Vào mùa hè, nếu Mộc Châu có trải nghiệm hái mận thì Bắc Giang cũng có trải nghiệm hái vải và thưởng thức tại vườn.
Mùa vải trĩu cành ở Bắc Giang. |
Nguyễn Thị Thanh Thương (22 tuổi) sớm 13/6 cùng bạn bè chạy xe máy khoảng hai tiếng từ Hà Nội đến hái vải tại vườn ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn. Lần đầu tiên Thương được chiêm ngưỡng vườn vải có diện tích lớn khoảng 5 ha, với những cây vải cao 5-10 m, tán hình mâm xôi, được trồng thành từng hàng. Cây vải nhiều lá nên nhìn từ xa không thấy rõ quả. Nhưng khi đến gần, những chùm vải đã chín gần hết. Một vài cành nặng trĩu, phải dùng gậy chống để quả không chạm đất, tránh gây thối, hỏng.
Lục Ngạn và Tân Yên là hai huyện trọng điểm trồng vải thiều của "thủ phủ vải" gần 30.000 ha Bắc Giang. Tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập vải thiều Lục Ngạn lọt danh sách đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á theo bộ tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á. Đến huyện Lục Ngạn, du khách có thể dễ dàng thấy những đồi vải trập trùng, quy hoạch gọn gàng. Hàng năm, vào thời điểm này, những con đường tại Lục Ngạn được nhuộm đỏ bởi những chiếc xe chở vải thu hoạch.
Bạn trẻ trải nghiệm mùa vải thiều ở Bắc Giang. |
Hình thức du lịch miệt vườn mùa vải được tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh để quảng bá và tiêu thụ vải thiều. Hiện toàn huyện Lục Ngạn có hơn 200 hợp tác xã (HTX) trồng vải, đón khách tham quan, cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí cho du khách. Các tour du lịch tại huyện Lục Ngạn sẽ kết hợp trải nghiệm vườn vải và tham quan các danh lam thắng cảnh như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, suối và núi rừng.
"Mình cứ đưa máy lên chụp xong là bóc vải ăn luôn. Thịt quả dày, màu trắng ngà. Cắn vào cảm giác ngập nước, ngọt và thơm, khiến mình muốn 'chén' cả cân mà phải kìm lòng lại vì sợ nóng", Thương chia sẻ về trải nghiệm ở vườn vải.
Thanh Thương lần đầu tiên trải nghiệm hái vải tại quê hương vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang. |
Cành vải nằm thấp nên chỉ cần đưa tay lên là có thể hái được quả. Quả vải to, màu đỏ tươi, nhìn bằng mắt thường hay chụp ảnh đều nổi bật.
Thương cho biết thưởng thức vải tại vườn thú vị và ngon hơn ăn quả mua ngoài chợ hay trong các siêu thị. Vải tươi ăn tại vườn sẽ có vị thanh và ngọt hơn, trong khi vải mua ngoài có vị hơi chua.
Trải nghiệm hái vải tại Lục Ngạn cho Thương cảm giác giống như về những miệt vườn miền Tây hái quả. "Đến vườn hái vải vừa được ăn quả lại vừa có ảnh check in đẹp. Nếu được mắc võng nằm dưới những tán cây vải, với tay lên là có thể ngắt quả để ăn còn tuyệt hơn", Thương chia sẻ.
Thương cũng mua vải về làm quà. Một kg vải mua tại vườn giá 30.000 đồng, mua từ 20 kg trở lên giá 20.000 đồng. Trước đó, Thương đã mua vé vào cửa 60.000 đồng.
Theo Thương, đây là trải nghiệm thích hợp vào cuối tuần, có thể đi về trong ngày. Thời điểm hợp lý nhất để tham quan mùa vải là buổi sáng, nhưng lưu ý nên ăn sáng trước khi ăn vải. Ăn vải vào lúc đói khiến lượng đường trong cơ thể tăng cao đột ngột, dễ dẫn đến hiện tượng bị "say vải", choáng, chóng mặt, buồn nôn. Bản thân Thương cũng bị cồn ruột sau khi ăn vải nên cả đoàn nghỉ ngơi và ăn trưa sớm. Theo cổng thông tin điện tử Sở Y tế Bắc Giang, khi ăn vải, người lớn không nên ăn quá 10 quả, trẻ em chỉ nên ăn 3 - 4 quả. Khi bị say nên uống một cốc nước đường để cải thiện tình hình.
Đại diện vườn vải nơi thương trải nghiệm cho biết hoạt động hái vải thu hút khách ở mọi lứa tuổi, cả khách nội địa và khách ngoại quốc, các nhóm khách tự túc hoặc các công ty, cơ quan đến tổ chức team building. Cuối tuần là thời điểm lượng du khách đông nhất, ước tính trung bình từ 500 - 1.000 lượt khách.
Khoảng 10 ngày tới, vải tại các vườn, đồi sẽ chín rộ. Mùa vải chỉ kéo dài trong khoảng 2-3 tuần. Đa phần các tour cũng chỉ tổ chức trong thời gian này, là cao điểm mùa vải nên du khách cần tranh thủ thời gian đến trải nghiệm. Gần cuối tháng 7, mùa vải sẽ kết thúc.
Theo một đại diện HTX Du lịch trải nghiệm xã Thanh Hải (Garden Viet) ở thôn Bồng 2, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ngoài hái vải, du khách có thể trải nghiệm cắm trại tại vườn vải; tham gia tour hái vải đêm vào lúc 1 - 2 giờ sáng cùng người dân; đi thuyền chụp ảnh, ghé thăm các đảo trồng vải trên hồ; tham gia thu hoạch sáp ong, lấy mật ong hoa vải thủ công cùng người dân.
Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức ẩm thực, các đặc sản địa phương nổi tiếng như thịt gà đồi, nem ngựa, mỳ chũ, tôm cá, mật ong vải thiều và các món ăn, nước uống từ vải.
Loading...