Đi chợ tình dịp đầu năm
Người Nùng có vốn văn hóa dân gian phong phú, phong tục tập quán của bà con cũng có những nét độc đáo, khác biệt với một số dân tộc khác cùng cư trú trên địa bàn. Người Nùng trong một năm có các ngày lễ, tết chính: tết Nguyên Đán; tết thanh minh 3/3 âm lịch, tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, tháng 7 có tết xá tội vong nhân, lễ cúng thổ công đầu năm. Tết cộng động có lễ hội cầu mùa, lễ hội hát sli, soong hao tại chợ tình Tân Sơn.... Các lễ hội này thường được diễn ra vào dịp đầu năm và đến nay những nét đẹp văn hóa truyền thống này vẫn được đồng bào Nùng gìn giữ và bảo tồn.
Cũng như nhiều dân tộc khác người Nùng ăn tết Nguyên đán từ 28 tháng chạp đến hết rằm tháng giêng. Việc chuẩn bị tết được tiến hành từ trước tết nhiều ngày để khi tết đến, họ không phải làm gì mà vẫn có đủ mọi thứ cho ngày tết. Để đón mừng năm mới ngày 28, 29 mỗi gia đình thịt một con lợn(to hay nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, phụ thuộc vào số người trong gia đình và khách của gia đình nhiều hay ít). Thịt lợn xong ăn lòng, gan trước, số thịt còn lại thường được ướp muối hoặc rán kỹ để ăn dần cho đến hết tháng giêng. Ngày 30 tết mọi gia đình đều làm cỗ cúng tổ tiên mời tổ tiên cùng về ăn tết với con cháu và để xin tổ tiên phù hộ cho con cháu gặp những điều tốt lành. Ngày 30 cũng là ngày để các gia đình trang trí nhà cửa thường người Nùng dán giấy đỏ tất cả các nơi chính trong nhà như bàn thờ, cửa ra vào, cửa buồng, khu chuồng trại chăn nuôi...đều được chủ nhà dán từ 5 đến 7 tờ giấy đỏ. Đồng bào quan niệm rằng làm như vậy sẽ đem lại sự may mắn cho cả gia đình. Ngày mồng một tết đồng bào cúng tổ tiên và ông Táo bằng xôi, gà hoặc thịt lợn. Trong ngày mồng một mọi người thường ở nhà không ra ngoài và cũng không đến nhà nhau để tránh điều không may cho gia đình. Từ ngày mồng hai tết đồng bào mới đi chúc tết và thăm hỏi nhau. Tiếp đến những ngày sau đó thanh niên nam, nữ rủ nhau đi chợ như chợ Chũ, chợ Biển Động, chợ Tân Sơn...để vui chơi và ca hát.
Chợ phiên Tân Sơn
Đặc biệt người Nùng còn có tục thờ thần thổ công vào ngày đầu năm mới mỗi gia đình chuẩn bị một mâm lễ vật cùng các loại bánh của gia đình làm đem ra miếu của làng thờ thần thổ công. Sau khi mọi người đến đông đủ dân làng cử một người cao tuổi có uy tín chịu trách nhiệm duy trì tục lệ này, xếp các mâm cỗ theo thứ tự từ trong ra ngoài. Khi sắp xếp xong tiến hành thắp hương làm lễ cúng thần thổ công. Sau khi cúng xong tiến hành hóa vàng, đến đây phần lễ đã xong mọi người bày mâm lễ của mình cùng nhau ăn uống, vui vẻ trò chuyện về các công việc hàng ngày và những dự định sắp tới. Đây cũng là dịp để mọi người trao đổi học tập, thăm hỏi lẫn nhau, đưa ra kinh nghiệm làm ăn và chúc tụng nhau may mắn dưới sự chứng kiến của vị thổ thần của làng.
Tết mồng 3 tháng 3 (Tết thanh minh): Tiếng dân tộc gọi là Len xổ xán. Tết này là để tưởng nhớ tới những người thân đã quá cố. Đồng bào đi dọn mộ cho người thân, sửa sang lại mồ mả, quyét dọn sạch sẽ xung quanh mộ phần. Vào dịp này đồng bào thường cúng xôi ba màu và gà. Để có xôi đỏ đồng bào dùng lá thau thau lấy về giã nát ngâm trong nước, sau đó lọc nước để ngâm gạo nếp. Khi gạo đã ăn mầu thì vớt ra để giáo nước đem đi đồ xôi. Để có màu xôi đen, đồng bào cũng dùng lá thau thau xong lấy độ đậm đặc hơn để ngâm gạo. Màu đỏ đậm sẽ tạo thành màu đen cho xôi. Đồng bào dùng củ nghĩa hoàng giã nát ngâm nước để tạo màu vàng. Đồ ba loại xôi này riêng biệt. Khi xôi chín mới trộn lẫn tạo thành xôi ba màu xen kẽ rất đẹp mắt. Nấu xôi xong đồng bào cúng tại nhà rồi mang ra mộ cúng.
