15 Tháng 11, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch
Dân tộc Dao cư trú ở Bắc Giang đã nhiều thế kỷ, có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Theo số lượng thống kê năm 2019, dân tộc Dao ở Bắc Giang có 12.379 người phân bố chủ yếu ở các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế. Người Dao ở Bắc Giang có các nhóm: Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Dao Lô Gang. Các nhóm người Dao có sự khác biệt về tiếng nói, trang phục, một số lễ nghi trong đời sống, kiến trúc nhà cửa, các loại hình văn hóa dân gian... Tuy nhiên, các nhóm người Dao này đều có chung một tín ngưỡng là tục thờ cúng Bàn Vương.
Tranh bàn vương
Tục thờ cúng Bàn vương có từ xa xưa. Đây cũng được xem là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao. Tuy nhiên, Bàn Vương không phải tổ tiên gần của một vài gia đình hay một vài dòng họ mà được quan niệm là thủy tổ của người Dao.
Mâm cúng bàn vương
Đến nay Đồng bào các nhóm Dao ở Bắc Giang vẫn truyền khẩu câu chuyện Bàn Hồ- Truyện giải thích về nguồn gốc người Dao, nội dung tóm tắt như sau:Bàn Hồ là con long khuyển cao lớn, lông đen vằn vàng, từ trên trời giáng xuống trần, được nhà vua Bình Hoàng yêu quý nuôi trong cung. Lúc bấy giờ vua nước láng giềng là CaoVương âm mưu thôn tính. Nhà vua liền họp bá quan văn võ để bàn mưu kháng cự. Trong khi không ai tìm được kế gì thì con long khuyển xung phong xin đi đánh Cao Vương. Nhà vua hẹn nếu Bàn Hồ chiến thắng trở về sẽ gả cung nữ cho. Bàn Hồ bơi qua biển 7 ngày 7 đêm thì tới cung điện của Cao Vương. Cao Vương thấy con long khuyển đẹp cho đó là điềm lành bèn sai đem vào cung nuôi. Nhân một hôm Cao Vương ngủ say, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương rồi vượt biển trở về báo công với Bình Hoàng. Bàn Hồ được phong là Bàn Vương và lấy được cung nữ đem vào núi Cối Kê (Chiết Giang, Trung Quốc) ở và sau đó sinh được 6 con trai, 6 con gái. Bình Hoàng ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ, người con cả lấy họ Bàn, các con thứ mỗi người lấy một họ: Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Đời này qua đời khác, con cháu Bàn Vương phát triển ngày một đông. Đến khi không có đất để sinh sống, nhà vua phải sắc cấp “Quá sơn bảng” để phân tán con cháu Bàn Vương đi nơi khác kiếm ăn. Lúc này mỗi họ người Dao đã phát triển thành một ngành, mỗi ngành mang “ Quá sơn bảng” đi vào một vùng núi khác nhau để sinh sống và phát triển đông đúc như ngày nay.
Truyện Bàn Hồ cho thấy: Tuy long khuyển là nhân vật huyền thoại nhưng được người Dao thừa nhận là ông Tổ của mình và được thờ cúng rất tôn nghiêm. Nếu xếp các yếu tố huyền thoại, mơ hồ sang một bên thì có thể thấy phần nào sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di thực của họ trên đất Trung Quốc cổ xưa.
Lễ vật cúng bàn vương trong lễ cấp sắc
Cũng có nhiều câu chuyện kể về Bàn Vương với các tình tiết khác nhau giữa các nhóm người Dao nhưng đều có nội dung là: Một con long khuyển lớn lập công được vua gả cung nữ, cho đất trấn giữ vùng núi hẻo lánh phía nam với tấm “Bình Hoàng khoán điệp” sinh ra các nhóm Dao.
Ở Bắc Giang, Bàn Vương (Bàn Hồ) được thờ cúng cùng với tổ tiên mỗi dòng họ Dao. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả cộng đồng. Trong các nghi lễ lớn của gia đình, dòng họ, người Dao đều phải làm lễ cúng Bàn Vương. Truyện Bàn Hồ được Thầy cúng đọc trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, lễ cầu mùa.
Trong lễ cấp sắc của người Dao, các thầy cúng được mời đến nhà gia chủ làm lễ lập đàn cúng, cầu mong Bàn Vương phù hộ cho con cháu trong gia đình và dòng họ. Đàn cúng có trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ cúng đại diện cho Bàn Vương, tổ tiên cùng các vị thần khác. Với tấm lòng thành kính, người Dao dâng cúng những lễ vật do chính tay mình làm ra như lợn, gà gạo, rượu, bánh…Người Dao quan niệm rằng chỉ những người đã qua cấp sắc mới được coi là người trưởng thành, có trải qua lễ cấp sắc mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Công ơn của Bàn Vương cũng được truyền lại cho các thế hệ con cháu qua những lời cúng, lời hát đối đáp trong nghi lễ.
Tục thờ cúng Bàn Vương là nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt của người Dao, mang tính biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc. Lễ cúng Bàn Vương thể hiện tinh thần luôn nhớ đến nguồn cội cùng niềm tin vào sự linh thiêng phù hộ của tổ tiên cho những điều tốt đẹp trong đời sống. Tín ngưỡng thờ cúng Bàn Vương còn trở thành sợi dây liên kết các mối quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản./.
Nguyễn Thị Thuỷ
Xem nhiều nhất
08 Tháng 9, 2014
28 Tháng 7, 2023
04 Tháng 9, 2020
03 Tháng 11, 2022
Loading...