Người ta mách đường vào chợ mọi người thường rẽ qua ngã ba ông Quán là tiện nhất. Hỏi dò tôi mới hay ở ngã ba đó có gian hàng của ông Quán. Mọi người thường lấy quán hàng của ông Quán làm địa chỉ hẹn hò cho tiện. Nghe nói ông là một cựu chiến binh và hay giúp đỡ mọi người, nổi tiếng khắp vùng.
Đường lên Thác Ngà. |
Quả nhiên khi tôi tìm tới cửa hàng hỏi đường vào thác Ngà ở bản Xoan thì ông Quán hồ hởi dắt xe máy ra chở tôi đi liền. Ông giải thích ở đây không có người chạy xe ôm. Từ chợ Xuân Lương vào Khu du lịch thác Ngà chừng 6 cây số. Chả lẽ để tôi đi bộ, thế là ông thành “guide” bất đắc dĩ. Và những câu chuyện của chúng tôi cứ râm ran dọc đường. Trời lạnh buốt trên con đường lên bản Xoan. Ông Quán kể một thôi một hồi về những con sông, con suối bao quanh xã Xuân Lương này.
Thác Ngà chảy từ độ cao 30 mét xuống những vách đá liền kề tạo nên những bông nước trắng tựa ngà voi rơi xuống. Đây là hình ảnh của con sông Xoan chảy qua xã Xuân Lương. Rồi nữa, thêm cả những con suối Lâm Kha, La Bôi và suối bản Ven tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình cho vùng đất này. Và đây cũng là những nhánh sông suối thượng nguồn góp phần cho con sông Sỏi chảy từ Yên Thế vào sông Thương. Ông cho biết mấy bản trong xã Xuân Lương có tới 90% người Cao Lan sinh sống. Họ tạo nên những bản sắc độc đáo và làm nên dấu ấn của xã Xuân Lương qua những bản dân ca, dân vũ.
Sau khi rời thác Ngà, chúng tôi trở về dừng chân dưới đồi Lim (bản Xuân Lung). Trên đồi có cây lim ngàn tuổi được công nhận là di sản của huyện Yên Thế. Cây lim (dáng trực) cao tới 45 mét. Riêng gốc cây phải tới 6 người ôm, chưa kể những nhánh rễ ăn sâu trải rộng xung quanh. Trong thời kỳ chống Pháp, cây lim trở thành địa điểm liên lạc của các chiến sĩ cách mạng. Xuân Lương giáp ranh với ATK Thái Nguyên nên đồi Lim còn là nơi quan sát những hoạt động của kẻ địch từ xa. Đồng thời xã Xuân Lương luôn bị giặc Pháp theo dõi và bắn phá. Có lần chúng dùng máy bay thả bom đốt cháy toàn bộ thôn Xuân Lung, nhưng đặc biệt cây lim ở trên đồi cao không hề bị hư hại. Do đó cây di sản này trong dân gian đã được tôn vinh là “thần mộc” và trở thành biểu tượng linh thiêng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc quanh vùng. Thật đúng là: “Hiên ngang dáng thế lòng ngay thẳng/ Chín vạn hiền dân đức chí tâm/ Gốc già bệ đẹp lòng xanh tốt/ Mãi mãi xanh tươi với nước non”.
Hát Sình ca giao duyên. |
Nhìn dọc đường quốc lộ 17 đi qua xã Xuân Lương lên tới Thái Nguyên, người cựu chiến binh như ông Quán không khỏi xao xuyến. Ông luôn nhớ về Chiến khu Việt Bắc một thời rạng rỡ. Thực ra đất Xuân Lương tiếp giáp với các xã của huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai (Thái Nguyên) không bao xa. Ở nơi đó ghi dấu ấn sâu sắc hình ảnh Bác Hồ bên những lán đồi, sông suối cùng với cơn sốt rét rừng. Vẫn còn đó những câu thơ cảm động của Tố Hữu: “Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc). Những bông hoa đào chúm chím bên dòng suối bản Ven cùng tiếng chim ríu rít làm chúng tôi bồi hồi xao xuyến. Một cảm giác kỳ lạ phơi phới của tuổi trẻ trở lại. Tiếng hát Sình ca của các cô gái Cao Lan như mời gọi chúng tôi trên những đồi chè xanh mướt.
Tôi đứng chôn chân trên con suối bản Ven. Lòng điệp trùng với những lời ca vang lên từ vách núi. Những cô gái, chàng trai Cao Lan rộn ràng vào hội. Những nương chè bản Ven nghiêng nghiêng xanh nõn bật sáng ngàn vạn búp tơ. Điệu dân vũ hội thôn cuồn cuộn cùng thác reo, suối chảy bên cánh rừng thơ mộng Xuân Lương. |
Vậy là tôi có mặt ở bản Ven sau cuối hành trình tới Xuân Lương. Ở đây tôi được nghe câu chuyện cổ tích về bi tình sử của nữ thần thi ca Cao Lan. Ông Quán đã đưa tôi tới gặp hướng dẫn viên Thu Phương trong điểm du lịch cộng đồng bản Ven. Thu Phương kể rằng, xưa người Cao Lan có nàng Lau Slam xinh đẹp. Nàng có giọng hát trong vắt như chim hót sớm mai. Đó là những bài Sình ca làm mê hoặc mọi chàng trai quanh các bản trong vùng. Nhưng Lau Slam chỉ thích hát với chàng Dừn. Họ yêu nhau và hẹn hò tới hội xuân năm sau. Nhưng rồi nàng bị người chị dâu ngăn trở và không thể đi hát cùng Dừn. Tới hội xuân tiếp, nàng bị gia đình ép gả cho con trai một nhà giàu trong vùng. Không được hát với người mình yêu, từ đó nàng Lau Slam bị câm, không hề hé môi nửa lời.
