Một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

30 Tháng 9, 2014 | Lễ hội

Một số lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

   Là một tỉnh miền núi, nhưng Bắc Giang không chỉ nổi tiếng về những di tích lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh, mà nơi đây còn nổi tiếng về những lễ hội dân gian truyền thống với nhiều loại hình độc đáo và nội dung phong phú, hấp dẫn. Nằm trong vùng Kinh Bắc trước đây, Bắc Giang  vốn là một vùng nông nghiệp điển hình, có nền kinh tế, văn hoá phát triển, đời sống người dân tương đối phong lưu. Dân gian có câu: “Ăn Bắc mặc Kinh”. Đó là thực tế và cũng là cơ sở lý giải vì sao lễ hội Bắc Giang đã xuất hiện và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử.

Với tổng số trên 500 lễ hội, cũng như ở mọi miền trên đất nước, lễ hội Bắc Giang được diễn ra hàng năm với lịch trình và nội dung tương đối ổn định. Chủ yếu, hội được tổ chức vào hai mùa: mùa xuân và mùa thu “Xuân thu nhị kỳ” với các loại hội đình, đền, chùa, hội chợ, hội chạ, hội hát, và một số lễ hội mới mang tích chất kỷ niệm lịch sử, trong đó phong phú nhất vẫn là hội đình và hội chùa. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu:

* Hội đình- đền:

Hầu như bất cứ một làng xã nào ở Bắc Giang cũng có một ngôi đình để tôn thờ những người có công với dân làng, được dân làng tôn vinh là thành hoàng làng. Hàng năm, để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, hay tỏ lòng biết ơn những người có công với dân với nước, những danh nhân lịch sử, văn hoá, dân các làng tổ chức mở hội. Đó chính là tình cảm và đạo lý của người Việt Nam“uống nước nhớ nguồn”- một truyền thống nhân nghĩa cao đẹp. Địa điểm mở hội thường diễn ra ở đình do vậy nhân dân thường gọi tên hội là hội đình gắn với tên của làng.

1. Lễ hội Từ Hả xã Hồng Giang- huyện Lục Ngạn:

Lễ hội Từ Hả được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Từ Hả xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Lễ hội đã hội tụ được hầu hết các dân tộc anh em trong vùng. Ngoài nghi lễ tế Vũ Thành còn có diễn tích trận mạc tượng trưng cho chiến thắng do Vũ Thành chỉ huy. Vũ Thành là người có công giúp nhà Trần chống quân  Mông- Nguyên  vào thế kỷ XIII. Trong trận quyết chiến cuối cùng Vũ thành bị thương nặng về đến Hả Hộ thì mất tại đây năm 1288.

Sau tế lễ là các trò hội như múa sư tử, hát soong hao, Sli, Lượn, Schắng côộ, Sịnh ca... của đồng bào các dân tộc ít người. Tất cả những nghi lễ, diễn xướng, trò hội ở lễ hội Từ Hả đều mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao trên đất Bắc Giang. Những hoạt động này nhằm thoả mãn như cầu về tâm linh, nhu cầu văn hoá và qua đó giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào và tình đoàn kết dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

2. Hội đình Thổ Hà xã Vân Hà- huyện Việt Yên:

Thổ Hà là một trong ba thôn của xã Vân Hà- nơi có không gian văn hoá đậm đặc của toàn vùng Kinh Bắc. Ở Thổ Hà đã sớm có đầy đủ các thiết chế văn hoá tiêu biểu, làm cơ sở cho việc duy trì đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng dân cư nơi đây. Đó chính là các công trình văn hoá tiêu biểu: đình, chùa và đền Thổ Hà.

Là một làng nhỏ với địa bàn không rộng nhưng từ xưa ở Thổ Hà có tới 4 ngày hội lớn trong năm: hội Xuân, hội Thượng Nguyên ở chùa Đoan Minh, hội Thu, hội Đình. Nhưng những năm gần đây do điều kiện kinh tế, làng đã nhập 4 ngày hội này thành một lễ hội lớn được tổ chức trong 2 ngày 21, 22 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Cùng với việc tế lễ ở đình, ở chùa Đoan Minh, lễ hội còn tổ chức rước kiệu, các trò vui chơ giải trí: bơi chải, chèo thuyềt bắt vịt, buổi tối có diễn Tuồng cổ, hát Quan họ,...

Lễ hội Thổ Hà- một lễ hội dân gian cổ truyền từ bao đời nay đã nổi tiếng bởi quy mô lớn, nội dung phong phú, đặc sắc và hình thức vô cùng sinh động của nó sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian và là niềm tự hào của người dân Kinh Bắc.

