Các nhà báo viết về du lịch trong một chuyến khảo sát thực tế các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ do Tổng cục Du lịch tổ chức - Ảnh: T.QUỚI
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng, hai nội dung mà ngành Du lịch cũng như lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung cần quan tâm đầu tư đó là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và tăng cường liên kết sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN
* Thưa ông, quảng bá, xúc tiến du lịch có vai trò như thế nào trong phát triển du lịch nói chung và hàng năm kinh phí của Tổng cục Du lịch dành cho nội dung này thế nào?
- Công tác quảng bá, xúc tiến có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch. Những năm gần đây, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đạt được những kết quả nổi bật. Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của du lịch, trong đó có công tác quảng bá, xúc tiến được nâng lên; quy mô và phạm vi hoạt động xúc tiến du lịch được mở rộng; chất lượng cũng được nâng cao hơn; đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm… Nhờ đó đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành Du lịch.
Riêng kinh phí xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch hàng năm còn khá khiêm tốn, nếu không nói là ít so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Với kinh phí ít như vậy, chúng ta không còn cách nào khác là phải nghĩ cách xoay xở sao cho hiệu quả mang lại cao nhất. Điều thuận lợi là trong năm 2015, kinh phí quảng bá xúc tiến được duyệt và cấp từ đầu năm nên chúng tôi chủ động trong triển khai kế hoạch.
* Trong điều kiện như vậy, chiến lược cho chương trình quảng bá, xúc tiến của ngành là gì, thưa ông?
- Trong chiến lược quảng bá, xúc tiến Du lịch Việt Nam, một trong những “mũi nhọn” mà Tổng cục Du lịch đang đầu tư là đẩy mạnh công tác truyền thông qua internet (Internet Marketing hay còn gọi eMarketing). Cách làm này sẽ quảng bá rộng rãi, nhanh và hiệu quả. Những lợi ích của loại hình này mang lại là rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp thị quảng bá đến toàn cầu, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí…
* Ngoài những chương trình cấp Tổng cục triển khai, trong nội dung quảng bá, xúc tiến, Tổng cục có hỗ trợ gì cho các địa phương, nhất là các tỉnh có nền kinh tế du lịch chưa mạnh, thưa ông?
- Ngay khi có kế hoạch quảng bá, xúc tiến, chúng tôi đều công khai nội dung trên website của Tổng cục và kênh công văn của ngành để các doanh nghiệp, địa phương nắm thông tin. Đối với sở VH-TT-DL các tỉnh, khi tham gia chương trình quảng bá, xúc tiến do Tổng cục Du lịch tổ chức đều được hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện về gian hàng thông tin và một số điều kiện khác. Với doanh nghiệp, trong các chương trình quảng bá, xúc tiến trong nước và nước ngoài, chúng tôi đều xem xét thông qua nhu cầu và các sản phẩm phù hợp với thị trường đó để mời và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tham gia.
Để có thể thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, ngành Du lịch ở mỗi địa phương cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù... Các địa phương nên chủ động phối hợp với Tổng cục Du lịch tăng cường quảng bá hình ảnh của địa phương mình ra nước ngoài thông qua các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, thường xuyên cập nhật thông tin về du lịch cho khách nước ngoài, có chính sách hỗ trợ đối với khách...
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT
* Thưa ông, liên kết du lịch giữa các tỉnh miền Trung lâu nay vẫn được đề cập nhiều nhưng cách làm vẫn còn khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Tôi nghĩ đầu tiên là vấn đề nhận thức. Từ lãnh đạo tỉnh, ngành, cho đến các cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch ở cơ sở cần coi liên kết là một giải pháp rất quan trọng, là vấn đề sống còn trong phục vụ khách và thúc đẩy phát triển du lịch.
Thứ hai, nguồn lực và sản phẩm du lịch ở các tỉnh có nhưng chưa nhiều; vì vậy cần liên kết lại để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bổ trợ cho nhau, đồng thời cũng phát huy được thế mạnh của từng sản phẩm du lịch địa phương.
Thứ ba, trong vấn đề liên kết cần có một nhạc trưởng đứng ra tập hợp, kết nối, lên kế hoạch. Đó có thể là một địa phương hoặc một đơn vị chuyên ngành, Tổng cục Du lịch chẳng hạn. Điều này sẽ giúp chúng ta có kế hoạch, mục tiêu và trách nhiệm rõ ràng trong liên kết, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm…
* Một ý tưởng trong việc thực hiện liên kết các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung là nên tổ chức một đôi tàu phục vụ khách du lịch, liệu ý tưởng này có khả thi?
- Đây không phải là ý tưởng của Tổng cục Du lịch hay của Bộ GTVT, mà nó xuất phát từ nhu cầu thực tế và đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, địa phương. Đây là một ý tưởng mà tôi cho là rất hay và hoàn toàn khả thi. Sau khi tuyến đường sắt du lịch nối Hà Nội - Lào Cai hoạt động khá hiệu quả, cho thấy ý tưởng về những chuyến tàu sang trọng chuyên phục vụ du lịch ở các tỉnh khu vực miền Trung mà cụ thể là từ Huế đến Nha Trang là rất hay. Khi có đôi tàu du lịch này chắc chắn sẽ mở ra một cơ hội mới cho du lịch khu vực miền Trung. Khách đi du lịch có thể đi từ tỉnh này đến tỉnh khác trên cung đường một cách dễ dàng, thoải mái và an toàn trên tàu lửa với nhiều dịch vụ, tiện nghi.
Tôi tin với sự quyết tâm của Tổng cục Du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch cùng với Bộ GTVT, sẽ sớm có đôi tàu phục vụ chuyên biệt cho khách du lịch trên tuyến đường sắt khu vực miền Trung.
* Xin cảm ơn ông!
Theo TCDL
Loading...