TẾT RẰM THÁNG BẢY CỦA NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

05 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Lục Ngạn là một huyện miền núi nằm trong lưu vực sông Lục Nam của tỉnh Bắc Giang. Đây cũng là nơi tập trung đông đảo các thành phần dân tộc cùng nhau sinh sống. Trong đó, sau người Kinh, người Nùng là thành phần dân tộc đông thứ hai tại nơi đây. Cách ngày nay khoảng 200 năm, Người Nùng có nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ yếu di cư qua đường Lạng Sơn, Thái Nguyên đã tới đây để lập làng bản. Quá trình sinh sống tập trung, lâu dài, người Nùng ở Băc Giang  còn giữ được nhiều di sản của ông cha để lại và có những nét văn hóa riêng biệt mang bản sắc văn hóa tộc người, thể hiện qua hình thức ăn mặc, cư trú, tín ngưỡng tâm linh …và đặc biệt là các tiết lệ trong năm. Là cư dân nông nghiệp nên người Nùng đón nhiều cái Tết trong năm theo những thời điểm liên quan đến mùa vụ sản xuất cây lúa và hoa màu. Mỗi một dịp tết lại có một ý nghĩa riêng, đồng bào thường chuẩn bị lễ cúng và những món ăn truyền thống để ăn tết.

TẾT RẰM THÁNG BẢY CỦA NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

Tết Rằm tháng bảy là một tiết lệ quan trọng được người Nùng tổ chức bài bản và mang sắc thái đặc trưng của dân tộc mình. Rằm tháng bảy theo tiếng Nùng là "lớn chép xịp xỉ" được đồng bào tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây được coi là cái Tết lớn thứ hai sau tết Nguyên đán. Theo quan niệm của đồng bào, vào ngày này, các vị quan trên thiên đình sẽ thả tât cả linh hồn người chết xuống trần gian để đi chơi và kiếm ăn. Trong ngày này, gia đình phải làm lễ cúng, nếu không tổ tiên mình sẽ bị đói. Đây cũng là dịp để con cháu làm lễ đưa những vong hồn của người trong gia đình đã đủ thời gian quy tiên lên ban thờ tổ tiên. Những vong hồn chết đường, chết chợ, không nơi nương tựa cũng được cúng siêu thoát trong dịp này để không còn quấy quả đến đời sống của người trần gian. Vì vậy, đồng bào gọi ngày này là ngày lễ xá tội vong nhân.

Người Nùng làm bánh vắt vai trong dịp rằm tháng 7

Tháng 7 âm lịch cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp của đồng bào. Vào thời điểm này, bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa chiêm và cấy xong vụ mùa. Vì vậy, ngày 14 tháng 7 âm lịch còn được coi là tết lên đồng - kết thúc một vụ mùa cày cấy. Đồng bào quan n iệm rẳng, sau vụ mùa trâu không được ăn no và cũng ít được nghỉ ngơi nên sức khỏe của trâu bị giảm sút, bạt hết vía. Vì thế, khi cày bừa xong, gia chủ cúng và khấn thần nông trả lại vía cho trâu và phù giúp trâu được khỏe mạnh giúp con người cấy cầy những vụ mùa tiếp theo nên tết này người ta cúng để thu vía trâu về. Đồng bào còn đi thăm lúa, phát quang bờ, diệt các ổ sâu bệnh, be bờ, giữ nước cho lúa. Bởi vậy, đồng bào làm cỗ thắp hương, mở tiệc ăn mừng mời tổ tiên về chứng giám, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng, mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, bình an.

Vào ngày này, đồng bào thường làm bánh vắt vai (pẻng tải) để dâng cúng thần linh và tổ tiên. Bánh vắt vai là một loại bánh độc đáo của người Nùng. Bánh được làm từ gạo nếp và đỗ xanh. Đồng bào ngâm gạo nếp rồi đem xay với nước, sau đó dùng vải lọc hết nước để lấy phần bột. Người ta nặn bột thành từng chiếc bánh nhỏ dài có dài có đường kính độ 4cm, dài khoảng 12 - 15cm rồi gói và lá chuối đã được hơ qua lửa cho mềm. Bánh gói xong được xếp vào xoong luộc âm ỉ trên bếp củi trong vòng 4 - 5 giờ đồng hồ cho bánh chín nhừ rồi vớt ra, ép nhẹ cho cứng bánh. Xưa kia, người ta dùng tàu lá chuối dọc đôi để nguyên sống lá và gói bánh ở hai miếng lá hai bên sống lá. Khi luộc xong, sống tàu lá ngót lại làm thành một sợi dây nối trực tiếp giữa hai bánh. Đồng bào có thể vắt bánh lên vai mang đi chợ, đi làm đồng hay đi chơi hội để ăn. Chính vì thế mà gọi là bánh vắt vai. Ngày nay, đồng bào chỉ gói trong lá chuối rồi đem luộc chứ không làm cầu kỳ như trước. Ngoài ra, người Nùng còn làm lễ cúng bằng bún và thịt vịt. Sau khi các món ăn đã được chế biến xong xuôi, tất cả được đặt trên ban thờ của gi đình. Người chủ gia đình trong trang phục chỉnh tề, thắp hương kính cẩn khấn vái mời các vị thần linh và tổ tiên, những người đã khuất về hưởng thụ lễ vật và phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình được khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc. Sau khi tàn hương, mâm lễ được hạ xuống, các thành viên trong gia đình lại quây quần ấm cúng bên nhau. Đại gia đình, từ già đến trẻ, dâu rể sum họp đầy đủ ăn bữa cơm gia đình và trò chuyện vui vẻ. Các trò chơi, cuộc hát Soong hao cũng diễn ra trong dịp này không khác gì các ngày hội khác trong năm.

Bánh vắt vai người Nùng ở Bắc Hoa, Tân Sơn, Lục Ngạn

Bằng những quan niệm nhân sinh sâu sắc và những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết rằm tháng bảy, người Nùng huyện Lục Ngạn đã thể hiện sự gắn kết bền vững trong cộng đồng dân tộc mình trong đó chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đó là những giá trị văn hóa quý báu khó có thể phai mờ./.

 Nguyễn Thị Mai Thanh

0 Bình luận

Loading...