Dân tộc Dao là một trong bảy thành phần dân tộc chủ yếu của tỉnh Bắc Giang, sinh sống chủ yếu tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Người Dao ở Bắc Giang có 2 nhóm chính là Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y. Người Dao theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” và có nhiều lễ nghi nông nghiệp: lễ cầu mùa, lễ cúng cơm mới, lễ tạ thần nông… Việc thờ cúng Bàn vương và đưa hồn người chết về Dương Châu ở các nhóm Dao phản ánh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao. Bên cạnh Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tín ngưỡng của người Dao. Chủ nghĩa đa thần nguyên thuỷ và hệ thống thần linh của Đạo giáo gắn bó chặt chẽ với nhau đã hình thành nên thế giới quan và nhân sinh quan của người Dao. Họ tin ở ma quỉ, thần thánh có thể làm phúc hoặc làm hại cho người, tin vào khả năng giao tiếp với thần linh, với tổ tiên của các thầy cúng. Người Dao có một kho tàng thơ ca, tục ngữ phong phú, một số truyện thơ, truyện cổ được ghi bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm Dao nay vẫn còn được lưu truyền trong cộng đồng các nhóm Dao. Đặc biệt tranh thờ được coi là một thứ tài sản không thể thiếu được trong gia đình, dòng tộc. Người Dao sử dụng tranh thờ trong ba nghi lễ lớn là tang ma, lễ chay và lễ cấp sắc.
Các thầy làm lễ cho người được cấp sắc
Trong các lễ thức vòng đời, đối với người Dao quan trọng nhất là lễ cấp sắc. Tất cả nam giới Dao đến tuổi trưởng thành đều phải trải qua nghi lễ này, cách thức làm lễ nói chung ở các nhóm Dao đều như nhau, chỉ khác ở cách diễn xướng, kể chuyện và một số lời hát.
Tên “cấp sắc” bắt nguồn từ việc người trải qua nghi lễ được thầy cúng cấp cho bản sắc ghi bằng chữ Nôm Dao. Nội dung nói về lai lịch người thụ lễ, nguyên do thụ lễ, ngày và nơi thụ lễ, do ai cấp sắc cho và các điều răn. Đồng bào Dao còn gọi nghi lễ này là “quá tăng”, nghĩa là qua đèn. Thông thường, nam giới người Dao trước khi lấy vợ, từ 10 tuổi trở lên phải qua lễ cấp sắc; nếu lúc sống chưa được cấp sắc thì sau khi chết con cháu vẫn phải làm lễ cấp sắc cho. Lễ cấp sắc được thực hiện tuần tự theo thứ bậc những người trong gia đình, tông tộc; cấp cho bố rồi mới cấp cho con, cấp cho anh rồi mới cấp cho em, anh em họ có thể được tổ chức cấp một lần. Đồng bào cho rằng chỉ những người đã qua cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Người đàn ông dù lớn tuổi nhưng chưa được cấp sắc vẫn bị coi như trẻ con và khi chết, hồn chỉ được đưa về động Đào Hoa. Chỉ người đã qua cấp sắc mới làm được thầy cúng, biết làm các phép thuật, được thánh thần công nhận, được cấp âm binh, được công nhận là con cháu của Bàn Vương, được Bàn Vương phù hộ, được quyền thờ cúng tổ tiên và sau khi chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên, trở thành tổ tiên được con cháu thờ cúng. Cấp sắc còn là lễ nhận tên âm - tên của thánh thần ban cho, vì vậy bản cấp sắc còn có ý nghĩa như “giấy thông hành” để sau khi chết hồn có thể về ngay thế giới bên kia, không phải qua kiếp bị đầy đoạ ở âm phủ. Người Dao tin rằng, được cấp sắc thì làm ăn mới may mắn, sinh hoạt mọi mặt được thuận lợi, dòng họ mới phát triển. Nếu không được cấp sắc thì không thống lĩnh được âm binh của gia đình, do đó chúng sẽ làm loạn, làm nguy hại đến vận mệnh của con cháu trong gia đình, dòng họ. Chính vì quan niệm như vậy, nên dù tốn kém bao nhiêu, gia đình nào có con trai đến tuổi (từ 10 tuổi trở lên) đều tổ chức lễ cấp sắc.
