Làng cổ Đối Sơn - Dấu xưa bên sườn Yên Tử

07 Tháng 2, 2024 | Vùng đất con người Bắc Giang

BẮC GIANG - Quê ngoại tôi ở xóm Bãi Đá, xã Bình Sơn (Lục Nam - Bắc Giang), cách đường tâm linh 293 đôi ba cây số. Vài mươi năm trước, cách gọi tên xóm tương đương với thôn, tổ, đội sản xuất thuộc xã. Xa xưa, làng cổ Đối Sơn (đầu thế kỷ XX từng được nâng cấp thành đơn vị xã, có con dấu xã trưởng) thuộc tổng Vô Tranh. Làng cổ - xã cổ Đối Sơn chính thức phân chia địa giới và chuyển tên thành xã Bình Sơn mới từ năm 1958 đến nay. 

Tương truyền, làng (xã) cổ Đối Sơn (tên Nôm là làng Đọi) có từ đầu triều Trần, trải qua nhiều lần ly hợp, tụ tán. Cư dân đa phần đồng bào dân tộc Hoa, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan và một phần người Kinh. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, một số người họ Giáp ở Đa Mai (phủ Lạng Giang, nay thuộc TP Bắc Giang) chạy loạn về đây, đổi thành họ Nguyễn, phần nhiều ở xóm Cầu Bình, Bãi Đá… 

Một góc rừng lim xanh ở xã Bình Sơn. Ảnh: CTV.

Năm Giáp Ngọ (1894), khi người Pháp cơ bản bình định xong các tỉnh miền Bắc thì Đối Sơn đã có các xóm Bãi Đá, Cầu Dày, Đồng Giàng, Đồng Đỉnh, Đồng Bản, Cốp Sân (Trại Sận - Cống Thuận). Theo điều tra dân số của người Pháp (năm 1927), Đối Sơn có 140 người, khoảng 40 suất đinh và tổng diện tích điền thổ tới 852 mẫu… 

Lại nhớ năm 1984, Viện Văn học chúng tôi mời nhà dân tộc học Từ Chi (1925 - 1995) tới nói chuyện về làng xã Bắc Bộ. Biết tôi ở vùng Mai Sưu, cùng quê Trung tướng Lư Giang (Lê Bá Ước, 1920 - 1994), ông bảo: “Ở đó có nhà tướng Lư Giang, đất đai rộng nhất tỉnh Bắc. Ông Giang kết nạp tôi vào Đảng ở mặt trận Nam Trung Bộ năm 1946”. Tôi nghĩ, ấy là tính theo địa giới rừng núi chứ đất ruộng thực chẳng có bao nhiêu.

Trên đất làng cổ Đối Sơn xưa có dấu tích nhiều điểm dân cư cổ (Cầu Bình, Đồng Giàng, Bãi Đá…), thường ở nơi đất bãi, đồi nhỏ, trồng tre bao quanh để chống thú dữ, trộm, cướp, phỉ xâm nhập. Các cụ già kể lại, ở xóm Bãi Đá, khu Rừng Dài từng thấy nhiều mảnh sành, bát đĩa giữa vết nền nhà mà rừng lim rậm rạp đã to bằng cả người ôm. 

Ngay bãi Thổ Kỳ có miếu thờ, có phế tích tường nhà, hiên nhà và những mảnh chum, vại, âu, lon bằng sành, sứ, đất nung, bà con nhặt về còn dùng tốt. Ở Đối Sơn có đình và nghè, đền, miếu. Theo thống kê đầu thế kỷ XX, ngoài đình làng chung còn tới 6 xóm cũng đều có đình (Bãi Đá, Đồng Giàng, Đồng Đỉnh, Đá Húc, Đồng Bản, Mản). Nơi đây có loại đình cổ ở xóm Bãi Đá, xây trên triền núi thấp, nay còn lưu lại tên Cửa Đình.

Lại có ngôi đình khang trang khác được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX ở trên quả đồi thấp, gần Xóm Làng, nay chỉ còn sót mấy chân tảng đá kê cột và vài bậc đá. Ở giữa xóm có Nghè Cả với mấy cây lim đại còn đến cuối thập kỷ 1960. Đình làng và Nghè Cả phối thờ thành hoàng là thánh Cao Sơn, Quý Minh và Vũ Nghĩa. Riêng nhị thánh Cao Sơn, Quý Minh (sinh đôi, anh em thúc bá với Sơn Tinh Tản Viên Sơn Thánh) quá phổ cập, quá nhiều vùng miền cùng phụng thờ. 

Lại nói nhà nước Pháp - Nam thực hiện cuộc tổng kiểm kê các loại thần sắc, thần tích vào năm 1938 có nói đến tục thờ, nơi thờ, thời gian khánh lễ và miêu tả lớp lang nghi thức, lế tiết phụng thờ thánh Cao Sơn Đại Vương ở Đối Sơn. Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Nghị (1920- 2010) kể, tới giữa thế kỷ trước, đình còn giữ được cả thần sắc, thần tích thánh Cao Sơn. 

