Về Yên Dũng thưởng thức món đặc sản cua Da

19 Tháng 10, 2022 | Vùng đất con người Bắc Giang

Về Yên Dũng thưởng thức món đặc sản cua Da
Những ai đã từng một lần thưởng thức cua da Yên Dũng, hương vị ngọt, ngậy, béo thơm sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách trước món đặc sản này.

Khoảng từ đầu tháng 9 - 10 âm lịch hàng năm, khi những đợt gió heo may bắt đầu thổi về se lạnh, báo hiệu thời tiết đang giao mùa thu chớm sang đông. Mùa săn, bắt cua da ở Yên Dũng ( Bắc Giang) bắt đầu vào vụ. Ai đã từng một lần thưởng thức cua da Yên Dũng, hương vị ngọt, ngậy, béo thơm sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách trước món đặc sản này.

Loài cua Da sống trong các khe ghềnh, hốc đá dưới lòng sông Cầu đoạn chảy qua địa phận một số xã của huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như: Xã Đồng Việt; Đồng Phúc; Thắng Cương. Người dân Yên Dũng gọi là cua Da, do chân cua có lớp lông, hai càng có lông rêu phủ bám, yếm cua cũng có lớp diềm rêu. Có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cái tên cua Da vẫn được gọi phổ biến và thông dụng hơn cả. Về hình thức cua Da cơ bản giống loài cua đồng, thân to gần bằng con ghẹ, chân dài, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng, trung bình cua Da có trọng lượng khoảng từ 70 gam - 200 gam/con. Cua Da còn có một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua.

Một số hình ảnh về cua Da Yên Dũng.

Theo những ngư dân miền sông nước Yên Dũng cho biết, để săn bắt được thứ đặc sản này dưới lòng sông sâu, những thợ “ săn cua” và người dân làm nghề sông nước phải vất vả, nhọc nhằn sớm khuya. Kỳ công tìm hiểu rất kỹ về môi trường sống, đặc tính sinh trưởng và phát triển của nó mới bắt được chúng. Cua Da sống ở đáy sông, muốn đánh bắt được chúng người “ thợ săn cua” phải sử dụng lưới bát quái, khi nước to cua nổi, đi lại nhiều, nước rút cua Da nằm một chỗ, ít di chuyển nên rất khó đánh bắt. Trước đây, loại cua này có rất nhiều ở đoạn sông Cầu thuộc địa phận các xã Đồng Việt, Đồng Phúc và Thắng Cương. Mỗi đêm, các thuyền săn cua đánh bắt được cả tạ không khó. Mấy năm gần đây, số lượng ngư dân hành nghề săn bắt cua Da nhiều hơn trước. Cua Da ăn rất ngọt, kèm vị ngậy béo, hương thơm hấp dẫn, thịt giàu dinh dưỡng khiến nhiều du khách “ ăn là nghiện” tạo ra sức hút thị trường tiêu thụ ngày một tăng mạnh hơn. Số lượng cua Da sinh sản, phát triển ngày một giảm dần, mặc dù thưởng thức món đặc sản này có giá tiền không hề rẻ.

“ Về mùa cua Da, bình quân mỗi ngày mình tiêu thụ ít thì 50 - 70 kg, nhiều hơn thì khoảng 1,2 - 1,5 tạ. Giá thị trường hiện nay: Cua đực khoảng 4 - 5 con 1 kg có giá từ 580.000 - 600.000 đồng/kg; loại cua cái khoảng 7 con 1 kg, giá từ 630.000 - 650.000 đồng/kg; loại 8 - 9 con 1 kg, giá từ 550.000 - 570.000 đồng/kg”, - Chị Nguyễn Thị Trang, sinh năm 1987 ở xã Tiền Phong ( huyện Yên Dũng ) có 5 năm kinh nghiệm trong nghề buôn bán cua Da chia xẻ.

Cũng theo chị Trang, để đảm bảo thu mua được số lượng cua lớn, đáp ứng phục vụ nhu cầu khách hàng các tỉnh, chị phải đặt hàng gom từ các thợ “ săn cua”. Ngày nào chị Trang cũng phải dậy từ 4 - 5giờ sáng để xuống các bến sông gặp các “thuyền săn cua” gom lấy hàng về cho kịp buổi sáng đóng gửi đi cho khách các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương…

Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Tiền Phong ( huyện Yên Dũng) lấy cua Da từ các thuyền dưới sông lên.

Theo kinh nghiệm chế biến và sành ăn về thưởng thức cua Da của người dân vùng sông nước Yên Dũng. Cua Da được chế biến được thành nhiều món ăn như: Lẩu cua, cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên giòn, cua rán tẩm bột, cua giã nấu canh…Song nếu ăn cua Da ngon nhất là làm món lẩu cua và cua hấp bia. Trước khi chế biến phải bỏ cua vào thùng, xả nước, xóc mạnh cho sạch. Mỗi con cua có trọng lượng khoảng từ 70 gam - 200 gam, được xếp vào nồi, cho thêm ít bột canh và xả, gừng, rót bia sâm sấp bề mặt cua rồi đặt lên bếp đun lửa nhỏ. Đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho bồng bia lên vài phút thì bắc ra. Việc đun nhỏ lửa để giữ cho càng, chân cua không bị rụng khỏi thân, giúp gia vị ngấm vào thân cua giúp khử đi mùi tanh. Khi bỏ ra cua đĩa có màu vàng cam, một cảm giác thật hấp dẫn. Thịt cua Da rất ngọt, có mùi thơm nức xen lẫn vị béo. Mai cua mềm hơn các loại cua khác, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn cua không cần dùng đến kẹp để bẻ như các loài cua khác hay ghẹ biển. Vào ngày nghỉ, khi làn gió heo may thổi về se lạnh, được cùng bạn bè, người thân trong gia đình thưởng thức nồi lẩu cua Da bốc hơi nghi ngút, hoặc món món cua Da hấp bia thơm nức mũi thì không gì thú vị bằng. Thưởng thức món cua Da chấm kèm bột canh pha mù tạt với chanh tươi, hạt tiêu, ớt. Vài năm trở lại đây, thực đơn các món cua Da thường xuất hiện trên những bàn tiệc sang trọng trong các nhà hàng, khách sạn. Hiện nay, số lượng cua Da không nhiều để cung cấp phục vụ du khách, nếu muốn thưởng thức món đặc sản này, khách phải báo trước để nhà hàng chuẩn bị. Một nồi Lẩu cua Da cho một mâm khoảng 6 người ăn có giá khoảng từ 1,5 - 1,8 triệu đồng /01nồi ( kèm đủ các loại gia vị, chưa tính đồ uống).

Đặc sản cua Da Yên Dũng bổ dưỡng được chế biến món ăn hàng ngày và đưa lên bàn tiệc.

Về thăm miền quê Yên Dũng mùa này ngoài được thưởng thức món đặc sản từ cua Da ấn tượng giữa tiết trời cuối thu se lạnh chớm đông. Du khách còn được thỏa sức lựa chọn tới tham quan các địa điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Vĩnh Nghiêm ( di tích Quốc gia đặc biệt tại xã Trí Yên), nơi đây từng là trung tâm chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần nhân tông sáng lập và có kho Mộc bản được Unesco công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực Châu Á Thái Bình Dương; Thăm chùa Kem; Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; cây gạo cổ thụ “song sinh” đẹp như tranh vẽ cạnh ngôi miếu Bà Cô ( thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn) thờ nữ tướng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế ( Bắc Giang ) giai đoạn 1884 – 1913.

Theo mybacgiang.vn
0 Bình luận

Loading...