Lục Ngạn - địa phương có nhiều cảnh quan đẹp, văn hóa tương đối đặc sắc, có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Đây là vùng đất nổi tiếng về hoa thơm trái ngọt, có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền bắc, với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng. Dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 này, dự báo lượng du khách khá đông (lên đến hàng vạn lượt) sẽ cùng nhau đến tham quan, trải nghiệm vùng đất khá lý thú này.
Không chỉ là vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, huyện Lục Ngạn còn có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, như: chùa Am Vãi, đền Hả, hát Sloong hao, hát Sli, hát Lượn. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn; hồ Khuôn Thần; hồ làng Thum; suối Cặm xã Sa Lý; suối Đấy, suối Tà Cang, (xã Phong Minh)... Đây là những địa danh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Uyên, thành viên Hợp tác xã du lịch trải nghiệm Thanh Hải cho biết: “Kỳ nghỉ lễ 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5 năm 2023 kéo dài 5 ngày, Hợp tác xã đang tiếp nhận hợp đồng với nhiều nhóm khách trong và ngoài tỉnh. Khách về Lục Ngạn, đặt tour qua Hợp tác xã, chúng tôi định hướng tới hai tour chính là tham quan hồ Cấm Sơn và hồ Khuôn Thần. Kết hợp tham quan một số nhà vườn cây cảnh, chụp ảnh tại vườn nho Hạ Đen (xã Thanh Hải), trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của người dân Lục Ngạn”.
Chị Uyên cho biết thêm “Ngay từ đầu tháng hai, du khách đã bắt đầu có kế hoạch tham quan Lục Ngạn. Thời điểm này là lễ hội sli, lượn của đồng bào dân tộc Nùng và cũng là mùa hoa vải thiều nở, mùa khai thác mật ong. Du khách thường về Lục Ngạn check-in, hòa mình vào thiên nhiên cùng tận hưởng và cảm nhận màu trắng hoa vải thiều mênh mông ở các miệt vườn”.
Ngay tại thôn Bồng 2 xã Thanh Hải, Hợp tác xã du lịch trải nghiệm Thanh Hải có hai mô hình homestay, có phòng ngủ, bể bơi gia đình và đáp ứng được xuất ăn cho đoàn 120 thực khách. Tại xã Thanh Hải, ngoài thăm mô hình cây cảnh, vườn cam bưởi, vườn nho, khách du lịch có thể tham quan thêm chùa Xẻ - điểm du lịch tâm linh quy mô bề thế và đẹp tại Lục Ngạn.
Ngoài ra, Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng như: mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp Phì Điền... là những điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Lục Ngạn có đủ tiềm năng để thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng quanh năm, trải rộng các địa phương trong toàn huyện.
Ông Nông Đức Cường, người chuyên chạy xuồng máy trên hồ Cấm Sơn, trú tại xã Sơn Hải chia sẻ: “Hôm nay là ngày 27 tháng 4, dịp 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5 này, tôi đã nhận hợp đồng 5 chuyến xuồng của 5 đoàn. Có hai đoàn khách ngoài tỉnh là Hải Phòng và Bắc Ninh. Ba đoàn khách còn lại là khách trong huyện và tỉnh. Xuồng của tôi được phép chở 30 người, mỗi chuyến xuồng giá một triệu rưỡi, đưa khách tham quan 1 vòng trên mặt hồ. Để chắc chắn có dịch vụ vào các ngày lễ, khách đặt xuồng đều chuyển khoản trước”
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Lục Ngạn đặt mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với 2 không gian du lịch chính là hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và vùng cây ăn quả, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, bảo vệ môi trường, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững. Dịp lễ 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5 năm 2023, các Hợp tác xã, đơn vị du lịch trên địa bàn Lục Ngạn đã sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để chào đón du khách đến với vùng đất hoa thơm quả ngọt, đầy nắng gió nhưng thật hiền hòa và mến khách này./.
Theo mybacgiang.vn
Loading...