29 Tháng 8, 2024 | Nghiên cứu và Trao đổi
Đầu tư nguồn lực
Toàn tỉnh hiện có 755 di tích, danh thắng đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 96 di tích cấp quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trong số này, nhiều di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đã được tỉnh công nhận là điểm du lịch như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên), Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), cụm di tích Tiên Lục (Lạng Giang)…
Theo Nghị quyết số 112-NQ/TU, ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về PTDL giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, du lịch văn hóa - tâm linh được xác định là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh. Sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều công trình được đầu tư cải tạo, tu bổ bước đầu thu hút khách tham quan. Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm là điểm nhấn trong hành trình du lịch sườn Tây Yên Tử. Với giá trị độc đáo, đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật cùng bộ mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. 5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, chùa Vĩnh Nghiêm được tu bổ, tôn tạo, xây dựng nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản, khuôn viên cây xanh, sân tổ chức lễ hội, tam quan; một số hạng mục phụ trợ, tổng trị giá hơn 35 tỷ đồng.
Di tích đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế khánh thành tháng 3/2024
Ông Vũ Trí Thống, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Dũng cho biết: Trong 2 năm (2023-2024), UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những điểm diễn ra các hoạt động văn hóa, tâm linh thu hút khách tham quan, trong đó phải kể đến Lễ rước mộc bản “Cư trần lạc đạo phú”, lễ rước bài vị từ chùa Vĩnh Nghiêm lên Tây Yên Tử (Sơn Động)… Tương tự, di tích quốc gia đặc biệt: Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, chùa Bổ Đà, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế cũng thu hút nhiều khách tham quan, nhất là dịp đầu xuân. Hiện nay, một số công ty lữ hành khảo sát, xây dựng tour Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử - Xương Giang - Bổ Đà… đưa khách về tham quan. Nhiều khu, điểm du lịch, di tích không những phục vụ nhu cầu chiêm bái, vãn cảnh của du khách mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Năm 2023, toàn tỉnh đón hơn 2 triệu lượt khách tham quan, tăng hơn 51 % so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 16 nghìn lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 123 %. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đón 3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 2.500 tỷ đồng.
Du khách tham quan đền Xương Giang (TP Bắc Giang)
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang cho biết, cùng với hoạt động xúc tiến, quảng bá, đơn vị phối hợp với nhiều doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc khảo sát Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng hoàng (Yên Dũng) để xây dựng tour, tuyến du lịch. Cùng với tuyên truyền, quảng bá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị liên kết về PTDL thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, DN lữ hành có uy tín trong nước cùng "hiến kế".
Giữ chân du khách, gia tăng giá trị
Mặc dù các khu, điểm du lịch, di tích bước đầu được quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ gắn với PTDL song chưa tương xứng với tiềm năng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Lượng khách đến những nơi này lớn (tập trung đầu năm) song chủ yếu đi trong ngày, mức chi tiêu thấp. Hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí còn thiếu, chất lượng chưa cao; thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn nên ít giữ chân được du khách ở lại; việc liên kết giữa các khu, điểm du lịch chưa chặt chẽ…
Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - điểm du lịch hấp dẫn bên sườn Tây Yên Tử
Nhằm phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với PTDL, tại nhiều hội thảo, tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, công ty lữ hành cho rằng, Bắc Giang cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo từ các di sản. Ví như ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám có thể quy hoạch, mở rộng không gian trưng bày, tái hiện sự kiện lịch sử; sưu tầm nhiều câu chuyện, hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa, các trận đánh; cho thuê trang phục; tái hiện mô hình đánh trận giả; in sách, tài liệu bán phục vụ du khách… làm gia tăng giá trị từ hoạt động du lịch.
Được biết, tháng 12/2023, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm với tổng số vốn hơn 108 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư là 70 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. Theo đó, một số hạng mục sẽ được đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo (khu giảng đường Phật học, sân chùa, tam quan, bến thuyền du lịch, cổng vào di tích…). Cách đây ít ngày, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án. Đầu năm 2024, 2 công trình trên địa bàn huyện Yên Thế đã khánh thành, bao gồm đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế được xây dựng trên diện tích gần 1,5 ha, tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng, trong đó có gần 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; đình ba tầng mái thuộc dự án tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế đã hoàn thành với tổng giá trị dự toán xây lắp 33 tỷ đồng. Qua đó tạo điểm nhấn để thu hút khách tham quan.
Khách tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động)
Đặc biệt, cuối năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Phục dựng Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, giai đoạn 2023-2030". Mục tiêu của Đề án là nghiên cứu, xác định, nhận diện giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phía Tây núi Yên Tử, tạo ra các sản phẩm, tour, tuyến, điểm du lịch mang sắc thái riêng của tỉnh Bắc Giang. Từ đó, đưa du lịch tâm linh Tây Yên Tử phát triển cùng với không gian tâm linh Đông Yên Tử (Quảng Ninh) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) để có một hệ thống các sản phẩm du lịch tâm linh mang tính tổng thể. Theo nội dung Đề án, việc phục dựng các điểm di tích gắn với "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử" có tổng chiều dài dự kiến hơn 95 km, đi qua 15 điểm di tích, thắng cảnh (cả bằng tuyến đường bộ và tuyến đường sông) qua địa bàn các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất để phát triển “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Theo Nghị quyết 112 của BCH Đảng bộ tỉnh về PTDL giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh phấn đấu năm 2030 thu hút 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 7.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 nghìn lao động. Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về PTDL. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn nhằm tăng nguồn thu từ các hoạt động du lịch. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, đặc biệt là vùng Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Chú trọng mời gọi những đơn vị tư vấn có uy tín ở trong và ngoài nước tham gia làm quy hoạch. Xây dựng, cải tạo, nâng nấp cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch. Tăng cường liên kết, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp./.
Theo SVHTTDL BG
Xem nhiều nhất
08 Tháng 9, 2014
28 Tháng 7, 2023
19 Tháng 10, 2022
04 Tháng 9, 2020
Loading...