25 Tháng 9, 2024 | Di tích lịch sử văn hóa
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa bão, một số di tích, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Ngay sau khi bão tan, lũ rút, các cấp chính quyền, ban quản lý di tích và người dân địa phương khẩn trương khắc phục.
Tập trung thu dọn, chỉnh trang
Đến chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) ngay sau khi nước rút, đường thông, chúng tôi chứng kiến sự góp sức tích cực, trách nhiệm của hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân 6 xã trong huyện khắc phục ảnh hưởng của thiên tai. Từng nhóm quét dọn, cắt cây gãy, đổ, gom cành lá, rác thải chuyển đi xử lý. Mưa bão khiến xã Trí Yên ngập úng nhiều ngày qua. Tọa lạc tại đây, chùa Vĩnh Nghiêm - đại danh lam cổ tự vốn là điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của nhiều du khách bị thiệt hại không nhỏ.
Công nhân Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang thu dọn cây gãy, đổ, trồng lại cây tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang. |
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, do chùa có vị trí cao nên nước lũ mới ngập đến tam quan và vườn tháp. Tuy vậy, gió bão lớn làm gãy, đổ hơn 200 cây trong khuôn viên chùa, trong đó có một số cây hoa lan, xà cừ từ 100 - 300 năm tuổi. Nguy hiểm hơn là cây đổ làm hỏng một phần mái nhà tam bảo và hậu cung. Sau mưa bão, mỗi ngày có 100-150 cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên, người dân trong và ngoài huyện đến hỗ trợ khắc phục thiệt hại. Hiện cảnh quan dần phong quang, gọn gàng, chùa đã đón một số đoàn phật tử, du khách ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, chiêm bái.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão lũ cũng đang được tập trung thực hiện tại nhiều di tích và khu, điểm du lịch trong tỉnh với sự chủ động về nhân lực, kinh phí của các ban quản lý, doanh nghiệp cùng sự chung sức của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân. Tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), trong 2 ngày, hơn 20 cán bộ, nhân viên, công nhân Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang đã tham gia dựng trồng lại toàn bộ gần 80 cây xanh bị gãy, đổ, giải tỏa, thu gom cành lá, rác thải.
Đối với điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên (Lục Ngạn), ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Đồng Dao chia sẻ: “Hầu hết cây xanh, cây cảnh, diện tích cây ăn quả của đơn vị gãy, đổ; hỏng mái nhà, cầu phao, cột điện, hệ thống đèn chiếu sáng, bảng biển chỉ dẫn và trôi mất số lượng lớn cá trong hồ. Dù thiệt hại nặng song xác định đó là ảnh hưởng khó tránh bởi bão lớn nên chúng tôi đã huy động toàn thể nhân viên, người lao động và thuê thêm nhân lực nhanh chóng khắc phục, sẵn sàng phục vụ khách du lịch".
Với sự tập trung cao, hầu hết khu, điểm du lịch tại các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn đã hoàn thành tu sửa, chỉnh trang và hoạt động trở lại vào dịp Tết Trung thu. Một số thôn tại các xã, phường: Vân Hà, Tiên Sơn, Quang Châu, Ninh Sơn, Vân Trung (thị xã Việt Yên), xã Trí Yên, Lãng Sơn (Yên Dũng), xã Đông Lỗ, Quang Minh, Mai Đình (Hiệp Hòa) dù bị chia cắt với các vùng khác nhưng ngay khi nước lũ rút là người dân, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương không quản ngại đến các ngôi đền, đình, lau dọn, sắp xếp, kê lại tượng, đồ thờ cúng sạch sẽ, ngăn nắp.
Quan tâm tu bổ, bảo tồn
Toàn tỉnh có 2.237 di tích các loại, trong đó 755 di tích được xếp hạng. Việc khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Bắc Giang được quan tâm. Hằng năm, tỉnh dành khoảng 20 tỷ đồng tu bổ di tích. Trước bão số 3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chủ động có phương án phòng, chống, khắc phục.
Người dân dọn vệ sinh tại chùa Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên). |
Nhiều nơi, ban quản lý, trụ trì di tích đã kê dọn, bảo quản thiết bị, gia cố hạ tầng song do bão lớn và nước lũ dâng cao vẫn gây thiệt hại cho 15 di tích tại các huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên. Trong đó, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; chùa Kem (Yên Dũng) bị tốc mái, đổ cây, hỏng biển, bảng nội quy, biển chỉ dẫn. Một số ngôi đình, chùa tại huyện Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên bị hư hại bàn ghế, đồ thờ, tượng, hệ thống điện.
Trước thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở VHTTDL và UBND các huyện, thị xã, TP đã chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục. Trước mắt huy động lực lượng của các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân địa phương góp sức tổng vệ sinh, giải tỏa cây gãy, đổ, rác thải. Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) cho biết: "Nắm bắt sơ bộ, ngập úng kéo dài gây hư hại một số thiết bị tại các ngôi đình, chùa trên địa bàn xã. Sau khi nước rút, xã phân công đoàn viên, hội viên thu dọn, thống kê thiệt hại để đề xuất ngành chức năng hỗ trợ tôn tạo, sửa chữa".
Theo ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL, sau khi rà soát, thống kê hạng mục, thiết bị thiệt hại do bão lũ, Sở hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ sửa chữa, cải tạo. Sở sẽ phân bổ nguồn ngân sách được bố trí hằng năm để tôn tạo, tu bổ, ưu tiên thực hiện trước đối với công trình, hạng mục bị hư hại nặng, cấp thiết.
Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh, một số địa phương có kế hoạch vận động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để trùng tu di tích. Ban quản lý các đình, chùa cũng đang huy động sự chung tay của nhân dân và khách thập phương. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục phát huy nội lực chủ động chỉnh trang cảnh quan khu, điểm du lịch để sớm ổn định hoạt động trở lại, sẵn sàng đón khách tham quan.
Xem nhiều nhất
08 Tháng 9, 2014
28 Tháng 7, 2023
19 Tháng 10, 2022
04 Tháng 9, 2020
Loading...