Bắc Giang nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch

10 Tháng 6, 2020 | Nghiên cứu và Trao đổi

Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, thời gian qua, ngành chức năng và nhiều địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra, công tác này cần được quan tâm hơn.
Bắc Giang nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Khắc phục khâu yếu

Theo số liệu thống kê, nhân lực đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Bắc Giang hiện có gần 1.800 người, gồm nhiều thành phần, như: Cán bộ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp; các cơ sở kinh doanh du lịch, lữ hành; các hợp tác xã, tổ, nhóm tham gia làm du lịch cộng đồng… Toàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch, khoảng 380 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó hơn 90% là nhà nghỉ, còn lại là các khách sạn (chủ yếu là 1 và 2 sao).

Khách tham quan nghe hướng dẫn viên du lịch thuyết minh tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế.                          ảnh: Như Hoa

Khách tham quan nghe hướng dẫn viên du lịch thuyết minh tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế. ảnh: Như Hoa

Mặc dù có sự quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu song qua đánh giá của cơ quan chức năng và chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những điểm yếu. Tìm hiểu tại huyện Lục Ngạn - địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các thắng cảnh như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn và vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, diện tích gần 30 nghìn ha. Gần đây, nhiều nhóm, đoàn khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm ở hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn song ở mỗi điểm chỉ có từ 3-5 chiếc thuyền do người dân các xã Sơn Hải, Cấm Sơn đầu tư, số lượng 15-20 du khách/thuyền. Khi đến đây, khách thuê thuyền dạo quanh hồ, nếu có nhu cầu, chủ thuyền sẽ nấu ăn phục vụ song cũng chỉ đáp ứng số lượng nhỏ do không chủ động được nguồn thực phẩm, thiếu nhân lực. Do không có hướng dẫn viên du lịch nên nhiều khách không nắm được thông tin khái quát về danh lam, thắng cảnh, nét văn hóa đặc sắc ở những khu này.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, DN cần vào cuộc tích cực hơn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đáng chú ý, mặc dù là các khu, điểm di tích được nhiều người biết đến như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Việt Yên)… song hầu như tại những khu, điểm trên không có hướng dẫn viên du lịch biết ngoại ngữ. Ông Nguyễn Ngọc Hải, phụ trách Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang cho biết, hiện khu di tích có 1 hướng dẫn viên, nhưng nếu có khách nước ngoài đến tham quan, đơn vị phải nhờ cộng tác viên là giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Lê Quý Đôn đến để phiên dịch, nhiều khi rất bị động.

Hay như ở Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) có 17 cán bộ, nhân viên song hầu như không có ai tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành du lịch và cũng không ai biết ngoại ngữ. Nơi đây có một vài khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng song công suất phục vụ chỉ khoảng 20-30 người/điểm; tiện nghi còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ nên hầu như hiếm có khách lưu trú.

Tăng tính chuyên nghiệp

Được biết, để nâng cao chất lượng phục vụ, nhiều đơn vị, DN làm du lịch đã quan tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, như tại Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) có khoảng 80 cán bộ, nhân viên đang làm việc. Theo đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử, khoảng 80% số lượng nhân viên đang làm việc tại đây đã được đào tạo, tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch, cơ bản đáp ứng yêu cầu của DN. Sân golf Yên Dũng có gần 200 lao động được trang bị kiến thức liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Các khách sạn như: Mường Thanh, Ravatel Inn, Ravatel Home (TP Bắc Giang) và một số DN lữ hành trong tỉnh cũng có phương pháp quản lý, điều hành, phục vụ du lịch tương đối chuyên nghiệp, nhất là nghiệp vụ lễ tân, quầy bar, ẩm thực, đưa đón khách.

Đội hát Then phục vụ khách du lịch tại bản Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động). Ảnh: Xuân Thỏa 

Đội hát Then phục vụ khách du lịch tại bản Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động). Ảnh: Xuân Thỏa

Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, DN cần vào cuộc tích cực hơn, từng bước nâng cao chất lượng lao động, dịch vụ du lịch, xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL cho biết, thời gian tới, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, sở tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các lớp, mời giảng viên, chuyên gia làm du lịch có uy tín bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nghiệp vụ về du lịch, ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho các đối tượng. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp của các đơn vị, ngành liên quan đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Lưu Xuân San, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện Hiệp hội có 80 hội viên, với chức năng nhiệm vụ của mình, Hiệp hội sẽ tăng cường tổ chức cho hội viên giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch ở các tỉnh, TP và một số nước bạn.

Cùng với những giải pháp trên, cần có cơ chế để khuyến khích DN, người dân tham gia làm du lịch nhiều hơn, nhất là du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày một phát triển.

Theo Báo Bắc Giang

0 Bình luận

Loading...