Người Dao giữ gìn nghề thêu truyền thống

09 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Nằm ngay bên sườn tây núi Yên Tử- nay đã có đường lớn chạy qua, du lịch về bản nhưng cộng đồng người Dao ( dòng Dao Thanh Phán) ở thị trấn Tây Yên Tử vẫn gìn giữ nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, lễ hội, dân ca... Đặc biệt, nghề thêu ren được phụ nữ dân tộc Dao đặc biệt gìn giữ.
Người Dao giữ gìn nghề thêu truyền thống

Các lớp thêu thường xuyên được tổ chức

Trước kia, những phụ nữ dân tộc Dao ở Tây Yên Tử thường bắt đầu học thêu từ lúc 9-10 tuổi. Họ thường tự thêu cho mình những chiếc khăn đội đầu, tô điểm cho những bộ trang phục truyền thống mặc trong những dịp đặc biệt. Được học thêu từ những ngày còn nhỏ, hầu như phụ nữ Dao Thanh Phán ở Tuấn Mậu đều khá thuần thục nghề thêu thổ cẩm. Những năm trở lại đây, khi cuộc sống phát triển hơn, hình ảnh những người phụ nữ Dao Thanh Phán ngồi thêu bên bậc thềm nhà ngày càng ít dần, nhất là với lớp trẻ. Để gìn giữ nét văn hoá truyền thống dân tộc, vào khoảng năm 2012, Câu lạc bộ thêu ren thị trấn Tây Yên Tử được những người phụ nữ dân tộc Dao thành lập và hoạt động. Lúc đầu CLB chỉ có khoảng hơn 10 người tham gia, nay sau hơn chục năm, thành viên CLB đã lên đến hơn 60 người. Bà Bàn Thị Bình, tổ dân phố Mậu- một trong những người đầu tiên thành lập CLB cho biết: Con gái Dao, trước đây sẽ được học thêu từ khi lên 9, 10 tuổi để tự thêu những bộ trang phục và đồ dùng cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, khi chuẩn bị lấy chồng, các cô gái Dao sẽ thêu cho mình bộ váy áo, khăn đội đầu thật là rực rỡ để diện vào ngày cưới, các dịp lễ, Tết. Kỹ thuật thêu của người Dao khá cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện qua những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng trên quần; họa tiết cây vạn hoa, hình cách đoạn trên khăn đội đầu…Sau này, khi đời sống xã hội phát triển, nghề thêu ren truyền thống bắt đầu bị mai một, nhiều phụ nữ Dao không còn biết thêu thùa, may vá. Chính vì thế bà và nhóm phụ nữ lớn tuổi đã tập hợp, thành lập CLB thêu và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Lớp trẻ thích thú với nghề thêu ren truyền thống

Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm gìn giữ nghề của dân tộc mình, nhóm các bà Bàn Thị Duyên, Bàn Thị Bình, Triệu Thị Bình, Triệu Thị Xoan…cùng một số phụ nữ khác đã tập hợp lại để truyền lửa, giữ nghề cho thế hệ trẻ tại ở Tuấn Mậu ( nay là thị trấn Tây Yên Tử) CLB thêu ren đã được duy trì và phát triển. Ông Bàn Văn Minh- phó chủ tịch UNND thị trấn Tây Yên Tử cho biết: để hỗ trợ CLB thêu của địa phương, trong khoảng chục năm qua, các ngành chức năng và một số tổ chức, cá nhân cũng đã rất quan tâm đến việc khôi phục và phát triển nghề thêu ở Tây Yên Tử và đã đầu tư kinh phí hỗ trợ CLB mua vải, len, chỉ để CLB truyền nghề cho lớp trẻ. Gần đây nhất, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch cũng đã triển khai một số nội dung xây dựng mô hình làng văn hoá du lịch, trong đó có hỗ trợ CLB thêu truyền thống. Đến nay đã có gần khoảng 100 lượt học viên được truyền nghề. Nhiều cháu học sinh cấp 2, cấp 3 sau những buổi học hoặc dịp hè lại tập hợp ở nhà văn hoá thôn để các bà, các chị truyền nghề thêu truyền thống để giữ nghề.

Các nghệ nhân ở đây cho biết, học thêu không quá khó, ai cũng có thể học được. Nhưng để thành thạo, đòi hỏi người học phải có lòng đam mê và kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ. Những kiến thức cơ bản ban đầu như nhận biết đường kim, mũi chỉ, học cách thêu cho thẳng hàng. Sau đấy mới đến học những công đoạn phức tạp như thêu các họa tiết, hoa văn cầu kỳ đòi hỏi kỹ thuật cao.

Người Dao cũng như phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số, trước đây đều tự tay dệt vải để may, thêu trang phục cho mình. Chỉ sau này cuộc sống có nhiều đổi thay, nghề dệt vải cũng vì thế mà thất truyền, bà con phải ra chợ mua vải và chỉ về để thêu, may lấy đồ dùng. Để hoàn thành một bộ trang phục nữ đầy đủ của người Dao gồm: quần, áo, khăn, mũ, xà cạp, yếm thông, người thạo nghề cũng phải làm mất 4-5 tháng liên tục. Những hoa văn thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tín ngưỡng, sản xuất nông nghiệp, ước mong cuộc sống có được mọi điều viên mãn, như: Hình lưỡi bừa, con đường, con chim, chân chó, hoa 8 cánh, mặt trời, lá cây…Những biểu tượng truyền thống ấy được phụ nữ Dao khéo léo phối màu, cân đối các họa tiết linh hoạt cho phù hợp với những sản phẩm có chất liệu, kích thước, mục đích sử dụng khác nhau, như: Miếng lót ly, cốc; áo nam, nữ; túi xách, túi đựng điện thoại, ví đựng đồ dùng… Mỗi sản phẩm lại toát lên những ý nghĩa, nét đẹp khác nhau. Người Dao ở Bản Mậu trước đây, nhất là các bà, các chị luôn dạy con em mình học thêu trang phục cá nhân từ khi mới lên 9-10 tuổi. Mỗi năm một người ít nhất phải tự tay thêu được một vài đồ dùng cho mình để diện vào các ngày lễ, tết. Sau nữa những thứ ấy sẽ là hành trang trước khi các cô về nhà chồng. Vào các dịp lễ, tết, các cô gái Dao thường khoe những bộ váy áo lộng lẫy sắc màu do chính tay mình làm ra, xúng xính vòng bạc đi chơi chợ phiên và du xuân.

Tuy nhiên, do đời sống kinh tế, xã hội phát triển, xu hướng của đồng bào dân tộc Dao ở Bản Mậu cũng có những đổi thay. Một số nghề mới được phát sinh và một số nghề truyền thống bị mai một là điều khó tránh khỏi. Trước thực trạng ấy, việc duy trì và phát triển một CLB thêu ren truyền thống ở bản Mậu là một điều vô cùng có ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc của người Dao Bản Mậu mà còn góp phần xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, đảm bảo nguồn thu, từng bước ổn định đời sống cho người dân địa phương. /.

 Sau đây là một số hình ảnh CLB thêu truyền thống tại Bản Mậu

Hỗ trợ CLB thêu ren truyền thống tại bản người Dao

sặc sỡ khăn áo người Dao- những sản phẩm được thêu tay truyền thống

Trình diễn nghề thêu

Truyền nghề thêu

Du khách thích thú với các sản phẩm thêu truyền thống

                                                    tác giả: Hà Yến

 

0 Bình luận

Loading...