Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, với vị trí địa lý chiến lược vùng đệm “phên dậu” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ buổi đầu dựng nước, Bắc Giang là nơi diễn ra chiến sự ác liệt chống các thế lực phản động và ngoại bang xâm lược; từ đó đã hun đúc lên truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất, sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống thực dân Pháp như: Cuộc khởi nghĩa của Cai Biều (1884-1891) ở Bảo Lộc (Lạng Giang); cuộc khởi nghĩa của Lưu Kỳ và Hoàng Thái Nhân (1884-1894) ở Lục Ngạn… Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, do Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) và Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám) đứng lên lãnh đạo.
Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất (gần 30 năm từ 1884-1913) trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Yên Thế là vùng trung du, đồi núi ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang. Giữa thế kỷ XIX, nhiều nông dân vùng đồng bằng Bắc Kỳ đã đến đây khai hoang, lập làng xóm. Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam, từ năm 1884, các cuộc hành quân bình định của quân Pháp vào vùng Yên Thế đã uy hiếp nghiêm trọng cuộc sống của cư dân ở đây. Họ đã đứng lên đấu tranh để giữ đất, giữ làng, bảo vệ cuộc sống tự do.
Sáng ngày 16/3/1884, khi nhận thấy đạo quân của Pháp trên đường tiến lên Thái Nguyên, Đề Nắm đã lãnh đạo lực lượng tấn công quân địch tại Đức Lân (Phú Bình, Thái Nguyên). Sau trận tập kích thắng lợi, chiều hôm đó, Đề Nắm tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước.
Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế có thể chia làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 từ năm 1884 đến năm 1892: Thủ lĩnh Đề Nắm đã lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế đẩy lui nhiều trận càn quét của quân Pháp vào khu vực Cao Thượng, Hố Chuối. Đến năm 1891, nghĩa quân làm chủ một vùng rộng lớn và mở rộng hoạt động sang Phủ Lạng Thương (vùng thành phố Bắc Giang ngày nay).
Trước những đợt tấn công, càn quét mới của giặc, nghĩa quân phải rút dần lên vùng Bắc Yên Thế xây dựng, củng cố hệ thống công sự phòng thủ. Tháng 3/1892, Pháp huy động khoảng 2.200 quân, gồm nhiều binh chủng ồ ạt tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân bị tổn thất nặng, nhiều người bị địch bắt và giết hại, một số phải ra hàng. Đề Nắm bị sát hại vào tháng 4/1892.
Giai đoạn 2 từ năm 1892 đến năm 1897: Sau khi Đề Nắm qua đời, Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) tập hợp những toán nghĩa binh còn sót lại, mở rộng địa bàn hoạt động. Sáng ngày 19/12/1892, Đề Thám tập hợp một lực lượng gồm 400 quân tại đình làng Đông, xã Quỳnh Đông (nay là thị trấn Bích Động, thị xã Việt Yên), tổ chức lễ tế cờ, chính thức trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa.
Trong bối cảnh phong trào kháng chiến cả nước bị đàn áp dữ dội, nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Đề Thám phải tìm cách giảng hòa với Pháp để có thời gian củng cố lực lượng. Tháng 10/1894, theo thỏa thuận giữa hai bên, quân Pháp phải rút khỏi Yên Thế, Đề Thám được cai quản 4 tổng gồm: Yên Lễ, Mục Sơn, Nhã Nam, Hữu Thượng. Nhưng cuộc hòa hoãn kéo dài chưa được bao lâu thì Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công (tháng 11/1895). Nghĩa quân phải chia nhỏ ra từng toán, trà trộn vào dân để hoạt động.
Nhằm bảo toàn lực lượng, đồng thời biết được ý đồ của Pháp đang muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, Đề Thám xin giảng hòa lần thứ hai (tháng 12/1897). Bề ngoài, Đề Thám tỏ ra phục tùng, nhưng bên trong đã ngầm chuẩn bị lực lượng chống Pháp.
Giai đoạn 3 từ năm 1897 đến năm 1908: Tranh thủ thời gian hòa hoãn kéo dài, Đề Thám cho nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tích cực luyện tập quân sự tại đồn điền Phồn Xương. Đội quân của ông tuy không đông nhưng rất tinh nhuệ, thiện chiến. Căn cứ Yên Thế trở thành nơi hội tụ của những nghĩa sĩ yêu nước từ khắp nơi kéo về (từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương…).
Giai đoạn 4 từ năm 1909 đến năm 1913: Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội năm 1908, thực dân Pháp quyết định mở cuộc tấn công nhằm tiêu diệt bằng được phong trào nông dân Yên Thế. Nghĩa quân trải qua những tháng ngày gian khổ, phải di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác. Nhiều thủ lĩnh đã hi sinh, một số phải ra hàng. Tháng 02/1913, Đề Thám bị sát hại, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đi dần vào thoái trào./.
Theo Cổng TTĐT huyện Yên Thế
Loading...