Di sản Tây Yên Tử: Kỳ bí vùng đất thiêng

10 Tháng 11, 2014 | Khám phá

Có địa hình đan xen giữa vùng núi, trung du và đồng bằng, là một trong những cái nôi sinh tụ và phát triển đầu tiên của người Việt cổ, Bắc Giang gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Di sản Tây Yên Tử: Kỳ bí vùng đất thiêng
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều “ôm” gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Dọc sườn Tây Yên Tử còn lưu lại nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng. Hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú, kết hợp cùng với khu phía Đông dãy Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) đã tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch.

Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị sau khi viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Nơi đây gồm nhiều di tích được phân bố dọc theo tuyến đường 293. Khu di tích, danh thắng Tây Yên Tử thuộc quần thể di tích Phật giáo Yên Tử nằm trong vùng đất địa linh, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Vị trí địa lý với núi cao, rừng rậm, thiên nhiên kỳ thú, hội tụ khí thiêng rất phù hợp với việc dựng chùa, tu thiền, giác ngộ đạo pháp xứng đáng là vùng đất linh thiêng, là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa và ý thức độc lập tự chủ của dân tộc.

Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông… 

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động, nhiều di tích đã bị tàn phá; tỉnh Bắc Giang đã xác định việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa địa phương. Do vậy, những năm qua, một số di tích như chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ đã từng bước được quan tâm đầu tư, tôn tạo bằng hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn xã hội hóa.

Việc xây dựng các di tích thuộc vùng Tây Yên Tử được thực hiện trong không gian khu vực Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động và chia làm 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, giao thông, cáp treo đồng bộ. Dự kiến, dự án được triển khai theo 3 giai đoạn: 

Từ năm 2014 đến năm 2018 triển khai xây dựng hai điểm chùa Hạ, chùa Thượng; xây dựng trạm cấp nước Đồng Thông và trạm biến áp cấp điện cho khu vực này; nâng cấp xây dựng tuyến giao thông từ đường tỉnh lộ 293 vào chùa Hạ và xây dựng kè lát đá tuyến đi bộ từ chùa Hạ tới chùa Thượng; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cáp treo để đưa vào hoạt động sau khi hai điểm chùa Hạ, chùa Thượng được cơ bản hoàn thành… 

Từ năm 2018 đến năm 2020 triển khai xây dựng hai điểm chùa Trình và chùa Trung. Từ năm 2021 đến năm 2025 hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đầu tư về công trình và hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng tại khu vực này tạo thành quần thể hoàn chỉnh, thống nhất, góp phần tạo động lực phát triển chung vòng cung du lịch tâm linh Yên Tử.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ bố trí đưa vào khai thác các loại hình dịch vụ du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa để phục vụ các nhu cầu về tham quan, nghỉ dưỡng, chiêm bái lễ phật cho du khách trong và ngoài nước. 

Dự án hoàn thành sẽ tạo lập một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn kết các di tích, danh thắng khu vực Yên Tử của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang thành một hệ thống tổng thể. Đây được xem là những “mỏ vàng” của ngành “công nghiệp không khói” Bắc Giang, cần được quan tâm, đầu tư, bảo tồn, nâng cấp và phát huy giá trị với hy vọng: trong tương lai gần, những di sản của Bắc Giang và Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử sẽ là lựa chọn yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

Theo http://ptqnews.com/
0 Bình luận

Loading...