Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu Du lịch Bắc Giang đến năm 2030 là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên tập trung xây dựng, phát triển một số sản phẩm chủ lực, trong đó ưu tiên số một là Du lịch văn hóa, tâm linh – sinh thái gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Nhiều tài nguyên phát triển du lịch
Bắc Giang là vùng đất cổ có bề dầy lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo được ghi danh, công nhận cấp quốc gia, quốc tế như: Bắc Giang 5 di tích và cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Về di sản văn hóa phi vật thể: Dân ca quan họ, ca trù, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí… là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó có 4 di sản được UNESCO vinh danh như: Dân ca quan họ là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại; ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Bắc Giang cùng với một số địa phương đã được UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”, “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội Bổ Đà, lễ hội suối Mỡ, lễ hội Yên Thế, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Xuân Tây Yên Tử được tổ chức hàng năm là điểm nhấn quan trọng để Bắc Giang thu hút du khách. Đây được xem là là những nguồn tài nguyên quý giá để Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.
Mặt khác, địa hình Bắc Giang phong phú, đa dạng; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn có thể khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Bản Ven, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ… Đặc biệt, huyện Lục Ngạn được biết đến là một trong những vùng cây ăn quả lớn miền Bắc với diện tích trên 28.000ha cây ăn quả các loại sẽ là lợi thế không nhỏ cho việc phát triển xu hướng du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, định hướng trong thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống giao thông thủy, bộ; gắn kết với các danh thắng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc tạo thành hệ thống tuyến điểm du lịch. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thương mại, du lịch theo hướng chú trọng phát triển các mô hình làng nghề, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình liên kết du lịch nội, ngoại tỉnh. Mục đích là tạo ra các sản phẩm thương mại, du lịch phù hợp, đặc trưng của tỉnh hướng tới xuất khẩu và phát triển sản phẩm du lịch một cách chuyên nghiệp.
“Bắc Giang ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng Đông Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng qua đó kết nối, hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng: Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Bắc Giang - Quảng Ninh - Hà Nội; Hà Nội - Quảng Ninh - Bắc Giang - Hà Nội; Thái Nguyên - Bắc Giang - Quảng Ninh. Điểm nhấn là ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực. Sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh: Tiếp tục xây dựng, bảo tồn, phát triển Di sản văn hóa hiện có gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng. Qua đó, xây dựng, phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Sản phẩm Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng: Thu hút đầu tư dự án tại khu nghỉ dưỡng (resort) đạt tiêu chuẩn 5 sao tại Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn. Sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf: Thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang và một số sân golf tại huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam. Sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả: Đầu tư, khai thác sản phẩm, dịch vụ gắn với nông nghiệp nông thôn tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế” – ông Đỗ Tuấn Khoa nhấn mạnh.
Cần thực thi nhiều giải pháp
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Bắc Giang đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng. Đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá sản phẩm, điểm đến. Đặc biệt là chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Sở VHTTDL Bắc Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, quảng bá; tổ chức khảo sát giới thiệu các điểm đến, hội nghị, tọa đàm nhằm thu thập những ý kiến xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn để hút du khách; quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, bản địa trong phát triển du lịch…
Theo TCDL
Loading...