ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

04 Tháng 12, 2024 | Làng Văn hoá Du lịch

Người dân tộc Nùng huyện Lục Ngạn cũng giống như người ở một số dân tộc khác trong tỉnh Bắc Giang. Họ cũng sử dung các loại lương thực như: Gạo tẻ được dùng nấu cơm, nấu cháo, làm bánh tẻ, bún, bánh cuốn. Gạo nếp chủ yếu được dùng vào các dịp lễ tết, cưới xin, ma chay, cúng bái, sinh nhật, sinh trẻ nhỏ…Từ gạo nếp có thể chế biến ra các loại: đồ xôi, nấu cơm nếp, gói bánh chưng, giã bánh dày, bánh gai, bánh trôi, khảu sli, chè gạo nếp, cốm… Ngô, khoai, sắn chủ yếu được chế biến làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

ẨM THỰC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

Sinh hoạt ăn uống hàng ngày của dân tộc Nùng. Đồng bào tổ chức ăn ba bữa: sáng-trưa (kin ngài)-chiều (kin chàu). Tất cả thức ăn được bày lên mâm, nồi cơm để cạnh mâm, mọi người ngồi xung quanh, thường là phụ nữ ngồi cạnh nồi cơm để xới cho cả nhà. Trong sinh hoạt ăn uống, người Nùng rất chú ý tới người già và trẻ nhỏ.

Các loại bánh của người Nùng

Nấu cơm tẻ, nấu cháo loãng đặc biệt là là nấu cháo ngô. Gia đình người Nùng đều rất thích món Xôi- Nấu xôi các loại bằng gạo nếp cái vào dịp tết thanh minh. Người dân vẫn gọi đó là xôi 3 màu.Trong dịp tết này, bà con lấy lá sau sau giã lấy nước, rồi ngâm với gạo nếp. Sau đó đem đồ lên, nước lá sau sau ngấm vào gạo được đồ chín, chuyển sang màu tím than, trông gần như màu chàm. Loại này có thể xới ra ăn ngay hoặc đem giã rồi đưa lên đĩa mới ăn. Cũng như thế, xôi có thể ngâm tẩm nước vông vang để cho ra xôi màu vàng. Hoặc trộn với ruột quả gấc để ra màu hồng đỏ. Ba loại xôi này phối hợp với xôi trắng, xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen để lên mâm trông rất đẹp mắt. Vào dịp tháng hai - tháng tư bà con lên rừng tìm các tổ kiến trên các cây găng, me... để lấy trứng đem về trộn với gạo nếp đồ thành xôi trứng kiến. Đây cũng là một thứ xôi đặc sản của người Nùng.

Xôi ngũ sắc người Nùng

Chè: có chè đỗ xanh, chè đỗ đen, chè kho đường, các loại chè này đều nấu bằng đường mía và đường phên mùa nào nấu cũng được.

Các món ăn hàng ngày của dân tộc Nùng: Gồm các món ăn từ gia súc, gia cầm như: Thịt lợn xào tỏi, xá xíu,thịt lợn xào nấm mộc nhĩ, chân giò ninh nhừ với măng khô, thịt lợn quay, thịt nướng, thịt gà, Thịt vịt, Thịt ngan, thịt ngỗng, Trứng gà, trứng vịt, Cá  và các loại rau xanh. Tuy nhiên ẩm thực của dân tộc Nùng đặc biệt bởi các lợi gia vị: Gia vị chủ đạo của người Nùng là gừng và nghệ; ngoài ra còn có các loại hành, tỏi, hạt tiêu, rau thơm các loại cùng rau diếp, xà lách…

Món khâu nhục người Nùng

Các loại bánh: Bánh của người Nùng có bánh chưng, bánh vắt vai, bánh dày, bánh cốm, bánh bỏng, bánh gio, bánh trôi, bánh chay, bánh gai...Bánh chưng có hai loại: Loại bánh vuông và loại bánh dài. Bánh vuông, bánh dài đều gói bằng lá dong gói như bánh chưng vuông của người Kinh; bánh dài cũng gọi là bánh tày dài chừng 30 - 40cm. Trong có nhân đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu... còn bánh dày cũng có hại loại: loại to và loại bé. Nhân đỗ xanh hoặc nhân đường tuỳ từng nhà.

