Bắc Giang: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

17 Tháng 4, 2023 | Nghiên cứu và Trao đổi

Bắc Giang: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp của tỉnh Bắc Giang đã quan tâm công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. 

Đưa di sản đến gần người dân

Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030" của UBND tỉnh ưu tiên bảo tồn các di sản đã được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia; di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để thực hiện đề án có hiệu quả, ngành văn hoá, thể thao, du lịch (VHTTDL) và các huyện, TP đã tích cực triển khai.

Nhiều công ty lữ hành đưa khách về tham quan chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Nhiều công ty lữ hành đưa khách về tham quan chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Bắc Giang tổ chức truyền dạy hát then, sử dụng đàn tính, hát quan họ lời cổ cho đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ của nhà hát, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng của công chúng. Nhà hát Chèo còn phối hợp với ngành giáo dục tổ chức truyền dạy hát chèo, biểu diễn trích đoạn cho học sinh. 

Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết: Trong năm 2022, Nhà hát phối hợp với trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao các huyện, TP tổ chức dạy 7 lớp chèo, giúp đỡ về chuyên môn để thành lập mới 4 câu lạc bộ (CLB) chèo ở 2 xã và 2 trường học. Nhiều CLB chèo bị mai một đã được đơn vị hỗ trợ, khôi phục, hoạt động hiệu quả.

Theo Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030", từ năm 2026-2030 có 150-200 di tích lịch sử-văn hóa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; 2-3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 5-6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hỗ trợ hoạt động cho 50 CLB quan họ, ca trù, then, dân ca Cao Lan, Sán Chí, hát văn, hát chầu văn.

Huyện Lục Ngạn có hơn 30 CLB hát dân ca dân tộc thiểu số. Các CLB thường xuyên duy trì hoạt động, tham gia hội thi, hội diễn liên hoan do huyện, tỉnh tổ chức. Nhiều CLB còn mở lớp dạy hát, dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Huyện nâng cấp hội hát Sloong hao xã Tân Sơn thành hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn thu hút hàng vạn du khách đến thưởng thức, giao lưu, đây được coi là "đặc sản văn hóa" của huyện trong lễ hội đầu xuân.

Hiện toàn tỉnh có gần 150 CLB quan họ, ca trù, hát chầu văn, dân ca dân tộc thiểu số duy trì hoạt động thường xuyên với gần 2 nghìn thành viên; 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 43 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, "Nghệ nhân Ưu tú". Lực lượng nghệ nhân đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, truyền dạy di sản trong cộng đồng. 

Các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh như: Quan họ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được chính quyền, ngành chức năng quan tâm bảo tồn. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), một số huyện, TP duy trì tổ chức liên hoan hát văn, hát quan họ, hát dân ca các dân tộc thiểu số. Các điểm đến như: Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ, chùa Bổ Đà ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Nâng giá trị di sản

Cùng với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, nhiều di tích trọng điểm được tu bổ, tôn tạo gắn với phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: An toàn khu II Hiệp Hoà, chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế.

Cùng đó là hơn 100 di tích quốc gia và hơn 600 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

Nhờ quan tâm, làm tốt, nhiều di sản được gìn giữ, tôn tạo, lan tỏa, phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác này. 

Một số cấp uỷ, chính quyền cấp huyện, xã chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nên chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện; còn có biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ kinh phí cấp trên trong tu bổ, tôn tạo di tích. Tình trạng xâm hại di tích, tu bổ di tích không đúng theo hồ sơ thẩm định, thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên ở nhiều khu, điểm di tích không được đào tạo bài bản về chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp. Cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân chưa được quan tâm thỏa đáng.

Một cảnh trong vở chèo

Một cảnh trong vở chèo "Hai giọt nước" do Nhà hát Chèo Bắc Giang biểu diễn.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ lâu dài, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân. Vì vậy, cần đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, nhất là người đứng đầu các địa phương trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, phối hợp.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030". Rà soát các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để bổ sung, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của UBND tỉnh. Huy động các nguồn lực từ xã hội hóa trong việc tu bổ di tích gắn với phát triển du lịch. Làm tốt công tác quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện. Tăng cường tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB. 

Tích cực tham gia hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể nhằm giới thiệu, quảng bá di sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý đối với đội ngũ nghệ nhân; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Theo Báo Bắc Giang
0 Bình luận

Loading...