Tiềm năng phát triển du lịch Tân Sơn
Xã Tân Sơn đang là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong những năm gần đây của tỉnh Bắc Giang. Tân Sơn được đánh giá là có nhiều tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc nhưng cũng vô cùng nguyên sơ. Bởi lẽ, nơi đây là nơi tụ cư đông đúc duy chỉ của đồng bảo dân tộc Nùng và ít có sự đan xen của dân tộc khác nên xã Tân Sơn còn ẩn chứa cả một kho tàng di sản văn hóa dân gian truyền thống, góp phần tạo nên những nét độc đáo không thể lẫn được với bất kỳ vùng đất nào khác.
Chợ phiên Tân Sơn
Nhắc đến Tân Sơn là nhắc đến những bản làng nhỏ xinh bên những triền đồi phủ màu xanh tươi mát của núi rừng đại ngàn như bản Bắc Hoa, Khuôn Kén… Nơi có những nếp nhà cổ truyền thống được trình tường đất với lô xô những mái ngói âm dương xinh xắn. Phía xa xa là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ôm vòng quanh bản, nét bình dị, mộc mạc gần như còn nguyên sơ nguyên sơ của phong cảnh, vườn bãi xanh tươi tạo nên sự kỳ thú cho mảnh đất nơi đây. Chợ phiên Tân Sơn có từ lâu đời, là nơi tụ họp, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân quanh vùng. Chợ họp đều đặn 5 ngày một lần vào các ngày 2 và 7 trong tháng. Vào ngày này, trên khắp trên các sườn đồi, bờ suối, đều vang lên âm thanh tha thiết của những chiếc kèn môi gọi bạn, những câu Sli, Lượn, Soonghao… Đặc trưng của văn hóa Tân Sơn còn được thể hiện qua các phong tục tập quán tốt đẹp cùng lễ hội truyền thống đó là sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng rộng và thu hút nhiều người tham dự và được tổ chức trong không gian văn hóa của làng bản và khu vực như: Nghi lễ then, lễ hội hát Soonghao…
Hát đối đáp ngày hội VHTD các dân tộc Lục Ngạn
Sản phẩm du lịch đặc thù vùng cao Tân Sơn
Nói đến sản phẩm du lịch đặc thù là nói đến sự hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản và đại diện cho tài nguyên du lịch của một điểm du lịch, một địa phương, một vùng, một quốc gia; thỏa mãn nhu cầu du khách và tạo ấn tượng sâu đậm, khó quên mà “chẳng nơi nào có được”. Bởi vậy, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù xã vùng cao Tân Sơn cần chú trọng, dựa vào các thế lực tiêm năng về di sản văn hóa của xã Tân Sơn như đã trình bày trên. Trong thời gian tới, du lịch Tân Sơn cần hướng tới phát triển dòng sản phẩm du lịch đặc thù đó là Du lịch cộng đồng, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Nùng, với các nội dung cụ thể:
- Tham quan, tìm hiểu trải nghiệm tại bản Bắc hoa, bản Khe Nghè: Thật thiếu sót, khi đến Tân Sơn mà không tham quan bản Bắc Hoa, cũng như các bản làng còn khá nguyên sơ khác như Khe Nghè, Mòng…. Nơi đây, được xem là địa điểm còn sở hữu nhiều di sản đặc sắc của đồng bào Nùng. Du khách còn có dịp được trải nghiệm dệt những tấm vải áo chàm thủ công truyền thống và thưởng thức món ngon đặc sản miền sơn cước. Đắm mình vào những tiếng sáo, làn điệu Soong hao mựơt mà, say đắm gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái người Nùng từ các ngả núi vang lên tha thiết. Đây là những nét sinh hoạt văn hóa, là tinh hoa của dân tộc thiểu số, mang tính đặc trưng rất cao, thích hợp để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc nếu được quan tâm bảo tồn và phát triển trong thời gian tới.
Nét bình dị của làng quê Lục Ngạn thu hút khách
- “Sắc hoa Tân Sơn”: Tân Sơn nổi tiếng với những cánh hoa mận, hoa đào… Tùy vào mỗi mùa sẽ có địa điểm khác nhau để du khách có thể ngắm nhìn “ Sắc hoa Tân Sơn“ mang vẻ đẹp thiên nhiên trong trẻo và mạnh mẽ. Mùa xuân du khách có thể tham gia tour du lịch “ngắm hoa mận, hoa đào” trắng muốt, nở rực rỡ trên những con đường, triền đồi tại bản Bắc Hoa, bản Khuôn Kén và đặc biệt vào mùa hè với sự dịu dàng của hương hoa vải cùng những trái vải chín đỏ rộ, mùa đông hương nồng nàn của hoa bưởi khắp các làng bản Tân Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan, trải nghiệm, check in .… đều là những chương trình du lịch hấp dẫn nằm trong sản phẩm du lịch “ Sắc hoa Tân Sơn”.
Mùa hoa mận bản khuôn kén, xã Tân Sơn
-Tham quan, khám phá, trải nghiệm “Chợ phiên vùng cao Tân Sơn", "Lễ hội vùng cao Tân Sơn”: Hệ thống chợ phiên vùng cao Tân Sơn cũng được coi là di sản văn hóa đặc sắc. Tới Tân Sơn những ngày đầu xuân cái cảm nhận đầu tiên của du khách đó là màu xanh non của núi rừng vào xuân, màu của tình yêu của những hò hẹn của những đôi lứa giao duyên với nhau. Những chàng trai những cô gái ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, độc đáo nhất để đến chợ, những sắc áo chàm xanh ngắt, xanh như màu rừng núi quê hương Tân Sơn.
Chợ phiên vùng cao Tân Sơn
Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù, nhiều giá trị văn hóa dân tộc Nùng như kiến trúc, lễ hội... và nghệ thuật ẩm thực cần được lồng ghép trong các thành phần của sản phẩm đặc thù để góp phần tạo nên bản sắc rất riêng của du lịch Tân Sơn.
Cuộc sống bình dị của người vùng cao làm du khách yêu thích
Để phát triển thương hiệu cho sản phẩm du lịch đặc thù vùng cao Tân Sơn đảm bảo đạt hiệu quả, tỉnh đề ra nhiều giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế như: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với xây dựng làng bản mới phục vụ phát triển du lịch. Đối với xã vùng cao Tân Sơn việc xây dựng hệ thống địa điểm lưu trú cho khách du lịch là việc làm cần thiết hiện nay; xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt, với huy động thêm các hộ gia đình trong các bản làng tham gia làm du lịch, mỗi điểm có từ 10 hộ gia đình tham gia trở lên, đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia phát triển mô hình du lịch homestay mang đặc trưng của Tân Sơn. Mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách; có Đội nghệ thuật hoặc Câu lạc bộ dân ca dân tộc thường xuyên duy trì hoạt động giao lưu phục vụ du khách.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Lục Ngạn- ảnh Hà Yến
Hy vọng với những sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ngành, du lịch vùng cao Tân Sơn sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều sản phẩm du lịch đặc thù được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước, qua đó tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của huyện Lục Ngạn.
Nguyễn Thị Thu Hiền
Loading...