Theo quy luật bản địa hoá truyện cổ, thánh Cao Sơn ở Đối Sơn có tên Thỉnh, quê phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), sau làm quan võ, đánh tan giặc rồi đóng quân ở xóm Cầu Dày và mất tại đây. Ngài được triều đình phong thần, ban sắc cho dân làng Đối Sơn lập đền thờ. Kiểu dịch chuyển, bản địa hoá cốt truyện, nhân vật, sự kiện, chi tiết địa điểm, thời gian là điều không lạ trong đời sống văn hoá, văn học dân gian.

Làng (xã) cổ Đối Sơn cũng có chùa trên núi Mắt Rồng, phía trước là Bãi Chõ, ghé đông nam hướng về núi Yên Tử. Ngay bên phải chùa có suối Cầu Ba uốn lượn, nhiều bềnh si, bãi sậy, nay bị vùi lấp gần hết. Chùa có 23 pho tượng, đặt trên ban thờ theo đúng thể thức nhà Phật. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX (1840-1860), chùa bị cháy đến ba lần. 

Mỗi lần xây lại thu gọn, nhỏ hẹp hơn. Các cụ kể rằng, có anh thợ cày ngỗ nghịch vào chùa, lấy cây roi chóc vào nơi mắt tượng cháy, về nhà đau mắt dữ dội. Sau phải vào chùa đọc kinh sám hối, dọn dẹp cửa nhà cả tháng mới khỏi bệnh. Rồi chùa được chuyển về cuối xóm Cầu Bình nhưng không được tôn tạo, mưa gió tàn phá, tượng bị hư hại. 

Năm 1990, Hội Bảo thọ và Phật tử mới hưng công xây dựng lại chùa được như ngày nay. Đặt trong tương quan chung, chùa làng Đối Sơn xưa nằm trong vùng văn hoá Phật giáo miền rừng non cao Tây Yên Tử, tiếp nối các chùa Bảo An, Kim Quy (Cương Sơn), Hồ Bấc, Lệ Ngạc (Nghĩa Phương), Đám Trì (Lục Sơn)…

Theo các cụ già kể lại, đến khoảng đầu thế kỷ XX, làng (xã) cổ Đối Sơn vẫn còn nhiều loài thú đặc hữu như hổ, gấu, báo, hươu, nai, hoẵng, khỉ, lợn rừng, thỏ, nhím, công… Vào những năm 1970 vẫn còn một số hươu, lợn rừng. Có buổi sáng tôi đang hái chè thì thấy có con lợn rừng chạy sồng sộc từ núi Hòn Cao qua đồng làng, vút qua vườn nhà rồi băng sang cánh đồng Cầu Ba, mất hút bên kia khe suối… 

Rồi tiếp qua hai chục năm sau, cái thời hậu chiến bao cấp đói nghèo, rừng Đối Sơn và cả vùng Mai Sưu hầu như đã tàn kiệt. Vào mùa làm nương rẫy, khói lửa ngút trời. Nhìn lên ngang núi chỉ thấy cây thưa lá úa, nước mưa xối thành khe, đất đá đỏ quạch. May rồi có chính sách giao đất, giao rừng. Đến nay thì hầu như từng mét đất rừng đều đã có chủ. Chỉ tiếc những cánh rừng xưa không còn, bạt ngàn đồi hoa sim, cánh từng dẻ, sau sau đã biến mất. 

Ngay cả nhiều hồ, ao, chuôm, suối, vũng, bềnh cũng thu hẹp dần. Nhiều cánh đồng lúa được đổ đất chuyển sang trồng vải, mít Thái, nhãn tứ mùa, cam, bưởi... Thay vào rừng nguyên sinh là những cánh rừng bạch đàn, keo lá mít, keo lai, chia theo từng lô đơn điệu. Lô này một màu xanh non, lô kia mới thu hoạch, trơ trụi một khoảng rừng. Cảnh xưa vật cũ chỉ còn là hoài niệm với lớp tuổi già và câu chuyện cổ tích với lớp trẻ.

Cuộc sống vẫn tiến về phía trước. Làng (xã) cổ Đối Sơn và cả vùng non cao Tây Yên Tử trở nên hiện đại hơn với đủ điện - đường - trường - trạm. Di sản xưa và cuộc sống hôm nay, cái gì còn, cái gì mất? Cái gì phải loại bỏ, cái gì cần kế thừa, trùng tu, xây dựng lại, tiếp nối và phát triển? Hy vọng làng (xã) cổ Đối Sơn cùng các xã vùng Mai Sưu - Tây Yên Tử mãi giữ được cảnh quan vùng quê non cao, yên ấm, thanh bình…

THE0 BÁO BG

Làng cổ Đối Sơn - Dấu xưa bên sườn Yên Tử
0 Bình luận

Loading...