Có nhiều bậc từ thấp đến cao trong tục cấp sắc:
- Quá tăng là bậc thấp nhất, chỉ được cấp 3 đèn và 36 binh mã.
- Ngũ tinh là lễ cấp 5 đèn, 36 binh mã.
- Thất tinh là lễ cấp 7 đèn và 72 binh mã.
- Cửu tinh là lễ cấp 9 đèn và 72 binh mã.
- Thập nhị tinh là bậc cao nhất được cấp 12 đèn, 120 binh mã.
Mỗi lần cấp ở bậc cao hơn phải kèm theo một nghi lễ. Hiện nay ít có người cấp ở bậc 12 đèn vì không có thầy và vì làm rất khó (thầy cúng ở bậc 12 đèn phải biết cúng liên tục 168 giờ, tức 7 ngày 7 đêm). Mặc dù tất cả đàn ông Dao đều phải qua bậc cấp 3 đèn nhưng ít người dừng lại ở đó, vì bậc này mới là sự chứng nhận đã trưởng thành. Người Dao quan niệm người càng được cấp sắc ở bậc cao thì càng có vai vế trong cộng đồng, dòng họ, càng phải học tập, rèn luyện nhiều và có thể trở thành thầy cúng cao tay. Khi về thế giới âm thì người được cấp sắc ở bậc cao hơn cũng có vị trí hơn. Do đó, thông thường đồng bào tổ chức lễ cấp sắc ở bậc thất tinh, 7 đèn và 72 âm binh.
Một số lễ vật trong lễ cấp sắc
Diễn biến của lễ cấp sắc bậc 7 đèn:
Lễ cấp sắc thường được tổ chức từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau, lúc mùa màng đã thu hoạch xong hoặc chưa vào vụ mới, tiết trời vừa se lạnh, không nắng mưa; là lúc đồng bào nhàn rỗi nhất trong năm. Thời gian làm lễ từ hai ngày hai đêm đến ba ngày ba đêm, tuỳ điều kiện từng gia đình. Cũng như các nghi lễ lớn khác, mỗi cuộc lễ cấp sắc được chuẩn bị chu đáo về vật chất, nuôi lợn và chọn ngày tốt, mời thầy cúng trước hàng năm trời. Những con lợn dùng để làm lễ cấp sắc, ngay từ khi nuôi hoặc mua về phải làm lễ cúng, báo cho ma biết để phù hộ. Lợn phải nuôi nhốt, không thả rông để tránh ăn bẩn. Nếu cần dùng vào việc khác thì phải báo ma để thay con khác. Đồng bào làm chuồng nuôi lợn ở phía trước nhà, cạnh gần cửa chính để ma tổ tiên nhìn thấy. Mỗi lễ cấp sắc 7 đèn thường mời 7 thầy: một thầy cả, một thầy dẫn giáo, một thầy làm chứng và 4 thầy phụ việc.
- Lập đàn lễ, thông báo tổ tiên, thánh thần: Đến ngày làm lễ, các thầy cúng sau khi thắp hương xin phép ma tổ tiên nhà mình để cầu phù hộ và xin lĩnh âm binh thì đến nhà có người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Trước tiên các thầy lập đàn, cúng tổ tiên gia chủ để báo chuẩn bị làm lễ cấp sắc và xin tổ tiên gia chủ cho phép đón các thần cùng âm binh của mình. Tiếp theo là tẩy uế (vẩy nước phép), cắt tiền ma, dán bùa giấy khắp nhà, viết các bản sắc. Lễ “thả tranh” (treo hai bộ tranh Tam Thanh lớn và nhỏ) được thực hiện tạo không khí vô cùng trang nghiêm. Trên đàn cúng trước bàn thờ tổ tiên, lễ vật được bày gồm đầu lợn, gà luộc cả con, bánh nếp gói lá dong hay lá chít, xôi, rượu, nến, tiền ma. Sau đó thầy cả cúng ma tổ tiên tông tộc gia chủ xin phép hành lễ, đánh bốn hồi trống thỉnh các thánh thần, Bàn Vương, tổ tiên nhà chủ về dự lễ bằng lời hát.
