PHONG TỤC CƯỚI HỎI NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

02 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

           Dân tộc Nùng đứng thứ 2 về dân số trong 8 thành phần dân tộc chủ yếu của tỉnh Bắc Giang (chỉ sau người Kinh). Toàn tỉnh Bắc Giang có 73.932 người phân bố chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lạng Giang và một số ít ở Tân Yên, Việt Yên. Tại Lục Ngạn, người Nùng sinh sống ở các xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Biên Sơn, Kim Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn…Họ cũng là những cư dân di cư từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào vùng đất Lục Ngạn. Người Nùng ban đầu cư trú thành từng làng bản. Họ ở nhà sàn, tự trồng bông dệt vải nhuộm chàm và may thành quần áo để mặc. Sau này dân số tăng lên, họ ở xen canh, xen cư và chuyển dần từ nhà sàn xuống nhà trệt. Người Nùng có những nét văn hóa riêng mang bản sắc văn hóa tộc người. Hằng năm vào các mùa lễ hội, người Nùng rủ nhau đi hội để hát sli, hát lượn, soong hao làm cho văn hóa Lục Ngạn thêm đa sắc.

                                            

PHONG TỤC CƯỚI HỎI NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

Hôn nhân của người Nùng huyện Lục Ngạn là hôn nhân một vợ một chồng bền vững. Họ thường dựng vợ gả chồng cho con cái trong độ tuổi 18 đến 20. Thanh niên Nùng được tự do tìm hiểu nhau.

Cô Dâu chú rể mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới

Người Nùng huyện Lục Ngạn thường chỉ có hai thế hệ cùng chung sống vì khi con cái lớn lên, xây dựng gia đình thường được bố mẹ cho ra ở riêng ngay để ổn định cuộc sống và có điều kiện phát triển kinh tế. Trong gia đình người Nùng tính chất gia trưởng phụ quyền rất cao, phản ánh rõ nét trong đời sống hàng ngày trên mọi lĩnh vực, điều này không chỉ biểu hiện qua vai trò của người bố, chồng: Người cha là người quyết định mà còn biểu hiện rõ rệt trong việc phân chia tài sản chỉ có con trai mới được quyền thừa kế. Việc phân chia tài sản được tiến hành khi bố mẹ về già hay đã qua đời hoặc khi một trong những người con trai một những người con trai cùng vợ con tách ra ở riêng. Con trai trưởng được nhận phần nhiều hơn và ở chung với bố mẹ, có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ. Khi bố mẹ đã khuất bóng thì lo tang ma, cũng giỗ.

Người phụ nữ trong gia đình ở địa vị thấp hơn nam giới, trong gia đình người phụ nữ phải tuân thủ những quy tắc chặt chẽ như: Không được đi ngang qua phía trước ban thờ trong nhà, không ngồi vào chỗ tiếp khách của nam giới ở gian ngoài, không ngồi cùng chiếu với bố, anh chồng, không được đến chỗ ngủ dành riêng cho bố, chú, bác chồng. Thường bố, anh chồng không bao giờ vào buồng con dâu, không trực tiếp đưa đồ cho con dâu mà phải để vào một chỗ, con dâu tự lấy. Quan hệ con rể và mẹ vợ cũng diễn ra tương tự.

Mọi sinh hoạt của người phụ nữ chỉ ở trong phạm vi phần trong của nhà, con gái hay con dâu chỉ tiếp khách nữ ở trong buồng, bếp. Mọi hoạt động đi lại của con gái phải hết sức thận trọng, khi ngồi phụ nữ không được quay lưng vào bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm của người Nùng họ nội lúc nào cũng quý hơn họ ngoại.

Trong quá trình định cư, sinh sống người Nùng huyện Lục Ngạn đã có nhiều biến đổi để thích nghi với môi trường tự nhiên và xã hội, tuy nhiên họ vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống. Bao gồm cả giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn.

