lời hát đối đáp không theo khuôn mẫu mà do mỗi bên tham gia tự ứng tác để đối đáp với nhau, chủ đề gắn với lịch sử tộc người, các sự vật hiện tượng hay đời sống sinh hoạt của người Dao.

Pả Dung trong đám cưới được hát theo trình tự, do ông mối và đại diện họ nhà trai hát với đại diện họ nhà gái. Bắt đầu hát từ các cửa ải mà nhà gái tạo ra để thử thách nhà trai, trước khi vào nhà cô dâu, khi trình lễ vật cho nhà gái, lúc làm lễ bản mệnh cho cô dâu, lễ hợp duyên, lễ bái tổ, khi đưa cô dâu về nhà chồng và làm lễ tơ hồng. Lời hát mừng nhà mới gồm những ca từ vui tươi, đằm thắm chúc mừng gia chủ giỏi giang, biết làm ăn; chúc cho gia đình, họ hàng, làng bản mọi người đều mạnh khỏe, yên vui và làm ăn phát đạt.

Dân ca Dao được vận dụng để trở thành sản phẩm du lịch

Nói về quá trình học hát dân ca Dao, nghệ nhân chia sẻ “Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã được nghe bà, mẹ hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình nên đã ngấm dần vào trong tâm hồn. Ngày xuân, ngày hội hay trong lễ cấp sắc tôi đều theo mẹ, theo chị và lắng nghe để học hát. Đến năm 14 tuổi tôi đã thuộc rất nhiều bài dân ca dân tộc Dao lời cổ, tham gia vào tốp hát của địa phương thường đi giao lưu ở các nơi vào dịp đầu xuân". Bà Bình thuộc rất nhiều các bài dân ca với những thể loại khác nhau như: Hát trong nghi lễ cấp sắc, hát trong đám cưới, hát đối đáp, hát giao duyên, hát uống rượu… Theo nghệ nhân, hát dân ca dân tộc Dao có những kỹ thuật cơ bản như: Vang, rền, không chỉ đòi hỏi tròn vành, rõ chữ, mượt mà, sâu lắng mà còn phải có kỹ thuật ngân, luyến láy, ngắt câu. Hát Pả Dung của người Dao cũng có nhiều nét độc đáo tùy từng lối hát, cách thức thể hiện. Hát theo lối sinh hoạt chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát lại có những câu từ, lời ca khác nhau. Nhưng hát theo lễ nghi tín ngưỡng thì lại là những bài hát cố định, được học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ. Những câu hát, giai điệu của hát lễ nghi tín ngưỡng phải có quy tắc, chuẩn mực rõ ràng bởi theo họ đời sống tâm linh rất linh thiêng. Sự khác nhau giữa lối hát sinh hoạt và hát lễ nghi tín ngưỡng chính là ở nhạc cụ của người hát. Thông thường hát lễ nghi tín ngưỡng hay còn gọi là điệu hát chầu của người Dao không thể thiếu đi tiếng nhạc chuông reo, thanh âm của tiếng nhạc giúp giai điệu lời hát rộn rã, sôi nổi hơn, đây chính là tính nhạc của điệu hát này. Trong khi đó, lối hát sinh hoạt của người Dao lại mềm mại, bay bổng và dịu ngọt hơn, những câu hát đòi hỏi người hát gửi gắm cả tâm tình, đó là lối hát giao duyên, lối hát ru trữ tình say đắm. Một lời ca của dân tộc Dao thường có hai phần: Lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi phản ánh nội dung của bài hát, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi bổ sung ý nghĩa cho lời ca chính làm cho tiếng hát trôi chảy, lời ca phong phú, linh hoạt.

NNƯT Triệu Thị Bình đang thực hành dân ca Dao nghi lễ

Bà Bình cũng cho biết, đến năm 1990, bà đã thuộc 120 bài dân ca Dao lời cổ trong nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao Thanh Phán, đến nay thì thuộc hàng trăm bài theo lời cổ và cả những bài lời mới. Bà Bình luôn ghi chép cẩn thận những bài hát trong cuốn sổ tay, trong đó có những bài tự đặt lời dựa theo làn điệu dân ca Dao như: Lây lău cngoa –Lời ru con, Dìu miền ên Đảng- Người Dao ơn Đảng, Dìu miền chẳng Pé Hồ- Người Dao nhớ Bác Hồ... Không chỉ thuộc nhiều điệu hát dân ca, nghệ nhân Triệu Thị Bình còn mong muốn để những câu hát ấy cho con cháu mai sau. Được sự tín nhiệm của địa phương, nhiều năm bà tham gia thi hát dân ca trong ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện và tỉnh đều đạt thành tích cao như: Huy chương Vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng do tỉnh Quảng Ninh tổ chức năm 1997; giải 3 liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh Bắc Giang năm 1998; Huy chương Bạc liên hoan giọng hát hay dân ca các dân tộc trên sóng phát thanh toàn quốc lần thứ nhất năm 1998;  Huy chương Bạc tại ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ nhất tại Lạng Sơn năm 1999.

Thực hành dân cao Dao

Những năm qua, nghệ nhân bỏ nhiều công sức truyền lại cho các thế hệ trẻ trong bản, xã những làn điệu dân ca dân tộc Dao. Bắt đầu từ năm 1999 bà Bình đã truyền dạy hát dân ca dân tộc Dao cho hàng chục người trong vùng. Pả Dung có sức sống mãnh liệt, không thể tách rời trong quá trình hình thành, phát triển và phản ánh hiện thực đời sống xã hội của cộng đồng người Dao trong các giai đoạn lịch sử. Pả Dung được sáng tạo và có sức lan tỏa sâu rộng, tạo thành một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, riêng có của  người Dao. Thông qua các làn điệu Pả Dung, người Dao gửi gắm các cung bậc tình cảm của mình, là cầu nối không thể thiếu trong mọi cuộc giao duyên. Lời ca Pả Dung là sự đúc kết những mong ước tốt đẹp của người Dao về mùa vụ, thời tiết, đồng thời, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản, con người, tình yêu đôi lứa, răn dạy cách sống, lối sống… góp phần cố kết, san sẻ tâm tình, yêu thương trong cộng đồng. Không chỉ hát hay, thuần thục các làn điệu dân ca của người Dao Thanh Phán, bà còn là người am hiểu các phong tục tập quán của cha ông và giỏi trang điểm cho các cô dâu, chú rể người Dao trong đám cưới truyền thống. Đặc biệt, bà là người được bà con nơi bà sinh sống phong tặng là người có “đôi bàn tay vàng” trong nghề thêu các trang phục truyền thống.

Với những đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc Dao, năm 2019, bà Triệu Thị Bình vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian (theo quyết định số 355/QĐ-CTN ngày 8/3/2019).

Nguyễn Thị Duyên

0 Bình luận

Loading...