Những tập tục dân gian ở các vùng, miền thường có những nét chung với cộng đồng dân tộc. Song, do nhiều điều kiện sống khác nhau (lịch sử, xã hội, địa dư…) mà mỗi nơi có một sắc thái riêng trong nhận thức về nhân sinh quan và vũ trụ quan…, mặt này được thể hiện khá rõ trong tôn giáo, tín ngưỡng ở nơi đó. Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cũng không năm ngoài thông lệ. Dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều nhóm địa phương như: Dao Quần trắng, Dao Quần chẹt, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Lù Gang, Dao Đỏ... và có nhiều tên gọi khác: Mán, Động, Trại, Đại Bản, Tiểu Bản... Hiện tỉnh Bắc Giang có trên 8.871 người Dao phân bố chủ yếu ở các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và rải rác ở Lạng Giang, Tân Yên. Tiếng nói của người Dao thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao và có điểm chung đều thờ tổ tiên là Bàn Hồ.
Người Dao ở Bắc Giang nói chung và Sơn Động nói riêng sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và ruộng nước, ngoài lúa họ còn trồng màu. Nông cụ sản xuất thô sơ nhưng kỹ thuật canh tác ngày nay đã có nhiều tiến bộ. Một số nghề thủ công đã phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu, làm thuốc...Thức ăn của người Dao chủ yếu là măng, rau, thỉnh thoảng có thịt cá. Họ nuôi nhiều lợn, gà nhưng chủ yếu dùng trong những ngày ma chay, cưới xin, lễ tết. Nhà có 3 loại khác nhau: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất (nhà trệt), họ có nền văn hoá và lịch sử lâu đời. Mặc dù cơ sở kinh tế nói chung còn thấp kém, nhưng tri thức dân gian rất phong phú, họ không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá, gọi chữ Nôm Dao.
Đồ cúng trong nghi lễ cấp sắc người Dao
Người Dao ở Sơn Động bảo tồn được nhiều loại hình văn hóa dân gian và nếp sống của cộng đồng có tính chất tộc người. Trong đó, nghi lễ cộng đồng, nghi lễ theo chu kì đời người như sinh đẻ, cưới xin, tang ma, cấp sắc là một trong những biểu hiện cụ thể vừa mang tính xã hội vừa mang tính tôn giáo, đó là những giá trị văn hóa điển hình phản ánh những mốc quan trọng trong ccuộc đời mà bất kì người Dao nào cũng phải trải qua.
- Đời sống tín ngưỡng, tâm linh
Người Dao tin rằng vạn vật có linh hồn (hon), khi có sinh vật, thực vật chết thì hồn lìa khỏi xác sẽ bến thành ma (miên). Có hai loại ma: Ma lành và ma dữ. Ma lành gồm các ma tổ tiên, ma bếp, ma Bàn Vương, thần nông, thổ công, thổ địa, Ngọc Hoàng thượng đế, Tam Thanh, Tam Bảo, Tam Nguyên, Thiên sư, âm binh... chỉ ban phúc lành; còn Ma dữ như ma sông, suối, ma núi, rừng, ma cây, ma của người chết bất đắc kỳ tử,... thường gây hoạ làm người ốm, súc vật chết, mất mùa...
Đồng bào tin con người có hồn, nên khi đau ốm là do không đủ số hồn trong người (hồn đi chơi lạc lối về hoặc bị ma quái bắt giam giữ ở chỗ khác). Muốn khỏi ốm phải nhờ thầy bói hoặc thầy cúng để tìm chuộc về. Khi các hồn, nhất là hồn chính lìa khỏi xác sẽ làm cho người bị chết, thì phải làm ma, làm chạy để đưa hồn về quê tổ đoàn tụ với tổ tiên. Khi người ngủ say, hồn tạm lìa khỏi thân thể để đi chơi làm người ngủ nằm mơ, từ đó đồng bào sinh ra việc đoán mộng, tin vào mộng theo cách đoán ngược lại giac mơ. Chẳng hạn mộng thấy khóc là sắp có niềm vui, thấy cười vui là sắp có điều buồn, thấy chết sẽ được trường thọ,... Bên cạnh đó còn có mộng do thần thánh báo: mộng thấy lửa cháy là công việc làm ăn gặp may, thấy mưa lũ là sắp được của rơi, thấy bắc nước lần về nhà là gia đình sắp có việc vui lớn... Người Dao còn tin có sự linh cảm và điểm báo: máy chân sẽ có việc phải đi xa, máy môi sắp được ăn thịt cá, khi ăn căn vào lưỡi sẽ đói trong tương lai, tai trái nóng là người ngoài mong, khi bồn chồn lo lắng là có điềm dữ; đang đi chơi, đi thăm hỏi, đi hỏi vợ cho con... đột nhiên nghe tiếng nai kêu, gặp cành gãy, đổ là điềm gở, thấy nhện sa giữa đường là sẽ bị thương tật...