- Lễ trình diện: Người được cấp sắc mặc chiếc áo lễ do thầy cúng ban. Riêng nhóm Dao Lô Gang thì áo lễ của người được cấp sắc do vợ thêu cho. Để thật sự trong sạch, trước ngày làm lễ, người được cấp sắc phải kiêng ăn thịt động vật, kiêng gần gũi vợ hoặc cầm đồ vật trực tiếp từ tay vợ. Dàn nhạc gồm trống con, chiêng, chũm choẹ, chuông, kèn được các thầy cúng tấu lên báo hiệu buổi lễ. Thầy cả trong y phục mũ, áo lễ đọc sớ kể lai lịch (họ tên, tuổi, con cháu của dòng họ tông tộc nào, quê quán ở đâu…) của người được cấp sắc.
- Lễ khai đàn: khi các công việc chuẩn bị đã xong, thầy cả đọc lời văn khai đàn, chính thức vào các nghi lễ chính của buổi lễ.
- Lễ lên đèn: Người được cấp sắc ngồi trên chiếc ghế nhỏ trước bàn thờ tổ tiên và đàn cúng, hai tay giữ cây đèn cao chừng 1-1,5m, làm bằng thân cây tre hoặc nứa, có gắn trên đỉnh và xung quanh 7 bầu dầu để đốt sáng đèn, được làm bằng các ống tre hoặc nứa nhỏ gắn trên các giá đỡ. Sau khi làm phép, thầy cả đốt sáng ngọn đèn trên đỉnh, các thầy phụ đốt sáng 6 ngọn đèn xung quanh. Thầy cả tiếp tục làm phép, thầy hai đọc các bản sắc, những điều nguyện, thề và những điều răn:
+ Mười nguyện: Nguyện linh thiêng; Nguyện không nghi hoặc; Nguyện Tam Nguyên xuống giúp; Nguyện Tứ thánh phát binh; Nguyện Ngũ sư phù hộ; Nguyện Lục thần trong sạch; Nguyện Thất tinh phù hộ; Nguyện Bát quái hiện hình; Nguyện Cửu quyết khai thai; Nguyện mười phân vẹn mười.
+ Mười thề: (Thầy hỏi và người được cấp sắc trả lời)
Lễ cấp sắc tổ chức trong 2 ngày
- Hỏi con, nước sông, nước suối, khe lên to, người ta mời con có đi không?
Trả lời: Có đi.
- Hỏi con, mưa to bão lớn, người ta mời con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, sâu to bọ lớn chắn đường, người ta mời con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, nửa đêm người ta đến mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, người ốm nặng đến cầu cứu, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, vượt núi trèo non, người ta mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, giặc chắn đường, người ta mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, nhà nghèo đến mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, cách núi cách biển, người ta mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
- Hỏi con, lúc đang làm chay, cấp sắc, người ta mời, con có đi không?
Trả lời: Có đi
+ Mười răn:
- Cấm con không được giết hại gia súc, loài vật
- Cấm con không được chửi trời, chửi đất, chửi mặt trăng
- Cấm con không được chửi mắng bố mẹ, lục thân cửu tộc
- Cấm con không được gian lận tham sắc tham tài
- Cấm con không được ham sống sợ chết
- Cấm con không được gian dâm, buôn bán
- Cấm con không được trọng người giàu, khinh người nghèo
- Cấm con không được khinh thường anh em, họ hàng, bạn bè
- Cấm con không được sợ hổ, rắn, mưa to gió lớn sẵn sàng đi
- Cấm con không được chửi thánh thần
- Lễ hạ đèn và đặt tên: Thầy cả viết tên đặt cho người được cấp sắc vào tờ giấy bản rồi đặt vào đàn cúng, khấn xin âm dương. Nếu quẻ thuận là được thánh công nhận, nếu không thuận thầy phải xin tên khác. Sau lễ này, người được cấp sắc có tên do thần thánh ban cho.
