Trải nghiệm du lịch sinh thái, nông nghiệp tại điểm du lịch trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang

25 Tháng 9, 2024 | Vùng đất con người Bắc Giang

Du lịch sinh thái gắn nông nghiệp là loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Đây là sản phẩm du lịch được dựa chủ yếu trên của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp; khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch. Kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp mà cùng với du lịch sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng và góp phần phát triển bền vững hơn cho địa phương.
Bắc Giang là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc với những tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng và phong phú về loại hình. Tỉnh có gần 80% diện tích đất nông nghiệp trong tổng số 389.589 ha diện tích đất tự nhiên, do vậy phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái, du lịch nông nhiệp, nông thôn nói riêng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với loại hình du lịch sinh thái - nông nghiệp, Bắc Giang đã và đang hình thành không gian phát triển trên vùng cây ăn quả tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên... Đặc biệt với thương hiệu “Về miền trái ngọt” huyện Lục Ngạn đã thu hút được đông đảo du khách đến với huyện nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung... Đến nay, Bắc Giang đã hình thành 01 khu và 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận trong đó có điểm du lịch sinh thái trường Đại học Nông Lâm.
Điểm du lịch trường Đại học Nông - Lâm nằm trên địa bàn phường Bích Động, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trên trục đường Quốc lộ 37 từ Bắc Giang đi Thái Nguyên, cách Hà Nội 45 km về phía Đông Bắc là địa điểm thuận lợi về hệ thống thông tin liên lạc và giao thông. Đây là địa điểm đẹp để khách tham quan, check in, tham gia khám phá, trải nghiệm hòa mình vào hệ sinh thái nông nghiệp. Du khách đến với khu du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được tham gia trải nghiệm và học tập thông qua nhiều hoạt động bổ ích, giúp du khách gần gũi với thiên nhiên, được vận động, khám phá những điều mới lạ.
 Triển lãm Hoàng Sa – Trường Sa
 Triển lãm là nơi để cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, gồm: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (thế kỉ XVI – XIX); bản trích và Châu bản triều Nguyễn; bản đồ xuất bản tại phương Tây và Trung Quốc xuất bản (thế kỉ XVI-XX) ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; các hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Trải nghiệm tại vườn hoa
Trường có diện tích hơn 2ha vườn hoa được trồng đa dạng các loại cây, hoa và các mô hình cho du khách check in và hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng với các bông hoa màu sắc rực rỡ. Vườn hoa được trồng quanh năm với các loài hoa khác nhau như: Hoa hướng dương, hoa cánh bướm, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa cẩm tú cầu, hoa sen… Đến nơi đây, du khách được chiêm ngưỡng các loài hoa quanh năm đua sắc. Đặc biệt, các bạn nhỏ sẽ được nghe giới thiệu về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, có cơ hội được trải nghiệm thực tế trồng hoa theo thứ tự các bước, từ việc lấy đất, gieo hạt, trồng cây vào trong bầu và mang về chăm sóc để nảy mầm, ra hoa theo hướng dẫn kỹ thuật của các bác nông dân. Hoạt động này giúp các bạn biệt được quy trình và giá trị của nghề nông nghiệp đối với cuộc sống của con người.
Trải nghiệm khám phá rừng cây và ngắm đảo cò tự nhiên
Du khách đến với điểm du lịch trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có cơ hội được đi bộ xuyên rừng cây xanh và ngắm vườn cò hoàn toàn tự nhiên với 14 loiaf chim nước và hơn 10.000 cá thể sinh sống. Đây là hệ thống sinh thái vườn cò tự nhiên duy nhất trong hệ thống các trường Đại hoạc, Cao đẳng trên cả nước, là khu bảo tồn cấp quốc gia. Trải nghiệm này giúp du khách khám phá thiên nhiên hoang dã, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên.
Trải nghiệm tại vườn nho
Khu trải nghiện Nông - Lâm có vườn nho lớn nhất, và loại nho Hạ đen là loại nho duy nhất được Nhà nước cấp bằng bảo hộ độc quyền. Đây là giống nho không hạt, khi chín có màu đen, có vị ngọt thơm vô cùng đặc sắc, là vườn nho đầu tiên ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại miền Bắc, cho thu hoạch 02 vụ, thời gian 2 vụ quả kéo dài khoảng 4 tháng trong 1 năm. Du khách đến đây có cơ hội tham quan vườn nho, tìm hiểu về cây nho, quy trình trồng và thời gian thu hoạch nho. Từ đó giúp du khách hiểu được việc trồng cây phải đảm bảo được thời gian và quy trình để có thể cho ra những loại quả tốt nhất, ngon nhất, dinh dưỡng nhất cho du khách thưởng thức.
Trải nghiệm hoạt động teamwork
Điểm đặc biệt khi đến với điểm du lịch trường Đại học Nông – Lâm là ở đây có các hoạt động trải nghiệm dành cho các bạn nhỏ như: trò chơi văn hóa dân gian kéo co, nhảy bao bố, viết thư pháp; các hoạt động teamwork khác như bé tập làm công an, bộ đội, lính cứu hỏa…. Thông qua các hoạt động của các bạn nhỏ được học cùng nhau làm việc theo nhóm, làm việc tập thể để nâng cao tinh thần đoàn kết.
Trải nghiệm câu cá
Diện tích mặt nước khoảng 20ha được sử dụng cho mục đích câu cá giải trí, thư giãn và trải nghiệm khoảng 10ha. Du khách đến hồ có thể sử dụng dịch vụ trải nghiệm câu cá thư giãn, nướng cá tại bờ hồ, cắm trại và vui chơi tại bờ hồ hoặc có thể mua cá tại hồ để thưởng thức sản phẩm cá tự nhiên.
Điểm du lịch Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang với sức chứa 1.000 du khách cùng không gian thoáng đãng, hòa mình với thiên nhiên, điểm du lịch Đại học Nông - Lâm hứa hẹn sẽ là một không gian mở vô cùng thú vị, mới mẻ và an toàn cho các bạn học sinh và du khách đến tham quan. Hiện nay điểm du lịch sinh thái trường Đại học Nông Lâm là nơi  kết nối với Làng Cổ Thổ Hà, chùa Bổ Đà, tạo thành tuyến du lịch đặc trưng của thị xã Việt Yên
THEO MYBACGIANG.VN
Trải nghiệm du lịch sinh thái, nông nghiệp tại điểm du lịch trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...