Nghệ nhân người Dao truyền nghề
Từ quan niệm người có 12 hồn nên khi nhân trẻ con về con về làm con nuôi, đồng bào thường dùng 12 đồng bạc trắng để biếu bố mẹ đẻ của đứa trẻ, ý nghĩa để trẻ có 12 hồn. Người Dao rất tin có một số người biết làm phép thuật có thể thả âm binh để làm hại người khác. Cách làm phép thuật phổ biến là niệm thần chú vào dấu tay chân đối phương hoặc vào hòn đá, ngọn cỏ, dây leo trên đường đi để đối phương đi qua chạm phải vật đó sẽ bị phép thuật làm hại. Bên cạnh những ma thuật làm hại còn có ma thuật phong thủ, dùng phép thuật để hộ thân, như niệm thần chú, đeo bùa hộ mệnh để trừ đuổi hồn xấu, vía độc, ma tà. Đồng bào dùng nhiều đồ trang sức bằng bạc, ngoài mục đích làm đẹp còn có mục đích trừ tà vì cho rằng ma quỷ rất sợ đồ kim khí. Mỗi khi làm lễ cúng lớn (đám ma, đám chay, cấp sắc, cúng Bàn Vương...), thầy cúng phải làm phép để đuổi ma tà, đề phòng ma thuật của người khác muốn làm hại gia chủ. Loại ma thuật khá phổ biến nữa là ma thuật chữa bệnh: Thầy cúng niệm thần chú đuổi ma tà để chữa bệnh hoặc để trợ lực cho thuốc, có khi thầy lang vừa bốc thuốc, vừa niệm thần chú, có khi thuốc phải cúng trước khi cho bệnh nhân uống. Trong đám cưới, cũng có một số nghi lễ có tính chất ma thuật như lễ tơ hồng, lễ hợp cẩn để gắn hồn hai vợ chồng trẻ với nhau, nghi lễ cô dâu vào nhà chồng phải bước qua thắt lưng, bước qua cao dao, thầy cúng dùng dao hém vào giữa bước chân của cô dâu ba lần...
1.1. Một số lễ cúng tiêu biểu của người Dao huyện Sơn Động
Mỗi năm, người Dao có một số lễ hội chính gồm: Hội mùa Xuân (tổ chức vào tháng Giêng âm lịch), Hội Cầu mùa (cũng tổ chức cũng trong tháng Giêng từ ngày 10 đến 15), lễ cúng bản của người Dao Thanh Y và lễ cầu tài…
- Lễ cúng nương: Lễ vật có gà, xôi, rượu để cúng thổ thần, thổ địa, thần rừng, thần cây tại nương (hoặc ở nhà).
- Lễ cúng thóc giống: Được cúng trong nhà trước khi mang thóc giống ra nương. Chủ nhà lập đàn cúng trước bàn thờ tổ tiên, trên bàn đặt cụm lúa giống; bát nước, đôi đũa, bát gạo, đĩa xôi và con gà luộc, một tờ giấy bản vẽ các hình theo thứ tự: mặt trời, người cầm mông cụ, bó lúa, một đàn gà, một đàn một con rắn. Khi thầy khấn xong thì đặt cụm lúa và tờ g một đàn cá, n giấy bản vào đống thóc giống. Tra nương xong thì đốt giấy. Trong khi cúng thóc giống cấm người lạ vào nhà, sợ hồn thóc sẽ theo người đó đi mất. Trong một ngày một đêm sau khi cúng, những người trong nhà cũng không được đến nhà người khác, sợ hồn lúa đi theo và ở luôn lại nhà đó.
- Lễ cúng dịp tết đầu Thu: Được cúng ngoài trời, sau đó lấy tiền vàng treo dọc các đường đi, ở bờ ruộng, nương, ven suối để ma qua lại nhìn thấy mang về dùng, không phá hoại mùa màng và không bắt hồn của người sống.