- Lễ giao âm binh: Các thầy cúng lấy một tấm vải trắng dài 4m, rộng 0,8m, căng ngang, song song mặt đất trước đàn cúng, thầy cả và người được cấp sắc mỗi người giữ một đầu, trên tấm vải có một ít gạo và vài hào bạc. Thầy hai làm phép, dùng gậy tầm xích nâng hai đầu tấm vải, rồi lấy kéo cắt đôi tấm vải. Người được cấp sắc giữ nửa tấm vải cùng những hạt gạo và hào bạc, tượng trưng âm binh vừa được cấp. Sau khi cấp âm binh, thầy cả làm lễ ban mũ thầy cúng, đai buộc đầu cho người được cấp sắc.
- Lễ trình diện Ngọc Hoàng: Các thầy phụ lễ dựng sàn nhỏ. Thầy cả, thầy hai dẫn người vừa được cấp sắc lên sàn. Thầy hai thổi ba hồi tù và thỉnh Ngọc Hoàng biết, chứng giám. Một thầy khác làm thủ tục đóng dấu vào các bản sắc để Ngọc Hoàng trông thấy. Trong khi đó người được cấp sắc nằm sấp trên sàn, thầy cả và thầy hai đứng hai bên người được cấp sắc kể lai lịch của người được cấp sắc, xin Ngọc Hoàng trao ấn, tức “chứng chỉ” cấp sắc cho người được cấp sắc. Bảy thầy cúng cùng nhảy múa trên sàn, quanh người được cấp thất tinh để làm lễ trao ấn. Sau đó, thầy cả thay mặt Ngọc Hoàng, trịnh trọng trao cho cả hai vợ chồng người được cấp thất tinh mỗi người hai tờ “chứng chỉ” cấp sắc. Bản cấp sắc được làm bằng giấy bản tự tạo, khổ rộng 20x20cm, viết nội dung bằng chữ Nôm Dao màu đỏ, ở giữa đóng ấn vuông.
- Lễ qua cầu: Thầy cả khấn và dắt người được cấp sắc qua 7 đồng bạc trắng xếp hàng ngang trước đàn cúng tượng trưng chiếc cầu nối liền hai thế giới âm-dương. Ý nghĩa của lễ này là hướng dẫn người được cấp sắc biết đường sang bên âm để sau này làm cúng thì cầu sự giúp đỡ của thần thánh.
- Lễ thăm thiên đình: để tượng trưng việc đưa hồn người được cấp thất tinh lên thăm Ngọc Hoàng và các thần thánh, người được cấp sắc nằm sấp trên chiếu trước bàn thờ tổ tiên và đàn cúng, đầu gối lên chiếc lồng (trong có 7 chiếc chén và tiền ma). Sau khi thầy cả đọc xong sách cấp sắc, bảy thầy cùng nhảy múa quanh người được cấp sắc, sau đó thầy cả làm phép nâng người được cấp sắc dậy, đưa hồn người được cấp thất tinh trở về trần thế.
- Lễ triệu lương thực, triệu binh: lễ này nhằm đưa âm binh và lương thực được cấp về nhà người được cấp sắc.