Công đoạn gói bánh vắt vai của người Nùng

Đồ uống của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Hoa thường uống nước đun sôi để nguội. Nước chè chủ yếu là để tiếp khách, những người lên rừng, lên nương, làm đồi…thì uống nước suối. Về mùa hè, đồng bào thường nấu một nồi cháo loãng, cho ít muối trắng vào. Khi đi làm về mệt uống một bát cháo loãng, người lại sức và tỉnh táo. Rượu cũng là một loại đồ uống của dân tộc Nùng. Họ tự nấu lấy rượu bằng gạo nếp con. Khách đến nhà, họ đem rượu ra mời chứ không mời nước. Người Nùng có tục uống rượu chéo chén, nó thể hiện lòng hiếu khách và thật thà của chủ. Ngoài rượu trắng, đồng bào còn dùng rượu để ngâm thuốc uống, để bồi bổ cơ thể, uống để chữa bệnh, để xoa bóp…

Gà thiến vùng cao Tân Sơn cũng là một món ẩm thực đáng để thưởng thức

Vải thiều Lục Ngạn

Một số món ăn tiêu biểu: Bánh vắt vai (pẻng tải): được đồng bào làm trong các ngày tết 14 tháng 7 và tết Nguyên Đán. Để làm loại bánh này, người ta ngâm gạo nếp rồi xay với nước, sau đó dùng vải lọc hết nước để lấy phần bột ở dưới. Sau khi lấy được bột, người ta nặn bột thành từng chiếc bánh nhỏ dài từ 12cm - 15cm, đường kính 4cm. Sau khi nặn xong, đồng bào gói bánh trong lá chuối đã được hơ qua lửa cho lá mềm để gói cho dễ. Dùng ống giang chẻ thành lạt mỏng cuốn chặt đều ở bên ngoài bánh. Sau khi bánh được cuốn xong, đồng bào xếp vào xoong luộc âm ỉ trên bếp củi trong vòng 4 - 5 giờ đồng hồ cho bánh chín nhừ rồi vớt ra, ép nhẹ cho bánh cứng. Trước đây, đồng bào không dùng dây lạt nối hai chiếc bánh lại với nhau như ngày nay mà làm theo cách gói bằng lá chuối. Tàu lá chuối dọc đôi để nguyên sống lá. Bánh sẽ được gói riêng ở hai miếng lá rạch đôi từ tầu lá nhưng để chung sống lá. Khi luộc xong, sống tàu lá ngót lại làm sợi dây nối trực tiếp giữa hai chiếc bánh; Món khau nhục: Đây là món ăn được đồng bào Nùng rất thích, chế biến công phu, là món ăn độc đáo. Thịt để chế biến khau nhục là thịt ba chỉ của những con lợn từ 70-100kg. Gia vị để làm khau nhục có: Măng khô, mộc nhĩ, lạc, xì dầu, vỏ quýt khô, húng lìu, tào slì (là loại gia vị được chế biến từ đậu tương vẫn còn nguyên hạt nhưng đã chín nhừ, có màu đen). Thịt ba chỉ cho vào luộc chín tới, vót nhọn que tre châm vào bì, sau đó xoa xì dầu trộn với húng lìu lên bì miếng thịt, ướp khoảng hai tiếng đồng hồ, chảo cho nhiều mỡ nóng già, cho thịt vào chảo rán vàng. Vớt thịt ra để nguội, cắt thành từng miếng, dầy hơn một đốt ngón tay, to gần bằng bàn tay, cho vào bát ăn cơm 4 miếng như vậy và lật bì xuống, trên miếng thịt để măng, mộc nhĩ, lạc rang bóc vỏ, tào slì. Sau đó để vào nồi hấp cách thuỷ khoảng hơn ba tiếng đồng hồ. Sau đó bắc nồi ra nhưng vẫn đậy vung để nguội dần. Đến khi ăn bưng bát thịt úp vào bát khác để bì lên trên và măng, mộc nhĩ, gia vị lật xuống đáy bát. Khau nhục là món ăn rất ngon nhưng chế biến rất công phu, đồng bào chỉ chế biến vào dịp tết Nguyên đán và lễ cưới.

Du khách thưởng thức món bánh vắt vai tại ngôi nhà người Nùng

Trần Thùy Nhung

 

 

0 Bình luận

Loading...