Khuôn thần và xu hướng phát triển du lịch homestay

28 Tháng 10, 2014 | Khám phá

Khuôn thần và xu hướng phát triển du lịch homestay

Du lịch nhà dân (homestay) là loại hình du lịch đang thịnh hành. Nó bắt đầu từ nhu cầu của du khách, muốn tiếp cận, gần gũi, thông cảm hơn về văn hóa, nếp sinh hoạt, ẩm thực của người dân bản địa. Ở Việt Nam loại hình này hiện nay khá phổ biến và được nhiều khách du lịch lựa chọn. Homestay cũng đã xuất hiện ở vùng Lục Ngạn. Nói đúng hơn, homestay đã xuất hiện ở khu du lịch Khuôn Thần – Lục Ngạn – Bắc Giang.

 

Đoàn khách tham quan thắng cảnh hồ Khuôn Thần. ẢnhTTXTDL

Khác hẳn với hình thức du lịch nghỉ dưỡng thường chọn (những nơi có chất lượng dịch vụ tốt) du lịch homestay chọn nhà dân bản địa cho du khách nghỉ chân. Như vậy đồng nghĩa với việc khách du lịch tham gia mọi hoạt động với người dân bản địa từ giờ giấc, nghỉ ngơi, ăn uống …đến hoạt động vui chơi giải trí. Tùy theo từng mục đích của du khách mà du lịch homestay có những tour chuyên biệt. Nhưng hầu hết khách homestay đều chọn phương thức “cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi” với người bản địa. Tuy nhiên ở Bắc Giang du lịch là loại hình dịch vụ còn mới, hơn nữa homestay với người Bắc Giang khá lạ lẫm. Vì thế những nhà dân được chọn làm homestay cũng phải đáp ứng những yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành vì lý do an ninh và an toàn cho du khách. Chắc chắn khi lựa chọn hình thức homestay, du khách sẽ không thể có được cảm giác thoải mái, đầy đủ như khi nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort. Nhưng bù lại họ cảm nhận được những trải nghiệm cần thiết của cuộc sống.

Trở lại chủ đề chính: Du lịch Khuôn Thần và xu hướng phát triển homestay. Khu du lịch Khuôn Thần nằm tại xã Kiên Lao – huyện Lục Ngạn, cách TP. Bắc Giang 50 km; cách Thủ đô Hà Nội 100 km. Hồ Khuôn Thần có diện tích 145 héc ta mặt nước. Quanh hồ có hơn 400 héc ta rừng thông và 3000 héc ta rừng tự nhiên. Lòng hồ có 5 đảo thông, được trồng cách đây trên 30 năm. Cạnh hồ Khuôn Thần là bản làng của người dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí…với các trang trại bạt ngàn vải, hồng, na. Hồ Khuôn Thần còn có di tích đền thờ Hà Công Trạc – danh tướng đời Trần – người giúp vua Trần lãnh đạo dân binh chống lại sự xâm lược của quân Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Hồ Khuôn Thần là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, nhưng hiện tại chưa có điểm lưu trú, không có dịch vụ cho khách du lịch. Tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn chưa kêu gọi được doanh nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư phát triển khu du lịch hồ Khuôn Thần. Đáng nói là các khu du lịch ở các địa phương lân cận được đưa vào khai thác cùng thời với Khuôn Thần nay đã trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách. Ví dụ: Khoang Xanh, Suối Ngọc – Vua Bà, Thác Đa (Hà Tây cũ); Đải Lải (Vĩnh Phúc). Đưa ra những thông tin sơ lược về các khu du lịch ở các tỉnh bạn, tôi không có ý định so sánh sự chậm phát triển của Khuôn Thần với các điểm du lịch đó. Ý tôi muốn nói Khuôn Thần cần một cách làm khác để du khách biết nhiều hơn về Khuôn Thần. Đến với Khuôn Thần họ vẫn có nơi ăn, chốn nghỉ. Được thăm thú và du ngoạn vùng đất đẹp về cảnh quan và giàu màu sắc văn hóa của các dân tộc bản địa. Nói như vậy bởi ngoài cảnh quan đa dạng của vùng hồ Khuôn Thần: mặt hồ, rừng thông, đảo thông bạt ngàn, trập trùng những dãy núi cao cùng hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh, khe suối và thác nước. Vùng đất Kiên Lao – Khuôn Thần còn là tâm điểm của sloong hao, sli, lượn. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã sưu tầm và biên soạn được hơn 3000 bài dân ca cổ của người Sán Chí, Tày, Nùng…chuyên hát vào các dịp lễ hội mùa xuân, đám cưới, cấp sắc, nhà mới, mùa thu hoạch (mừngcơm mới). Đây là những báu vật của người dân tộc thiểu số vùng Lục Ngạn. Nó không chỉ là nét văn hóa đặc trưng, nếu biết phát huy nó còn là sản phẩm du lịch hết sức độc đáo, nhất là đối với loại hình du lịch homestay. Do vậy xu hướng đưa khách homestay về Khuôn Thần cũng là cách làm cần thiết trong thời điểm hiện tại.

