Nhiệm kỳ này, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) xác định phát triển 3 loại hình du lịch gồm: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi - giải trí - thể thao và các sản phẩm du lịch khác mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của huyện.
Nhiều điểm nhấn
Hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Yên Dũng đã dành nhiều nguồn lực và huy động để đầu tư phát triển du lịch văn hóa-tâm linh. Theo thống kê, đã có 17 di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Điểm nhấn ở thị trấn Nham Biền là chùa Thiên Lai với mức đầu tư 90 tỷ đồng; đền Thanh Nhàn 13,5 tỷ đồng. Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên) tiếp tục được quan tâm với Đề án trưng bày Mộc bản trị giá 1,5 tỷ đồng đang khai thác hiệu quả.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - điểm đến du lịch văn hóa-tâm linh hấp dẫn du khách. |
Cùng với đó, huyện chú trọng tuyên truyền, quảng bá, nhất là đối với hệ thống di tích, di sản. Trọng tâm là chùa Vĩnh Nghiêm với bộ Mộc bản được công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của chùa được xếp hạng quốc gia đặc biệt; còn lễ hội chùa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quảng bá các giá trị của chùa Kem (thị trấn Nham Biền) nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; các di tích quốc gia khác như: Đền Từ Vũ (xã Yên Lư); Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An và Địa điểm địa đạo làng chiến đấu Long Trì (thị trấn Tân An) và 80 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh khác.
Với các loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và thể thao - giải trí, huyện tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển các điểm thu hút khách đến tham quan như: Khu vực núi Non Vua (thuộc quần thể Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng); sân golf và dịch vụ Yên Dũng; cây gạo miếu Bà Cô, xã Lãng Sơn. Để xây dựng, phát triển các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, UBND huyện chú trọng khôi phục, phát triển, quảng bá nâng tầm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Gạo thơm, Rau sạch, Gốm làng Ngòi, Tương Trí Yên, mộc Đông Thượng - Lãng Sơn, kẹo lạc Tư Mại, bánh đa Cảnh Thụy... Với 3 loại hình được đầu tư, khai thác trên, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đón khoảng 422.500 lượt khách tham quan, đạt 84,5% so với kế hoạch đề ra. Doanh thu từ dịch vụ du lịch 102,4 tỷ đồng, ước đạt 89% kế hoạch của cả giai đoạn.
Những định hướng mới
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện được biết: Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra, giai đoạn tới, huyện Yên Dũng có những định hướng mới để "nâng cánh" cho du lịch phát triển. Theo đó, có hai hướng chính sẽ được mở.
Thứ nhất là du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại, trên cơ sở đó cân đối nguồn lực phân kỳ đầu tư. Triển khai thực hiện các hạng mục theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm. Tập trung mở rộng không gian, tôn tạo cảnh quan, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị về tâm linh, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của chùa. Nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đưa sản phẩm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm cùng với Tây Yên Tử thành sản phẩm tiêu biểu cho loại hình du lịch văn hóa - tâm linh.
Thứ hai là đối với du lịch xanh, sinh thái, Yên Dũng tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất lớn tập trung tại địa bàn thị trấn Nham Biền (khu vực Thắng Cương) và xã Lãng Sơn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm. Hình thành, khai thác tour du lịch trải nghiệm khám phá vẻ đẹp dãy Nham Biền, chinh phục đỉnh Non Vua huyền thoại gắn với điểm du lịch Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng - chùa Kem.
Đẩy mạnh liên kết vùng du lịch đối với các địa phương lân cận, ưu tiên kết nối các điểm du lịch tâm linh – sinh thái như: Tây Yên Tử, Suối Mỡ (Bắc Giang); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Bên cạnh đó, huyện chú trọng làm tốt công tác định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương gắn với du lịch golf (trên địa bàn huyện quy hoạch 5 sân golf). Xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch và phát triển nguồn nhân lực làm công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, quan tâm giáo dục kỹ năng nghề du lịch cho lực lượng lao động địa phương.
Theo Báo BG
Loading...