BẮC GIANG - Mới đây, tôi và một số đồng nghiệp ở Hà Nội có chuyến du khảo lên Yên Thế. Hòa vào không khí chuẩn bị cho Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024) của cán bộ, chính quyền và người dân nơi đây, chúng tôi có dịp được tìm hiểu về môn võ sáo rất lợi hại của nghĩa quân Yên Thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở miền đất thượng võ và văn hóa này.
Tiếng kèn xung trận
Cái tên “võ sáo” nghe rất lạ tai theo sự hiểu biết về môn võ thuật của chúng tôi. Đã vậy, “võ sáo” còn được nghĩa quân của cụ Đề Thám dùng để “đánh Tây” thì ngạc nhiên quá. Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Thế, chúng tôi tìm về xã Tam Hiệp thăm võ sư Nguyễn Trường Sinh - người đang truyền dạy môn võ độc đáo này. Gần ba chục năm trước, khi lên công tác ở Quân đoàn 26, tôi đã gặp và hỏi chuyện kiện tướng Nguyễn Trường Sinh - người 3 năm liên tục (1981-1983) giành giải Nhất hội thi "Chiến sĩ khỏe" của Quân khu 1. Năm 1984, ông xuất ngũ về làm cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.
|
Màn biểu diễn võ thuật tại Lễ hội Yên Thế. Ảnh: Thu Thủy.
|
Năm 1990, huyện Yên Thế thành lập Câu lạc bộ (CLB) võ thuật Hoàng Hoa Thám do ông phụ trách. Tuy nhiên, CLB không có trụ sở và sân bãi tập luyện, phải nhờ các nhà chùa, nhà kho. Năm 1998, ông dốc vốn liếng gia đình xây dựng một "lò võ" tại gia, dạy võ dân tộc cho thanh niên, thiếu niên. Lò võ của ông đã giành nhiều giải thưởng tại các hội thi võ thuật và thể dục thể thao các cấp. Trong đó có cả huy chương cấp quốc gia cho bài võ "Thiết địch thần phong" tương truyền là của nghĩa quân Yên Thế.
"Thiết địch thần phong" là tên chữ của môn võ sáo. Cây sáo này làm bằng sắt, khá to và nặng nên có thể dùng làm vũ khí. Cách sử dụng các đòn thế của võ sáo tương tự như của đao kiếm và có nét của đoản côn. Tương truyền, trước đây nghĩa quân Yên Thế chơi võ sáo vừa như tiếng kèn xung trận, vừa làm ám hiệu đánh địch, vừa là tiết mục tiêu dao mỗi dịp hội hè khao quân. Vì thế, bài võ sáo còn mang tên là "Bóng trăng Phồn Xương".
Để chơi thành thạo bài võ sáo "Bóng trăng Phồn Xương", một võ sư thực thụ phải là người am hiểu tường tận các chiêu thức võ thuật cơ bản, đồng thời phải sử dụng thành thạo cây sáo sắt vốn gốc là sáo trúc gần như một nghệ sĩ - tất cả những yêu cầu đó phải được kết hợp hài hoà và điêu luyện trong bài võ như một tổng thể hoàn chỉnh. Gần đây, bài võ "Bóng trăng Phồn Xương" được huyện Yên Thế khôi phục nhằm gìn giữ nét văn hóa thượng võ của quê hương. Ông Trần Hoàng Biên, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Những năm gần đây, võ sáo đã trở thành tiết mục quan trọng tại chương trình khai mạc Lễ hội Yên Thế, tổ chức vào ngày 16/3 hằng năm.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Ông Trần Hoàng Biên hào hứng dẫn chúng tôi lên thăm di tích đồn Phồn Xương ở thị trấn Phồn Xương. Đây là một trong 23 điểm Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Trước đây, căn cứ Phồn Xương là trung tâm chỉ huy chiến đấu và sản xuất hậu cần của nghĩa quân Đề Thám. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị thực dân Pháp dập tắt, căn cứ này bị địch hủy hoại, cùng sự tàn phá của mưa nắng và thời gian... Được biết, năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm Khởi nghĩa Yên Thế, tỉnh Hà Bắc đã đầu tư phục dựng và xây dựng Khu di tích Phồn Xương bao gồm các hạng mục: Đền Thề, đồn Phồn Xương, chùa Lèo, quảng trường, tượng đài Hoàng Hoa Thám và Nhà trưng bày lưu niệm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
|
Tái hiện lễ tế cờ của Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân tại Lễ hội Yên Thế . Ảnh: DANH LAM.