Người Nùng huyện Lục Ngạn trước đây, tục lệ cưới xin có nhiều nghi thức, nghi lễ phức tạp và nghiêm ngặt. Để tiến tới một đám cưới phải qua các bước như sau:

+ Lễ dạm ngõ (khăm lúa) là nhà trai sang nhà gái dò hỏi xem ý tứ bên nhà gái có gả con cho con trai mình không? Lễ vật mang sang nhà gái gồm 1kg thịt lợn và một chai rượu. Cuộc này chỉ có bố hoặc mẹ nhà trai sang.

+ Lễ đặt gánh (tạch xen): Nhà trai đem theo sang nhà gái một số lễ vật như sau: gồm 2kg thịt lợn, hai chai rượu, một bao thuốc, một gói kẹo. Lễ này cũng chỉ có bố hoặc mẹ sang nhà gái. Nhà trai chính thức đến dạm hỏi dâu và nhà gái nhận lời.

+ Lễ lấy lá số (au mình): Lại mang lễ vật như lần trước sang nhà gái, người đến nhà gái vẫn là bố hoặc mẹ của người con trai. Lần này nhà trai muốn biết sự trả lời chính thức của nhà gái và sau đó xin lá số của cô gái (giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh). Nhà trai đem lá số về so tuổi với con trai mình. Nếu hai tuổi của đôi trai gái hợp nhau thì sẽ tiến tới hôn nhân. Ngược lại nếu không hợp, cuộc hôn nhân sẽ không thành công, trong những trường hợp này hai bên gia đình thực sự thông cảm cho nhau và quan hệ giữa hai gia đình vẫn bình thường, không có sự mặc cảm.

+ Lễ báo lá số (mình hom): Lễ vật bên nhà trai mang sang nhà gái vẫn như những lần trước, thành phân sang nhà gái lần này ngoài bố hoặc mẹ của con trai còn có thêm một người mối đi cùng. Nhà trai sang nhà gái lần này là để thông báo cho nhà gái biết lá số của đôi trai gái đã hợp nhau. Và cũng từ lễ này ông mối được nhà trai uỷ quyền cho mọi công việc giao tiếp và bàn bạc với bên nhà gái để chuẩn bị tiến hành những bước tiếp theo của hôn lễ.

+ Lễ cắt cổ gà (khả cáy): Trong buổi lễ này ông mối được nhà trai cử sang nhà gái và đem một số lễ vật: 1 đôi gà sống thiến, 1 con lợn quay khoảng 30kg, 10 chai rượu, 10kg xôi hồng. Nhà gái mời họ nội, họ ngoại đến để thông báo công việc và làm khoảng 10 mâm cơm mời mọi người cùng uống rượu ăn mừng.

+ Lễ cưới: Người Nùng tổ chức lễ cưới bên nhà gái trước một ngày, ngày hôm sau nhà trai mới tổ chức. Trong đám cưới có nhiều tục lệ như hát đối, hát xướng…(đã nêu ở phần văn hóa phi vật thể). Đám cưới là một mốc lớn của đời người cho nên được tổ chức long trọng, Mọi người đều đến chúc mừng vui vẻ, ăn cỗ, uống rượu mừng cho cô dâu, chú rể sống hạnh phúc trăm năm.

+ Lễ lại mặt: Lễ vật mang theo gồm đôi gà sống thiến, thịt lợn, rượu, một ít xôi, chè, thuốc lá. Chàng rể ở lại nhà vợ một ngày và đi thăm khắp họ hàng nhà vợ để nhận mặt. Khi đôi vợ chồng trẻ trởi lại nnà trai thì nhà gái sẽ chia nửa số lễ vật trên để nhà trai đem về chia cho họ hàng.

Lợn quay là thứ không thể thiếu trong các đám cưới người Nùng

Ngày nay các thủ tục trong đám cưới đã được đơn giản đi nhiều, người dân tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh nên có nhiều giản tiện cho phù hợp với điều kiện xã hội hiện đại, nhưng vẫn giữ được những bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc Nùng.

 Trần Thùy Nhung

 

0 Bình luận

Loading...