- Lễ cúng cơm mới: Được cúng trong nhà để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Lễ vật gồm nồi cơm mới, rượu, thịt cá, canh rau, vài bông lúa mới. Chủ nhà kể công ơn tổ tiên, cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi để việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Cúng cơm mới, kiêng không cho người ngoài, kể cả họ hàng vào nhà.
- Lễ cúng hồn lúa: Được tiến hành vào lúc lúa đã được gặt xong, khoảng tháng Một, tháng Chạp. Chủ nhà đặt cụm lúa gặt cuối cùng ở phía dưới bàn thờ tổ tiên, mục đích cúng để thu hết hồn lúa về nhà, có như vậy, vụ lúa mới tươi tốt.
Ngoài các lễ cúng riêng của từng gia đình như trên, người Dao còn có những lễ cúng chung của cả bản, gọi là các lễ cầu mùa. Đồng bào tổ chức lễ cúng cầu mùa tại một vị trí bãi rộng, thoáng trong bản. Sau lễ cúng, mọi người ăn uống vui vẻ. Ngoài việc thờ cúng các vị thần, đồng bào Dao còn thờ cúng ma của người đứng đầu thôn, bản đã bị chết. Những vị thần và ma của những người đứng đầu bản này được coi là rất linh thiêng, có công bảo vệ mùa màng, thôn bản để dân bản yên ổn làm ăn.
Cũng như các nhóm Dao hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các nhóm Dao ở huyện Sơn Động cũng có tục cắm cây nêu sau khi tra nương xong để báo cho các vị Thần, Thánh biết và cầu mong các Thần, Thánh che chở, mặt khác thể hiện lòng mong ước lúa sẽ mọc cao như cây nêu. Khi lúa mọc xấu, bị bệnh vàng lá, bị sâu cắn, đồng bào làm lễ cúng đuổi tà ma và rẩy nước phép vào chỗ lúa bị sâu bệnh. Nếu nhiều nhà đều có nương bị sâu bệnh thì dân bản tổ chức cúng cầu mùa.
Cấp sắc là việc quan trọng của người Dao
1.2 Một số nghi lễ cộng đồng khác:
Người Dao ở huyện Sơn Động vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thủy, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Bàn Vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ vừa mang tính chất của Ðạo giáo, vừa mang những vết của lễ thành đinh xa xưa. Các hình thái tôn giáo nguyên thuỷ, thờ cúng nhiều thần thánh, dùng phép thuật trừ ma, diệt tà, phù phép chữa bệnh, kiêng kỵ nhiều “ma” “thần” trong nông nghiệp, trong cưới xin, sinh đẻ, nuôi con, làm nhà mới, làm ma, làm chay... rất gần với thuật phù thuỷ của Đạo Giáo. Nhiều vị thần linh của Đạo Giáo trở thành hệ thống các thần linh của người Dao. Với đặc điểm về tín ngưỡng đa thần, trong gia đình người Dao thường thờ cúng ma ông bà, cha mẹ, ma bếp lò, ma thổ địa... Trong dòng họ hay chi họ hoặc tông tộc thì thờ cúng ma dòng họ. Ở phạm vi cộng đồng làng bản có thờ cúng ma bản bao gồm các thần phù hộ và thổ thần của bản, cúng cầu mưa hoặc cầu nắng, cúng diệt trừ sâu bọ... Ngoài ra, trước đây đồng bào Dao còn cúng ma ruộng, ma nương, ma nước nguồn... Người Dao ăn Tết vào tháng Giêng, cúng tổ tiên cũng vào tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Chạp. Tùy vào từng nhóm Dao lại có những ngày cúng tổ tiên riêng. Ngoài ra, còn có các nghi lễ vòng đời như lễ cấp sắc, cưới xin, tang ma, cầu sức khỏe, cúng ma…
Qua việc khảo sát các nhóm Dao Lô Gang, Thanh Y, Thanh Phán…sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy: Trong hệ thống thần thánh của người Dao thì người đứng đầu là Ngọc Hoàng thượng đế ở thiên đình. Ngọc hoàng cai quản tất cả thánh, thần, ma quỷ và ba tầng người (người trên trời, người trên mặt đất và người dưới âm phủ). Dưới Ngọc Hoàng có các thần Thuỷ Nguyên, Linh Bảo, Đạo Đức. Dưới các thần có Tam Thanh (Ngọc Thanh, Thái Thanh, Thượng Thanh), Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), Tam Nguyên (Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên). Dưới nữa là những ma, thần được thờ cúng trong nhà và những ma, thần được thờ cúng ngoài trời. Tuy vậy, trong các nghi lễ lớn, đồng bào vẫn thờ cúng chung cả hai loại ma thần ở trong nhà và ngoài trời này. Đồng bào Dao còn chịu ảnh hưởng của đạo Phật thể hiện ở thuyết luân hồi định mệnh, họ cho rằng kiếp sống trần thế là ngắn ngủi, khổ ải, tạm thời, cuộc sống ở thiên đàng mới là vĩnh viễn. Muốn trở về với tổ tiên hoặc đầu thai lại làm người thì phải tu nhân tích đức để lúc chết hồn không bị đầy đoạ ở âm phủ, không bị đầu thai thành kiếp ngựa trâu, cầm thú...