 3. Lễ hội đền Dành xã Việt Lập và Liên Chung, huyện Tân Yên:

Núi Dành hay còn gọi là núi Chung Sơn, là một khối núi lớn ở phía đông huyện Tân Yên. Thế núi uyển chuyển hùng vỹ, đỉnh cao nhất của núi cách mặt nước biển đến hàng trăm mét. Nơi đây, chủ yếu trồng thông, keo, bạch đàn. Đặc biệt là rừng thông 70 năm tuổi quanh năm xanh mát, soi bóng xuống dòng sông Thương thơ mộng. Đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Dành, đền có từ thời Lê, trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đền có dáng vẻ như ngày nay. Tại đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh, những người có công giúp vua Hùng Vương thứ 18 đánh giặc giữ nước.

Lễ hội đền Dành được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng giêng hàng năm.So với nhiều đình, đền khác, đền Dành không có gì đặc biệt ở kiến trúc hay quy mô đồ sộ, song hàng năm lượng khách thập phương đến thăm quan vẫn rất đông, nhất là thanh niên nam nữ đến cầu tình duyên. Có lẽ chính bởi phong cảnh núi non kỳ vỹ nên thơ và tương truyền về sự linh thiêng của đền Dành.

Nét đặc sắc của lễ hội đền Dành là phần rước thánh hùng tráng từ đình Vường lên đền Dành và ngược lại, cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn: cây đu, đập niêu, kéo co, cờ thẻ, vật, chọi gà,... du khách có thể vừa xem hội vừa tham gia các trò chơi.

Lễ hội đền Dành là một trong những lễ hội lớn của Tân Yên, hàng năm được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí tổ chức.

 4. Hội đình Vồng xã Song Vân, huyện Tân Yên:

Đình Vồng toạ lạc trên một khu đất cao thuộc xã Song Vân, huyện Tân Yên. Nơi đây thờ đức thánh Cao Sơn- Quý Minh và 18 vị quận công thời Mạc là người địa phương thuộc dòng họ Dương.

Đình Vồng có quy mô lớn, kiến trúc và điêu khắc tinh xảo. Xưa kia nhiều thủ lĩnh phong trào nông dân Yên Thế thường về đây tế cờ, xin thần linh phù hộ để làm lễ xuất quân. Khi Tôn Thất Thuyết được triều đình cử lên đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Đại Trận cũng lên đình Vồng bái lạy.

Lê hội đình Vồng là một lễ hội có từ lâu đời, được tổ chức hàng năm vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Đến đây trong ngày hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cuộc rước hoành tráng, trang nghiêm, xem lễ tế ngựa cùng bài văn tế đặc sắc, mà còn có thể tham gia thi đấu các môn thể thao và các trò chơi dân gian vui nhộn: vật, múa võ, đua ngựa, bắn cung nỏ, đu, chọi gà, đánh cờ, đánh phết, thi thả diều, thi chạy chữ,...

Ngoài ra, ở hội Cầu Vồng còn có thi diễn các tích trò, tổ chức thi hát đối đáp giữa các gánh hát trong vùng và ở nhiều nơi khác đến biểu diễn làm cho ngày hội càng trở nên náo nhiệt hơn.

Lễ hội đình Vồng là một trong những lễ hội lớn của huyện Tân Yên, hàng năm được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy vốn văn hoá cổ truyền độc đáo của nhân dân trong vùng Yên Thế hạ.

 5. Lễ hội Y Sơn xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà:

“Vui nhất là hội chùa Thày

Vui thì vui vậy, chẳng tày hội IA”

Hội đền Y Sơn hay còn gọi là IA được tổ chức vào ba ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm tại đền Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hoà. Đây là một lễ hội cổ truyền có từ lâu đời.

Núi Y Sơn từ thời Lê đã nổi tiếng là “danh lam thắng địa” lung linh huyền thoại và đầy chất thi ca. Đây cũng là “hành cung nhà Lê’ như sử cũ đã biên soạn. Đền IA, tên thường gọi là Y Sơn nằm ở phía đông núi Y Sơn nên còn có tên chữ là Y Sơn Đông từ, vốn là một công trình kiến trúc cổ, kiểu “nội công ngoại quốc’ khá hoành tráng. Nơi đây thờ đức thánh Hùng Linh Công- người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước.

Trong lễ hội, ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi thức cổ truyền độc đáo, hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê, nhảy phỗng, đánh cờ người, diễn tuồng, hát chèo và nhiều trò chơi khác hấp dẫn du khách thập phương.

 6. Hội Suối Mỡ xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam:

Suối Mỡ là tên một con suối bắt ngồn từ khu vực Đá Vách và hồ Chuối chảy xuôi dòng len lỏi theo núi Huyền Đinh- Yên Tử tạo ra nhiều thác và những bồn tắm thiên nhiên kỳ thú thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.