|
Năm 2016, UBND huyện Yên Thế có Đề án số 104 về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Hiện nay, sắc diện mới của di tích khá bề thế. Ví như đình Ba tầng và đền thờ Hoàng Hoa Thám đã hoàn thành với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Một số hạng mục quan trọng khác cũng được triển khai như: Hai bức phù điêu tạc trên đá nguyên khối dựng hai bên tả - hữu đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân; xây mới nghi môn tứ trụ dẫn vào Khu di tích; phục dựng một số hạng mục của đồn Phồn Xương dựa theo các bức ảnh tư liệu của Pháp, như: Cổng thành, một số đoạn tường thành, đoạn hào…
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 112 ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Huyện ủy Yên Thế đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển du lịch huyện Yên Thế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện đã có những dự án cụ thể đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, bảo vệ môi trường... để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đang được địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, Yên Thế còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc. Ngoài ra, mô hình câu lạc bộ dân ca tại các thôn, bản đã làm sống lại nhiều làn điệu dân ca nổi tiếng; cùng đó là những đặc sản như: Gà đồi, mật ong, chè sạch bản Ven... qua đó góp phần vào sự phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh trên miền đất thượng võ và văn hóa.
|
Thực hiện Nghị quyết trên, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo để phục vụ phát triển du lịch như: Động Thiên Thai (xã Hồng Kỳ), chùa Thông (xã Đồng Lạc), chùa Dĩnh Thép (xã Tân Hiệp), đình Diễn (xã Tam Tiến), đền Trắng (xã Đông Sơn), đình Bố Hạ (thị trấn Bố Hạ)... Đáng lưu ý là hình thức du lịch cộng đồng ở Yên Thế đang khởi sắc rõ rệt.
Hiện nay, điểm du lịch cộng đồng bản Ven (xã Xuân Lương) đã hình thành và đi vào hoạt động chuyên nghiệp, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 5-6 vạn khách đến tham quan, trải nghiệm.
Năm 2022, sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa bản Ven được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch của tỉnh được gắn sao.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng, sinh thái thường xuyên thu hút du khách đến tham quan như hồ Ngạc Hai, Thác Ngà, xã Xuân Lương; đập Cầu Rễ, đập Đá Ong, xã Tiến Thắng; đập Suối Cấy, xã Đồng Kỳ...
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể đang được địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị, Yên Thế còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc, đang được huyện khuyến khích khôi phục, phát triển có chọn lọc. Tiêu biểu là Lễ hội Yên Thế đã được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các nghi thức tế lễ và lễ hội dân gian ở các đình, chùa, đền, miếu... cũng đang được khôi phục, bảo tồn.
Ngoài ra, mô hình xây dựng câu lạc bộ dân ca tại các thôn, bản đã làm sống lại nhiều làn điệu dân ca nổi tiếng như: Soọng cô (Sán Dìu), sịnh ca (Cao Lan), then (Tày)... Cùng đó là những đặc sản như: Gà đồi, chè lam, bánh khảo, thịt dê, mật ong, chè sạch bản Ven, rượu nếp Lộc Sơn... Đó là tiềm năng để ngành du lịch của huyện phát triển, góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh trên miền đất thượng võ và văn hóa.
THEO BÁO BG
Loading...