 

 Phong cảnh hồ Khuôn Thần . Ảnh TTXTDL

Ngoài những điểm đã nêu ở trên, sau đây là những phân tích cụ thể để thấy rằng vùng đất Kiên Lao – Khuôn Thần có nhiều yếu tố và điểm mạnh để phát triển du lịch homestay:

Nếu so với ba huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn đang được lựa chọn định hướng làm mô hình du lịch cộng đồng thì Lục Ngạn vẫn là địa phương có điểm vượt trội hơn với những dẫn chứng sau:

Lục Ngạn là vùng đất có thương hiệu vải thiều nổi tiếng – nếu phát huy thương hiệu vải thiều trở thành sản phẩm du lịch của Bắc Giang thì đây cũng là sản phẩm khá đặc sắc và rất cần được xây dựng. Tháng giêng, tháng hai là thời điểm hoa vải thiều nở bạt ngàn, trắng núi đồi nương bãi. Đến Lục Ngạn vào thời điểm này, du khách như lạc vào “miền hoa trắng” ngập tràn cảm xúc. Dịp này cũng là dịp lễ hội của đồng bào các dân tộc Lục Ngạn: Lễ hội Đền Hả (xã Hồng Giang), lễ hội chợ tình Thác Lười (xã Tân Sơn), hội hát sloong hao các dân tộc Lục Ngạn ngày 18 tháng 2 âm lịch…

Tháng 5 tháng 6 là thời điểm vải thiều chín. Lúc này Lục Ngạn thực sự trở thành “lễ hội vải thiều”. Thương nhân trong và ngoài nước đổ dồn về Lục Ngạn, cảnh mua bán tấp nập kéo dài hàng tháng trời. Nhiều du khách cũng muốn được đến “Vương quốc vải thiều” vào thời điểm này. Khách homestay cũng rất thích thú đến Lục Ngạn vào mùa vải chín.

Lục Ngạn có nhiều sản vật quý hấp dẫn du khách: Mỳ Chũ, gạo nếp Phì Điền, rượu Kiên Thành và các loại hoa quả hồng, na, bưởi…mà bất cứ nơi nào cũng gặp, được trồng rất nhiều ở các miệt vườn.

     Tại khu du lịch Khuôn Thần hiện tại còn nhiều gia đình đang sinh hoạt trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Nùng: tường trình đất, lợp ngói máng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Trong nhà thường bày các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, cày bừa, khung cửu dệt vải. các công cụ săn bắt cung, nỏ, chài lưới …Đây là thế mạnh chỉ có riêng ở Khuôn Thần, các khu điểm du lịch khác ở Bắc Giang không thể có được.

Giao thông của Lục Ngạn thuận tiện, khoảng cách từ TP. Bắc Giang lên Khuôn Thần chỉ bằng ½ so với lên Khe Rỗ (Sơn Động). Hơn nữa tuyến đường đoạn từ quốc lộ 1A  huyện Hữu Lũng qua đền Bắc Lệ nối với Khuôn Thần cũng chuẩn bị thi công xong. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Khuôn Thần trong việc phát triển du lịch cả về hiện tại cũng như trong tương lai.

Bản thân tôi đã từng dẫn nhiều nhóm khách trong nước và quốc tế theo kiểu homestay đến Khuôn Thần. Lựa chọn trong 3 bản Cấm Vải (dân tộc Sán Chí); bản Hà, bản Khuôn Thần (dân tộc Nùng) có khoảng 15 hộ gia đình có thể đón được khách homestay. Khách lưu trú đều có chung một nhận xét tốt về các gia đình đã đó tiếp họ. Họ nói về khu du lịch này: cảnh quan đẹp, người dân thân thiện, không gian sống trong lành, khí hậu mát mẻ do còn nhiều diện tích rừng (cả nguyên sinh lẫn rừng trồng) và luôn lồng lộng gió hồ…Nhiều du khách rất thích thú khi được trải nghiệm cùng người dân đánh cá trên hồ, vào rừng lấy trứng kiến, đi nương trồng trọt, lên rừng tìm cây thuốc và buổi tối khách cùng chủ nhà cùng nhau uống rượu bên bếp lửa. Duy chỉ có một điều, người dân bản địa ở Khuôn Thần chưa có thói quen sử dụng nhà vệ sinh tự hoại nên nhiều lúc gây ra sự bất tiện cho du khách thành phố và khách là người nước ngoài. Giải quyết vấn đề này cần có sự tham gia hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Cần có chính sách tuyên truyền và hỗ trợ cụ thể, giúp người dân phát triển du lịch bền vững theo xu hướng homestay.

Vì chưa có những khu resort và những khách sạn cao cấp tại tất cả các khu điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, nên không có giải pháp nào khác đưa khách homestay đến các điểm du lịch đó và lưu trú tại nhà dân. Có thể khẳng định, trong thời điểm hiện tại, phát triển xu hướng homestay là giải pháp tốt nhất giúp khách du lịch lưu trú tại Khuôn Thần.

Gần trung tâm thành phố lớn, nơi trào lưu homestay đang hình thành và phát triển mạnh. Nhiều du khách đã biết đến Khuôn thần do giao thông thuận tiện, văn hóa đặc trưng, sản vật rồi rào. Hy vọng Khuôn Thần sẽ có tên trong bản đồ du lịch và là điểm homestay hấp dẫn du khách. Cũng hy vọng từ homestay Khuôn Thần sẽ chuyển mình thành khu resort và nghỉ dưỡng cao cấp trong một tương lai không xa.                                                                                          

                                                                       Lê Đức Cương

Phòng NVDL, Sở VHTTDL Bắc Giang

 

0 Bình luận

Loading...