Dọc theo ven suối cây cối rủ bóng la đà soi hình xuống khe suối trong vắt có đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được xây dựng từ thời nhà Lê (thế kỷ 16-17), phụng thờ công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương, bà được phong là Thượng Ngàn Thánh Mẫu vì có công khai khẩn vùng đất này. Hàng năm để tưởng nhớ công ơn bà, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đền Suối Mỡ vào hai ngày 30/3 và mùng 1/4 âm lịch.

Vào ngày chính hội 1/4, ngoài cuộc rước đông vui nhộn nhịp, tại đền Hạ dân làng còn mở các trò vui, các môn thể thao dân tộc như vật, cờ bỏi, đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, ... trong đó bắn cung và võ dân tộc do người bản địa biểu diễn. Tối đến lại có hát chầu văn làm cho cuộc vui hội tưng bừng cả đêm.

Hội suối Mỡ là một lễ hội có tiếng của Lục Nam, thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương và dự lễ hội.

 7. Hội Tiên Lục xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang:

Hàng năm, cứ đến mùng 9 tháng giêng âm lịch, nhân dân Tiên Lục- Lạng Giang lại mở hội vui xuân. Hội Tiên Lục diễn ra chủ yếu ở khu vực đình Viễn Sơn, đình Thuận Hoà và chùa Phúc Quang tạo không gian rộng lớn cho lễ hội.

Đến hội Tiên Lục trong cảnh sắc mùa xuân, núi đồi xanh thắm nên thơ bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh cây Dã Hương ngàn năm tuổi bên mái đình Viễn Sơn (còn gọi là đình Cây Dã) vẫn sừng sững theo năm tháng.

Vào ngày hội, không những nhân dân trong vùng, du khách thập phương, mà con cháu của địa phương đi làm ăn xa từ khắp các nơi cũng về trảy hội tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt. Sau khi cuộc rước đông vui là lễ tế thánh Cao Sơn uy nghiêm- người được thờ ở đây, tiếp đến là hàng loạt các trò vui được tổ chức như cuộc thi cướp cầu, thi kéo chữ, đánh đu, kéo co, vật, chọi gà,... và thi cỗ , dự cỗ hương ẩm gồm các món xôi, thịt lợn, lòng lợn, rau, sắn nấu, củ mỡ nấu xương, canh,... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Hội Tiên Lục là hội có tiếng trong vùng từ lâu, hàng năm vẫn luôn được UBND huyện Lạng Giang quan tâm và chỉ đạo tổ chức.

 * Hội chùa:

Cùg với sự du nhập văn hoá phương Bắc, Phật giáo Việt Nam ngày càng phồn thịnh. Phật giáo đã thay thế hoặc dung hoá hạt nhân tín ngưỡng của hội làng, từ đó hội chùa xuất hiện.

Chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi diễn ra lễ hội của toàn dân. Những hội chùa nổi tiếng ở Bắc Giang là hội chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, Việt Yên), hội chùa Đức La (xã Trí Yên, Yên Dũng),...

 1. Hội chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên:

Chùa Bổ Đà xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang, vốn thuộc dòng Lâm Tế, sau thuộc Thiền phái Trúc Lâm hay Trúc Lâm tam tổ. Chùa xây dựng vào thời Lê- Nguyễn. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch, là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ. Du khách nườm nượp đổ về đây dự hội.

Trong khói hương nghi ngút, từ đáy lòng mọi người đều hướng về cái thiện, cầu mong mọi sự tốt lành đến với gia đình, dòng tộc. Những cảnh dón tiếp ân cần, sự mời mọc nhiệt tình, hẹn hò, chúc tụng, tiễn đưa đằm thắm tình người. Trên sân chùa, các đoàn hát, gánh hát biểu diễn liên tục suốt mấy ngày đêm. Rồi những cảnh hát quan họ, cảnh mời trầu, mời nước của các liền anh, liền chị làm cho ngày hội thêm nhộn nhịp, tươi vui.

Cùng với những cuộc tế lễ trang nghiêm, thành kính, ở hội chùa Bổ còn có một số trò chơi dân tộc như đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đu,... làm cho không khí thêm sống động.

2. Hội chùa La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng:

Hội chùa La còn gọi là chùa Đức La, hay Vĩnh Nghiêm tự ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng cũng là một lễ hội điển hình của tỉnh Bắc Giang.

Chùa Đức La là một trung tâm, một chốn tổ quan trọng nơi ba vị “Trúc Lâm tam tổ” từng trụ trì và mở trường thuyết pháp, bởi vậy trong chùa cũng có tượng thờ của ba vị tổ này.

