Một buổi tập hát slong hao
Trong đời sống hàng ngày, những bài dân ca đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của người lao động. Tiếng hát được cất lên trong mọi hoàn cảnh mà không phụ thuộc vào không gian và thời gian ở khắp các bản làng, trong mỗi gia đình; tiếng hát theo con người tới các phiên chợ vùng cao, khi lao động trên đồng ruộng hay trong những ngày hội làng…Tất cả các bài dân ca của người Nùng đều nhằm mục đích ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người và tình yêu đôi lứa, Khi những bài ca được cất lên cũng là lúc những tâm tư tình cảm sâu kín nhất của mỗi con người được bọc bạch. Đó là những bài ca mộc mạc, giản dị nhưng sâu sắc. Người ta mượn hình tượng mây – nước – trăng – hoa để nói hộ lòng người với người bạn hát. Họ lấy lời ca để chào hỏi nhau, hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương làng bản, những cảnh sinh hoạt, sản xuất 4 mùa, 12 tháng, những bài hát mừng năm mới, hát về tình yêu nam nữ, hát mừng đám cưới, mừng sinh nhật, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát răn dạy đạo đức con cháu. Người ta còn hát trong các dịp nghi lễ khi làng, bản, dòng họ hay gia đình tổ chức cúng bái thần linh và cả những bài ca than trong lúc đau thương để đền đáp công lao sinh thành của cha mẹ. Những từ ngữ trong các bài hát dân ca thường có giá trị giáo dục và được lưu truyền từ đời này qua đời khác, lời các bài hát dân ca chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo đức của con người. Ở đó còn nói về kỹ thuật trong lao động sản xuất, ví dụ như gieo mạ, trồng lúa thì tay phải úp hay ngửa…từ đó dạy cho các thế hệ sau kỹ thuật trồng lúa như thế”.
Khai mac hội nghị truyền dạy hát dân ca ở Tân Sơn
Dân ca của người Nùng có nhiều thể loại: hát giao duyên, hát lượn, hát Sli, hát kể, hát soonghao, hát ru….
Hát Sli: Là một trong những thể loại dân ca đặc sắc của dân tộc Nùng. Nội dung của những làn điệu Sli phong phú và hấp dẫn mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Nùng. Trong lời hát của dân ca Sli luôn có sự liên tưởng ví von thông qua những hình ảnh cụ thể để nói lên tâm tình của con người. Lời hát dù có nói về thiên nhiên, cây cỏ thì cuối cùng cũng nói về tình cảm, tâm trạng, ước vọng của con người. Hát Sli chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi ảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no, hạnh phúc. Họ hát ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, gặp nhau trong lao động sản xuất, mừng nhà mới … Đặc điểm của hát Sli trong tất cả các nhóm Nùng là hát không cần có nhạc cụ đệm, không có vũ đạo kèm theo và có thể hát ở bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là nơi đó có “đối tượng hát”. Tính trữ tình trong dân ca Sli thể hiện đời sống tình cảm phong phú của người Nùng. Hát Sli không chỉ là dịp khoe giọng hát, mà còn thể hiện khả năng, tài ứng đối trong mỗi câu hát.
Hát lượn: Thường được thanh niên nam nữ hát trong những ngày hội mùa xuân, những đêm trăng sáng trong dịp nông nhàn. Lời hát lượn thường có âm hưởng buồn, diễn tả những nỗi nhớ nhung da diết, tâm trạng không biết có thành đôi, gặp nhau đây rồi mai lại cách biệt biết bao giờ gặp lại.
Sli, lượn là làn điệu dân ca rất phổ biến và độc đáo đối với dân tộc Nùng, được thể hiện trong văn tế, hát mừng đám cưới, hát ru…
Hát giao duyên trong các ngày hội vùng cao
Hầu hết các bài hát ru đều theo thể thơ 5 chữ, cấu trúc âm ngữ như đồng dao. Những lời ru cổ xưa thường rất tinh tế, dí dỏm: mẹ đi làm đồng, con hãy ngủ ngon để mẹ đi bắt con cá, con muỗng miệng đỏ, con ong miệng tím, con chim cổ hoa, con trâu sừng rộng…hái được nhiều hoa ngát hương. Lời ru vừa hợp với tư duy trẻ thơ, vừa phản ánh khá rõ nét, cụ thể về nền văn minh lúa nước.
Trong các làn điệu dân ca dân tộc Nùng đặc biệt phải kể đến Hát soong hao đó là sản phẩm tinh thần, là báu vật quý giá được lưu truyền qua bao thế hệ, nó đã trở thành một nét riêng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và lao động của đông bào dân tộc Nùng, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Cứ vào những ngày đầu xuân, trên khắp các nẻo đường có đồng bào Nùng sinh sống, điệu hát soong hao lại rộn ràng hơn bao giờ hết, lời hát như gieo mầm hy vọng trong những ngày đầu năm.
Khác với nhiều dân tộc khác, hát soong hao của dân tộc Nùng đặc biệt ở chỗ không có nhạc đệm. Tuy nhiên không vì thế mà nó kém sức hấp dẫn, sự say đắm và ngọt ngào. Soong hao có những điệu hát chính là hát giao duyên, hát đám cưới và ngày thường. Các nhóm trai gái người Nùng thường nhân những dịp đi chợ phiên, khi trăng rằm hoặc thời điểm tết đến xuân về để hát với nhau. Những cuộc hát có thể kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn, họ hát say sưa dọc trên các ngả đường đi về bản. Lúc này họ sẽ cất lên những điệu hát với biết bao tâm sự, nỗi lòng sâu kín từ trái tim và không ít đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc hát ấy.
Những chàng trai cô gái xúng xính trong sắc áo chàm xanh ngắt tìm nhau qua câu hát slong hao
Để bảo tồn di sản văn hóa này hiện nay có nhiều câu lạc bộ hát soong hao được thành lập tại các làng bản trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Sơn Đông, Yên Thế… Như câu lạc bộ hát soong hao thôn Quán Cà, xã Biên Sơn huyện Lục Ngạn do nghệ nhân Ưu tú Mạc Văn Đậu lập ra là người có đam mê hát soong hao từ nhỏ và được ông duy trì gìn giữ cho đến ngày nay. Hàng năm các câu lạc bộ hát soong hao thường xuyên đi giao lưu liên hoan trong tỉnh và ngoài khu vực bên cạnh đó trong những năm qua trên địa bàn các huyện cũng mở nhiều lớp học truyền dạy hát soong hao mục đích để truyền dạy cho thể hệ trẻ; nhiều cuốn sách tư liệu về làn điệu soong hao được xuất bản góp phần bảo tồn gìn giữ loại hình di sản văn hóa này.
Văn hóa dân gian dân tộc Nùng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca giữ vị trí trung tâm. Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng, trong đó hát Sli, hát soong hao là một trong những thể loại hay nhất trong kho tàng dân ca của dân tộc Nùng. Ngày nay bản làng người Nùng có nhiều thay đổi, nhưng đồng bào vẫn lỗ lực giữ gìn các bài dân ca truyền thống của dân tộc mình để những làn điệu dân ca này vẫn mãi được lưu truyền trong các bản làng người Nùng nơi đây.
Nguyễn Thị Chang
Loading...