NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG LỄ CƯỚI NGƯỜI DAO Ở SƠN ĐỘNG

03 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Đối với nhiều dân tộc thiểu số, trong nghi lễ vòng đời, lễ cưới là một nghi lễ quan trọng. Nếu lễ cưới của người Kinh thường diễn ra vào mùa Thu-Đông thì lễ cưới các dân tộc thiểu số được chọn vào lúc thu hoạch xong mùa nương rẫy. Mùa ấy cũng là đồng thời diễn ra nhiều hoạt động lễ hội  khác như lễ mừng mùa, lễ chúc phúc, lễ tạ ơn thần linh...Lễ cưới tuy diễn ra trong khuôn khổ hai gia đình nhưng có sự đóng góp to lớn của cả cộng đồng. Lễ cưới của người Dao chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp nhất là nghi lễ, tập tục hay, lạ, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi và đặc biệt là trang phục, trang sức của cô dâu trong lễ cưới.                                                               

NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG LỄ CƯỚI NGƯỜI DAO Ở SƠN ĐỘNG

Tục hôn nhân của các nhóm Dao rất đa dạng và thường trải qua sáu nghi lễ như sau: Lễ đánh tiếng, lễ dạm hỏi, lễ so tuổi và xem chân gà, lễ đoán mệnh, lễ ăn hỏi chính thức, lễ cưới. Nghi lễ cưới hỏi: Khi quyết định hỏi một cô gái cho con trai mình, nhà trai nhờ ông mối lấy cho ngày tháng năm sinh của cô gái để đi nhờ thầy cúng so tuổi cho. Lễ so tuổi (nại nhanh) có gạo và thuốc hút. Sau khi so tuổi thành công thì hẹn ngày ăn hỏi. Lễ ăn hỏi (quyết lảy) có ông mối và bố chú rể sang nhà gái xin đồ thách cưới, thông báo việc xem ngày cưới. Đi ăn hỏi nhà trai mang lễ hồm gà, thịt lợn, rượu. Trước ngày tổ chức cưới (tỉnh đảm) nhà trai cử một đoàn mang lễ sang trao cho nhà gái. Lễ thách cưới có tiền, gà, thịt lợn, rượu, gạo, chè thuốc. Đoàn đi đưa lễ trao lễ xong sẽ lại tại nhà một người quen ở gần nhà cô dâu hoặc nơi nhà gái xắp xếp cho ở gần nhà gái. Sáng hôm sau đoàn nhà trai xin đón dâu, anh trai cô dâu mang cơm cho cô dâu ăn rồi đưa cô dâu ra cửa. Các em cô dâu và họ hàng ngồi ở cổng khóc giữ lại. Khi nhà trai đưa được cô dâu ra cửa phải đi ngay. Ở người Dao sau lễ cưới cũng có lễ lại mặt.

Những chiếc khăn đội đầu cầu kỳ của người Dao

Hiện nay, một số thủ tục đã mai một dần nhưng đám cưới của dân tộc Dao ở Sơn Động vẫn giữ được ba thủ tục: Thổi kèn, Chọe đón và đưa tiễn khách; làm lễ kết duyên và lễ tơ hồng cho đôi vợ chồng trẻ. Đây là ba thủ tục được làm song song cùng trong buổi lễ kết hôn, nếu không tách rời riêng ra. Các bước cử hành gồm: Gia đình mời ông thày cúng đến làm các thủ tục kết duyên và lễ tơ hồng, lễ này được diễn ra tại nhà thờ trưởng họ sắm sửa đầy đủ lễ vật để tổ chức làm lễ; Trước giờ dâu về, thày cúng ăn mặc trang phục dân tộc cúng mời tổ tiên, báo cáo nội dung cho tổ tiên của họ nhà trai biết tên cháu trai lấy vợ, là con cháu nhà nào trong dòng họ...sau khi đoàn đón dâu về thì làm các thủ tục kết duyên; Cô dâu và chú rể mặc trang phục truyền thống để làm lễ. Các thủ tục này diễn ra đều nhờ thày cúng hướng dẫn, xong lễ tơ hồng hai họ sẽ tiếp tục uống rượu chúc mừng đám cưới. sau bái đường thì đại diện hai họ sẽ ngồi trước ban thờ cúng để uống rượu và phá cỗ, vừa ăn vừa có ý kiến dạy bảo cô dâu chú rể để vợ chồng hòa thuận, sống hạnh phúc, hiếu nghĩa.

Phụ nữ Dao mặc những bộ trang phục truyền thống thêu tay cầu ky trong lễ cưới

Xu hướng phát triển của gia đình dân tộc Dao Sơn Động là: Con trai sau khi lập gia đình nếu có điều kiện thì tách ra ở riêng, thường dựng nhà gần nhà bố mẹ, được bố mẹ chia tài sản (ruộng, trâu, gia cầm) làm vốn ban đầu nhằm bảo đảm cuộc sống. Trong gia đình người chồng lo những công việc lớn như lập kế hoạch làm ăn, làm nhà, cúng bái, săn bắn, đối ngoại. Người vợ đóng vai trò chính về nội trợ, quản lý kinh tế, may vá thêu thùa, giáo dục con cái. Công việc nương rẫy, ruộng vườn cả hai vợ chồng cùng gánh vác.

Lễ cưới của dân tộc Dao huyện Sơn Động chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất cần được nâng niu gìn gữ. Ngày nay, tùy theo từng nơi, điều kiện gia đình mà việc tổ chức lễ cưới hỏi được mở rộng hay gọn nhẹ. Nhưng các thủ tục cưới hỏi theo phong tục truyền thống thì vẫn được giữ gìn, đó là nét văn hóa độc đáo của người Dao huyện Sơn Động./.

 Trần Thùy Nhung

 

 

0 Bình luận

Loading...