Khai thác “Lộc rừng” - nét độc đáo trong đời sống văn hóa xã hội của người Dao khu vực Tây Yên Tử

12 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Cùng với nhiều đồng bào dân tộc Dao ở nơi khác, người Dao bản Mậu, Tây Yên tử rất yêu thích công việc hái lượm các nguồn sản vật từ núi rừng phục vụ cho cuộc sống thường nhật. Họ coi đó là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên được xem như là nguồn “Lộc trời” đem lại cho dân làng nơi đây.
Bản Mậu có khoảng hơn trăm hộ gia đình, chủ yếu là người dân tộc Dao (Thanh Phán) sống quần cư dưới những ngọn núi cao mà ngay phía trên đỉnh là chùa Đồng thuộc Khu di tích Yên Tử. Bên những cánh rừng u tịch trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, người Dao ở bản Mậu từ đời này qua đời khác truyền cho nhau nghề hái lộc rừng. Đây là công việc của các thành viên trong gia đình người Dao, nhưng người phụ nữ thường giữ vai trò chính. Sản phẩm của hái lượm chủ yếu là các loại măng và rau quả thực phẩm…. Các loại rau sẵn có trong rừng là đối tượng thu hái quanh năm của người Dao gồm có: rau ngót rừng, dương xỉ, lá lốt, ngải cứu, lá sung… Bên cạnh rau, măng, người Dao còn thu hái mộc nhĩ, nấm hương và các loại nấm khác.
Rừng Khe Rỗ Sơn Động Bắc Giang
Thứ lộc rừng mang lại nhiều nguồn thu nhập và lợi ích lớn đối với người Dao nơi đây phải kể đến các cây thuốc nam được người Dao thu hái từ đại ngàn núi rừng về chế biến thành các loại thuốc quý. Các loại cây, lá trong rừng đối với người dân nơi đây đều là những sản vật quí của rừng ban tặng cho con người để phòng trừ và chữa các loại bệnh tật. Cuộc sống tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên giúp bà con nơi đây lưu giữ được nhiều kinh nghiệm sử dụng nguồn dược liệu trong tự nhiên. Việc chế biến cây dược liệu thành các bài thuốc nam phòng và chữa trị nhiều bệnh của người Dao đã trở nên nổi tiếng khắp nơi. Kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây thuốc đã được tích lũy từ đời này qua đời khác, được lưu truyền trong các gia đình và cộng đồng. Bà con có các bài thuốc rất tốt cho sản phụ sau sinh tắm; thuốc chữa bệnh dạ dày, sỏi thận, ho, hen, rắn cắn, viêm tai, thanh nhiệt, bổ máu, mụn nhọt, vv… Đồng bào dùng các loại rễ, lá, củ, quả thực vật lấy trong rừng; một số cây thuốc hiếm còn được trồng ngay trong vườn nhà hoặc trên nương. Cách chữa và sử dụng thuốc cũng khác nhau, có thể sử dụng các bài thuốc uống hoặc ăn, ngâm, rửa vết thương; giã nát, ủ ấm rồi đắp hoặc bó vào; đánh gió, xoa bóp, bấm huyệt, vv… Thuốc nam của người Dao bản Mậu đã trở thành một sản phẩm du lịch và được du khách tìm kiếm vào dịp lễ hội Yên Tử. Hơn nữa gắn với nghề hái thuốc Nam của đồng bào dân tộc nơi đây thì nhiều nét văn hóa truyền thống bản địa liên quan đến nghề “săn lộc rừng” cũng được khách du lịch thích thú khám phá.
Mật ong rừng Yên Tử
Bên cạnh nguồn các vị cây thuốc nam thì măng rừng cũng là một trong những nguồn thu tự nhiên dồi dào và được người Dao khu vực Tây Yên Tử ưa chuộng và yêu thích. Măng núi rừng Tây Yên Tử phong phú và dồi dào với các loại măng: măng đắng, măng mai và măng nứa. Thời gian thu hái măng gần như quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Những tháng đầu năm là thời kỳ thu hái các loại măng đắng, thời gian tiếp theo có thêm măng mai, măng nứa. Đối với măng mai, măng nứa, đồng bào không chỉ ăn tươi mà còn chế biến thành măng khô để dành ăn dần hay đem bán. Măng cũng thường được chế biến thành măng chua. Măng chua phơi khô thường mềm, dễ chế biến hơn loại măng luộc phơi khô. Măng vùng này rất được thực khách ưa chuộng   không chỉ thưởng thức các món măng do người bản địa chế biến tại đây mà cò họ còn có nhu cầu mua về làm quà biếu cho người thân bạn bè.
 Đặc sản Măng trúc rừng Yên Tử
 Với nguồn khai thác sản vật tự nhiên dồi dào và đã mang lại nhiều lợi ịch to lớn đối với đời sống đồng bào Dao. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn đến mẹ thiê nhiên người Dao nơi đây thường tổ chức Lễ Cúng rừng. Hằng năm, vào mùa xuân, người dân trong bản thường tổ chức lễ "Cúng rừng" với lễ nghi trang trọng sẽ diễn ra trong 10 tiếng đồng hồ vào ban đêm tại nhà già bản. Khi tổ chức cúng rừng, không khí trong bản vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, mọi người sửa soạn bàn thờ tổ tiên, nhà cửa sạch sẽ, những chàng trai, cô gái vui vẻ trong những bộ trang phục truyền thống và những bài hát, điệu múa, những tiếng nói, tiếng cười, tiếng kèn gọi bạn của các bạn nam thanh niên người Dao làm vang động cả vùng thung lũng dưới chân núi Yên Tử hùng vĩ. Các bài cúng trong lễ cúng rừng đều có nội dung kêu gọi con người trồng cây trả lại màu xanh cho rừng và lời hứa của dân bản từ nay sẽ không phá rừng. Đây là một nghi lễ truyền thống thể hiện sự giao hòa của con người với thiên nhiên cây cỏ. Một nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào người Dao nơi núi rừng đại ngàn Tây Yên Tử.
Đặc sản  rau ngót rừng Yên Tử
Có thể nói cùng với nhiều nét văn hoá độc đáo khác của người Dao Tây Yên Tử (Trang phục, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá hàng ngày…) thì hoạt động khai thác nguồn lợi từ tự nhiên núi rừng đã tạo nên một nét sinh hoạt văn hoá rất độc đáo ấn tượng của người Dao - Một trong những nét sinh hoạt văn hoá hấp dẫn du khách mỗi khi về với miền đất thiêng Tây Yên Tử./
Món ngon từ rau dớn rừng Yên tử
Hà  Bộ
 
Khai thác “Lộc rừng” - nét độc đáo trong đời sống văn hóa xã hội của người Dao khu vực Tây Yên Tử
0 Bình luận

Loading...