Về quê ăn tết

15 Tháng 2, 2016 | Vùng đất con người Bắc Giang

Về quê ăn tết
Gia đình- hai tiếng gọi thân thương mà đối với những người xa quê cứ mỗi lần nhắc đến lại thấy xốn xang và rạo rực. Dù ở xa cách mấy, vất vả bao nhiêu đi nữa thì chỉ cần nghe đến hai tiếng ấy thôi cũng đủ làm cho lòng mình cảm thấy nhẹ nhõm, ấm áp đến lạ kỳ.
Như một quy luật tự nhiên, hễ tết đến xuân về lòng lại hướng về gia đình, làng xóm… như lá rụng về cội, nước từ suối đổ ra sông, về biển.
Về nhà, để thấy cảnh sum vầy, để được tỉ tê tâm sự. Về nhà để tìm thấy cho mình một góc bình yên nhất thế gian. Về để ôn lại tình cảm gia đình, để hoài niệm lại cuộc sống ngày xưa của những ngày thơ bé, để tìm lại những trò chơi, nhớ lại những bạn bè thời để chỏm; về nhà để anh em, con cháu sum vầy, để được ngắm mảnh vườn xưa, để được đến thăm bà con lối xóm; về là để thắp hương tổ tiên, để tưởng nhớ hương hồn ông bà, cha mẹ…
Năm nào cũng vậy cứ đến đầu tháng chạp, ai nấy cũng loay hoay, chộn rộn, đôn đáo chuẩn bị cho một cuộc hồi hương. Nào mua sắm cái khăn, cái mũ tặng người già, nào mua quần mua áo cho trẻ em. Kẹo bánh, mứt tết cho gia đình, họ hàng… Để ngày cuối chạp lỉnh kỉnh đưa nhau về quê ăn tết. Có nhà thì đóng cửa trên thành phố kéo cả gia đình về làng xưa, xóm cũ. Nào sinh viên, học sinh, nào công nhân xa nhà còn đặt vé tàu, vé xe từ mấy tháng trước... Ấy vậy mà cũng có người vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê được cứ ngậm ngùi khóc thầm, nước mắt chảy vào trong. Ngược lại có những gia đình, có những người lại từ bỏ cả quê kéo nhau đi du lịch ở nước ngoài. Thậm chí có những gia đình anh em con cháu đề huề, trót bán đất ở quê nay không có chỗ mà về. Cả năm, anh em ruột thịt đấy, con cháu đấy, chả có chỗ để đoàn tụ được nhau. Cơ chế thị trường, xã hội ngày nay cũng tạo cho con người ta muôn màu muôn vẻ… Tôi bỗng nghĩ tới anh bạn, xa quê đến chục năm đi làm ăn ở nước ngoài, lỡ cơ, thất thế mà ngần ấy thời gian không được nhìn thấy mặt vợ, mặt con, biền biệt nơi đất khách quê người. Đến khi bạn bè gom góp tiền cho anh về nước mà mừng rơi nước mắt. Không biết còn bao người như anh nữa vì cuộc sống mưu sinh chỉ biết lau đi những giọt nước mắt mà mong ngóng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Nghĩ lại mình, tôi tự thấy mình quá hạnh phúc vì năm nào cả gia đình cũng được về quê ăn tết. Dù tết to hay tết nhỏ nhưng chúng tôi cũng cố gắng tạo nên không khí tết quê để cháu con nhớ lại hình ảnh của ông bà, bố mẹ nó đã có những ngày tết đạm bạc mà đầm ấm thế nào.
Cuộc đời khó nói trước được điều gì. Bởi vậy, mỗi lần thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, mỗi lần đi lễ đình, lễ chùa đầu năm tôi cũng luôn cầu cho gia đình bình an, đoàn kết, hạnh phúc và sức khỏe. Xong chính chúng tôi, anh em cũng tự nói với lòng mình- tất cả hãy tự mình, tự mọi người hãy giữ gìn truyền thống gia đình mà phấn đấu- đó là điều hạnh phúc nhất. Và chính chúng tôi và chắc chắn cũng như mọi người đều thấy: Nơi nào luôn làm cho ta cảm giác an toàn, ấm áp hạnh phúc nhất thì đó chỉ có thể là gia đình. Nếu có ai luôn giang tay đón chờ và che chở cho ta dù việc gì xảy đến, nếu có người nào trao cho ta thứ tình yêu vô điều kiện và vĩnh cửu thì không ai khác đó là bố mẹ, là người thân, là bạn bè thân thiết nhất. Nếu khi vui buồn hay hạnh phúc, khi thành công hay thất bại, khi mất niềm tin hay tràn trề nhựa sống mà không có nơi nào để gửi gắm chia sẻ ta hãy nghĩ đến gia đình.
Hơi ấm ở gia đình ấy, ở những người sống trong gia đình ấy đủ kỳ diệu để giúp ta trưởng thành và khiến ta hạnh phúc.
Tết đến, chúng ta hãy về quê, hãy về nhà đó là tiếng gọi của lòng nhân ái, đó là cội nguồn của làng, của nước./.
Ngô Văn Trụ
0 Bình luận

Loading...