Chợ phiên được họp vào các ngày lê âm lịch trong tháng
Tết mồng 5 tháng 5(Tết trừ sâu bọ): Tiếng dân tộc gọi là Len xổ hà vào dịp này người dân thường cúng bánh gio đỏ và cúng trong buổi sáng khoảng từ 8 đến 9 giờ. Con cháu tập trung tại nhà bố mẹ đẻ rồi cùng đi đến nghững ngôi mộ của gia đình để thắp hương, dọn cỏ và đốt vàng mã cho người chết rồi cùng nhau ăn uống tại nhà cha mẹ. Tối đến, họ lại sắp lễ “ tam sinh” cúng bái ở nhà từng người.
Ngày 14 -15 tháng 7 là tết xá tội vong nhân(bớn chắt khíp xi): Tết này đồng bào cúng bằng vịt và bánh vắt vai. Trong tết này, người ta cắt quần áo bằng giấy màu đặt lên bàn thờ để cúng cho ông bà tổ tiên, cúng xong thì đốt ngay trước ban thờ.
Những ngôi nhà cổ người Nùng ở Bắc Hoa
Cùng với các ngày lễ tết đồng bào Nùng còn có các lễ hội cộng đồng như lễ hội cầu mùa đó là một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Nùng.
Theo phong tục, cứ đến ngày lễ cầu mùa bà con dân bản lại chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng các vị thần linh và thổ công thành hoàng. Đây chính là sản phẩm đặc trưng của đồng bào Nùng, những món ăn đậm đà hương vị quê hương.
Chính giờ lành, chủ lễ đại diện cho cộng đồng dân bản thắp nén hương thơm, dâng rượu và thực hiện các nghi thức khấn lễ, cầu mùa “làm gì cũng được, ước gì cũng nên, mùa màng bội thu, trâu bò đầy chuồng, lộc phúc muôn nơi, người người hạnh phúc”…
Sau khi kết thúc nghi lễ cúng các gia đình hạ lễ rồi cùng nhau ăn uống, vui chơi ca hát. Đây không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để người dân cùng ngồi lại với nhau ăn uống, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đó là biểu hiện của sự đoàn kết, nhất trí, gắn kết cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm của người dân trong bản làng.
Nghề dệt ở Bắc Hoa. ảnh: Hà Yến
Người Nùng có nền văn hóa dân gian phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca giữ vị trí trung tâm. Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng, trong đó hát Sli, hát soong hao là một trong những thể loại hay nhất trong kho tàng dân ca của dân tộc Nùng. Vào các dịp lễ, tết đầu năm trai, gái lại dủ nhau đi chơi chợ Chũ, chợ Biển Động, chợ Tân Sơn (hay còn gọi là chợ tình). Đi chơi chợ không chỉ để mua bán trao đổi hàng hóa mà còn để gặp gỡ tâm tình, được vui chơi, ca hát. Vào ngày này trên khắp các sườn đồi, bờ suối, đều vang lên âm thanh thiết tha của những chiêc kèn môi gọi bạn, những câu hát sli, lượn, soong hao...những tràng trai những cô gái trong sắc áo chàm xanh như màu núi rừng quê hương ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, độc đáo nhất để đến chợ. Cũng trong dip này nhiều đôi trai gái gặp gỡ, hò hẹn rồi nên duyên vợ chồng. Có thể nói Chợ Chũ, hay Chợ Tình Tân Sơn mang dấu ấn đậm nét của văn hóa cộng đồng dân tộc Nùng … đó là nét văn hóa lâu đời của ông cha để lại đến nay vẫn được gìn giữ và bảo tồn.
Ngày nay cuộc sống kinh tế ngày càng phát triển song cộng đồng người Nùng vẫn có ý thức và gìn giữ được nhiều phong tục mang đậm bản sắc dân tộc, địa phương mình. Tuy nhiên để các phong tục đó phát huy được tác dụng của nó trong đời sống hiện nay cần phải có sự quan tâm hơn nữa của các ngành các cấp về chính sách đầu tư, cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống của người dân cũng như bảo vệ và gìn giữ truyền thống văn hóa đó.
Nguyễn Thị Chang
Loading...