- Thờ Táo quân: Tục thờ này thấy rõ ở nhóm Dao Thanh Phán. Bình hương Táo quân được đặt chung với bàn thờ tổ tiên (bên tay trái từ ngoài nhìn vào), đặt thấp hơn bát hương tổ tiên một cấp. Ngày cúng Táo quân là ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng có bánh dợm, bánh dò, thịt gà, thịt lợn. Có gia đình thờ Táo quân ở bếp.
- Thờ Thổ công (tảy châu): Thổ công không có bàn thờ, mà chỉ có một ống hương bằng tre để ở dưới gầm bàn thờ tổ tiên. Thờ Thổ công là thờ vị thần trông nom chăm sóc người cũng như những vật được nuôi trong nhà.
- Thờ thần cửa của người Dao Thanh Y: Cạnh cửa chính ra vào bên tay phải (nhìn từ ngoài vào) có gài một ống tre để cắm hương thờ thần cửa. Với ý nghĩa là thần canh giữ cửa không cho ma tà, quỷ dữ xâm nhập vào nhà.
Độc đáo lễ nhảy lửa người Dao
- Thờ mụ (xíp bèng miệng): Ban thờ mụ là một phên tre cỡ 40 x 40 cm, cài đặt ngay đầu giường sản phụ, trên đặt một bát hương. Khi mới sinh làm bàn thờ mụ và cúng cho đến khi đứa trẻ lên ba tuổi mới thôi. Đồng bào quan niệm rằng, bà mụ đã nặn ra người, đồng thời cũng có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ nhỏ, mỗi trẻ nhỏ đều có một bà mụ hộ mệnh. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ nhỏ đều được mọi người quan tâm cho tới khi đứa trẻ trưởng thành.
- Thờ Thần, Phật: Các thầy cúng nhóm Dao Thanh Phán thờ tượng Phật tại nhà, trên họ coi Phật cũng là một thứ ma (cái) rất lin ban thờ tổ tiên. Họ coi rất linh thiêng, có nhiều phép thần thông, có lòng độ lượng từ bị cao cả, luôn luôn cứu vớt giúp đỡ những người gặp hoạn nạn khó khăn nơi trần thế. Họ quan niệm rằng mỗi người đều có một số mệnh riêng của mình cũng như là thuyết nhân quả và kiếp luân hồi mà ai cũng phải trải qua. Họ luôn luôn đề cao mối quan hệ trên dưới, cha con, vợ chồng.
- Thờ tổ sư: Thờ tổ sư có thể có hoặc không có ban thờ riêng. Chỉ những người làm nghề thày cúng mới thờ tổ sư. Đó là thờ ông tổ làm nghề trước khi đi cúng người thày phải thắp hương xin phép tổ sư và khi về cũng phải thắp hương.
- Thờ Thần Nông: Với nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước và trồng màu, đồng bào coi việc thờ Thần Nông là thờ chung của cả cộng đồng. Những dịp cúng tế Thần Nông thường được tổ chức vào những dịp được cộng đồng thống nhất như Tết cơm mới, lễ cầu đảo cho mưa thuận gió hoà ...
sTrong những nghi lễ cộng đồng linh thiêng, đời sống tinh thần phong phú và sinh động của của người Dao huyện Sơn Động cũng được thể hiện qua âm nhạc, diễn xướng, các điệu múa dân gian. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa Bắc Giang nói riêng./.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
Loading...