Lễ hội chùa La được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Các sư gọi ngày này là lễ giỗ tổ. Trong ngày hội, các tăng ni ở chùa thắp hương, tụng kinh, niệm Phật ở Tam Bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. Đồng thời cũng tỉnh chuông Hoằng Dương Phật Pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hội là khách thập phương từ khắp các nẻo đường lại tấp nập kéo về chùa. Khách trảy hội chùa La hầu hết là các già, các vãi và thanh niên nam nữ. Hàng quán được mở tạm dọc theo đường từ Tam quan đến nhà Tiền đường. Trong khu vực nội tự, không có hàng quán nhưng đông đặc các đoàn dâng hương, hành lễ, đồng thời có các đội văn nghệ diễn tích nhà Phật hấp dẫn nhiều người xem.

 * Lễ hội tái diễn các nghi lễ và sự kiện lịch sử:

Đây là loại hình lễ hội mà trong đó có các nghi lễ tín ngưỡng thờ những nhân vật lịch sử cùng với các trò tái diễn lại cảnh đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước. Những lễ hội này thường gắn liền với các di tích đình, đền, chùa hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương. Điển hình là:

 1. Lễ hội Xương Giang xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang:

Lễ hội Xương Giang bắt đầu mở ra trên đất Bắc Giang vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập dân tôc ta ở thế kỷ XV. Vì thế lễ hội Xương Giang là một lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng giêng âm lịch hàng năm tại khu vực tượng đài xã Xương Giang- được xây dựng nền thành Xương Giang xưa thuộc thành phố Bắc Giang.

Trong ngày chính hội mùng 6 tháng giêng, cùng với cuộc rước hoành tráng là lễ dâng hương được tổ chức long trọng. Các lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc “Đại Cáo Bình Ngô”, lễ múa ra quân được tiến hành trang nghiêm trong nhạc hiệu trầm hùng và thúc giục lòng người. Ngay sau đó hàng loạt các trò chơi dân gian được tổ chức: cờ người, vật, bóng đá, chọi gà, đu,... và các hoạt động văn nghệ hát chèo, tuồng, giao lưu văn nghệ diễn ra đến hết hội.

Cùng ngày đó, hội làng Thành xã Xương Giang và hội làng Vẽ phường Thọ Xương diễn ra ở đình, chùa hai làng cũng được tổ chức tạo nên không gian rộng lớn cho lễ hội Xương Giang thu thút đông đảo nhân dân trong vùng về trảy hội.

2. Lễ hội Yên Thế thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế:

Năm 1984- lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức tại đồn Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Từ lễ kỷ niệm đã trở thành một lễ hội mới- hội Yên Thế đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài tỉnh, và được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm.

Lễ hội bắt đầu là bài diễn văn khai hội nói về ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế và khẳng định tinh thần của cuộc khởi nghĩa đời đời bất diệt. Tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh, sự uy nghi và đẹp đẽ- đây cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở nên sôi động nhất bằng các trò diễn, đóng vai Hoàng Hoa Thám và các đoàn quân của ông... khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta.

Ngay sau lễ diễu hành, các trò vui lần lượt được tổ chức ở nhiều địa điểm: vật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu,... hay thi cắm trại của học sinh các trường bên sườn đồi đối diện,... cứ như thế, nơi nào trong khu vực lễ hội cũng chật kín người xem và tham dự.

Hội Yên Thế như đã thấm vào lòng dân nơi đây tự lúc nào, hàng năm cứ vào ngày này, nhân dân trong vùng lại tưng bừng về đây trảy hội. Đồng thời thu hút rất nhiều khách thập phương, khách tham quan du lịch.

 Lễ hội ở Bắc Giang nói riêng hay lễ hội ở khắp các vùng miền trong cả nước nói chung là một dịp để mọi người gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi, giao duyên. Trẻ già, trai gái, ai ai cũng vui vẻ thảnh thơi. Đó chính là hạnh phúc, là tinh thần đoàn kết thân ái, là niềm vui và đó cũng là sự giao hoà của một làng quê trong một năm trời. Thông qua các tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng các danh nhân lịch sử văn hoá, đồng thời thông qua các hình thức diễn xướng, các trò chơi dân gian truyền thống, không chỉ góp phần tạo nên và phát triển không ngừng truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, mà còn thấy được lịch sử phát triển của một miền quê từ xa xưa đến hiện tại, qua đó khơi dậy tình cảm quê hương, giáo dục truyền thống và tinh thần cộng đồng làng xã. Như vậy, với đặc trưng cơ bản của mình, lễ hội đã khẳng định giá trị văn hoá, nhân văn của con người, hướng con người vươn tới những ước mơ tốt đẹp. Vì thế nên nó sẽ mãi trường tồn và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

( Tư liệu được trích theo cuốn Lễ hội Bắc Giang của Sở Văn hoá-Thông tin cũ xuất bản năm 2002)

0 Bình luận

Loading...