Ngọn núi Chín Khúc phía trước như bức tường ngăn cách xa xôi. Nhưng chàng Dừn không hề nản chí, quyết vượt dãy Chín Khúc để tìm người yêu. Biết tin người yêu đi lấy chồng, chàng đau khổ và biến thành con chim lông trắng nặng lòng nhớ thương. Còn nàng Lau Slam sau khi bị câm cũng bị nhà chồng đuổi đi trong tâm trạng đau đớn. Nàng đi tìm người yêu và đã biết sự tình, rồi “Nàng ngồi tựa gốc thông/ Tim ngừng đập khi con nắng tắt”. Hồn nàng nhập vào cây thông và kết cục thật bi thương: “Trên ngọn thông mây quang mây tỏ/ Có con chim lông trắng đậu nghe thơ”. Bỗng nhiên giọng Thu Phương trầm lại, chậm chạp trong câu kết thân thương: “Bà con vùng núi Chín Khúc/ Lập đền thờ thần hát ca/ Mỗi lần vui xuân hát ví/ Lại mời Lau Slam về Sình ca”.
Câu chuyện trên do chính nhà thơ Lâm Quý, người Cao Lan viết theo chuyện cổ tích của người Cao Lan. Thần ca hát Lau Slam luôn được người Cao Lan nhớ tới và tôn thờ. Điều đặc biệt khi hát Sình ca (với thể loại giao duyên), người Cao Lan không bao giờ có nhạc cụ đệm. Họ luôn luôn để tiếng lòng ngân vang và trao gửi tình cảm bằng trái tim mình. Ngay sau đó hướng dẫn viên Thu Phương đã cất tiếng hát trong như suối nguồn róc rách: “Người yêu chưa có anh ơi/ Quăng dao xuống nước cho đời chứng minh/ Dao nổi, thì em bạc tình/ Dao chìm dưới đáy, tình này trắng trong” (dân ca Cao Lan). Đầu óc tôi như mụ đi trong độ ngân rung ngọt ngào da diết. Những nương chè xanh mướt vây quanh như níu chân du khách. Giọng hát trong trẻo vẫn văng vẳng bên tai tôi khi lên đồi cao. Ở trên đó những cô gái Cao Lan đang hái vụ chè xuân. Họ hái từ rất sớm để đón một mùa hội mới đã tràn qua đỉnh núi. Phiên chợ Sình ca đã được nàng Lau Slam hẹn mỗi năm một lần. Ai cũng lắng nghe chàng Dừn cất tiếng lòng say đắm: “Mây trôi nghiêng le lói nắng vàng/ Thung lũng hương ngát bay vạn dặm/ Cầu vồng mưa bừng lên sắc thắm/ Em sa mình đậu bến tình tôi” (Sình ca - Mưa rừng).
Từng đoàn người đi từ suối bản Ven lên làm lễ dâng trà cho du khách. Những cô gái Cao Lan trong tà áo “Pù dằn dinh” (bướm bướm) chập chờn trong nắng vàng. Đó chính là tấm áo mỗi khi các cô gái tham gia hội làng và ca hát. Những bông hoa được dệt sau lưng áo dài tới bắp chân bao giờ cũng đung đưa dịu dàng. Anh chàng mang chiếc trống sành dẫn đầu đội nhạc cất tiếng hát vang động cả rừng cây. Rồi vũ điệu của các cô gái Cao Lan dập dờn như cánh bướm bay lên. Những cặp đôi quấn quýt bên nhau tựa như chàng Dừn hiện về trong cổ tích với Lau Slam. Tiếng hát chàng giục giã: “Nào nhảy đi, nhịp bước em tôi/ Vũ điệu tình ru mời ru gọi/ Tay trong tay ríu ran ngày hội/ Lòng thầm mơ loan phượng thành đôi”. Và đâu đó trong những đôi mắt thần Lau Slam, một thiếu nữ tiếp lời: “Vó ngựa xa dồn dập lưng đồi/ Người chiến binh khuất mờ sau núi/ Ánh mắt mẹ ngày đêm mong đợi/ Chờ con về trong mái ấm bình yên”. Tôi đứng chôn chân trên con suối bản Ven. Lòng điệp trùng với những lời ca vang lên từ vách núi. Những cô gái, chàng trai Cao Lan rộn ràng vào hội. Những nương chè bản Ven nghiêng nghiêng xanh nõn bật sáng ngàn vạn búp tơ. Điệu dân vũ hội thôn cuồn cuộn cùng thác reo, suối chảy bên cánh rừng thơ mộng Xuân Lương.
THEO BÁO BG
Loading...