Nghi lễ đội đèn trong lễ cấp sắc
Tiến hành xong các nghi lễ trên thì thầy hai và những người phụ lễ múa các bài múa cổ truyền, kể về những chặng đường quan trọng của lịch sử phát triển của người Dao, thể hiện quan niệm về vũ trụ, vạn vật, con người, hiện lên cuộc sống người lao động với công việc và tình cảm vui nhộn. Tốp múa và thầy cúng vừa múa, vừa cúng tạ ơn ma Bàn Vương, các ma tổ tiên và thánh thần. Đó là một bài múa kiếm với những đường kiếm khoẻ mạnh, dứt khoát, các bước tiến, bước lùi, lên cao, xuống thấp, bước xoay ngang sang phải, sang trái, tay loan kiếm hình số 8 ngang trên đầu, ngang ngực, vắt chéo qua vai trái, qua vai phải dẻo dai và uyển chuyển như dẹp tà ma, quỉ dữ, bắc cầu đưa lối mời tổ tiên về nhà. Theo sau thầy cúng là hai người phụ lễ tay cầm dải vải có tua phất theo hình vòng cung sang trái, sang phải.
Sau khi thầy cúng đốt xong hình bốn con ngựa bằng giấy bản, các thầy phụ lễ tay cầm đầu ngựa giấy nhảy lò cò điệu “tháo mả” diễn tả sự đón rước các thần linh về dự lễ trong tiếng kèn, trống, thanh la và chũm choẹ. Tiếp đó là điệu múa vòng tròn với những động tác đi khom lưng, chân bước ở tư thế ngồi một nửa của các thầy phụ lễ. Sau đó các thầy phụ lễ tay cầm mỗi người một con gà trống nhẩy lò cò quanh gian thờ theo đội hình tiến thẳng và vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ với những động tác múa dứ mổ, dâng gà, thường mỗi động tác làm 3 vòng. Người thụ lễ tay cầm gà nhẩy lò cò múa 9 vòng thấp, 9 vòng ngang lưng và 9 vòng ở trên cao. Gà múa xong được đem cắt tiết hoà rượu dâng cúng ở các bàn và 4 phương đông, tây, nam, bắc. Xen giữa các lễ này, những người bà con, làng xóm đến dự lễ ở bên ngoài tiếp tục hát những bài ca ca ngợi thánh thần, chúc mừng cho chủ nhà có thêm một thành viên trưởng thành.
Người Dao bản Mậu thực hành lễ cấp sắc
- Thầy cả làm lễ cúng tạ ơn các ma tổ tiên, ma Bàn Vương và các thần thánh. Người được cấp thất tinh vái lạy ma Bàn Vương, ma tổ tiên và các thánh thần, vái lạy ông bà, bố mẹ, anh em họ hàng thân tộc. Lễ cấp sắc kết thúc. Từ đây, người được cấp sắc 7 đèn trở thành thầy cúng, có quyền hành nghề cúng bái cho dân bản.
Lễ cấp sắc mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Dao. Một số nghi lễ trong lễ cấp sắc không chỉ có ý nghĩa giáo dục mà còn có giá trị về nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc và múa) được thể hiện qua những hành động mang tính ước lệ, cách điệu và biểu tượng cao. Đây còn là dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng lớn với rất nhiều nét văn hoá: ẩm thực, kể chuyện, hát dân ca… Cấp sắc để phong sắc cho một người đàn ông trưởng thành, khuyên răn, răn dậy những điều hay lẽ phải ở đời. Ngoài ra, trong ý nghĩa sâu xa của tục cấp sắc còn mang ý nghĩa báo cáo tổ tiên, Bàn Vương, mang ý nghĩa cầu mùa, cầu mong một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc. Tục cấp sắc từ lâu đã đi vào đời sống tâm linh của đồng bào người Dao, trởi thành một cái đích cần phải đạt tới trong cuộc sống, hay là một chuẩn mực cần thiết đối với người đàn ông Dao. Tục cấp sắc trở thành sinh hoạt chung của cả cộng đồng, là dịp sum họp, đoàn tụ các thành viên trong cộng đồng để cùng chứng kiến, giúp đỡ và cùng nhau thực hiện lễ cấp sắc. Bởi vậy mỗi lễ cấp sắc là một dấu ấn khó quên trong đời sống tinh thần của đồng bào./.
An Châu
Loading...