Giải pháp phát triển du lịch sau đại dịch Covid

11 Tháng 9, 2020 | Nghiên cứu và Trao đổi

Du lịch là một trong số ngành kinh tế mở và được xếp và hàng năng động bậc nhất hiện nay. Sự phát triển của ngành liên quan không nhỏ đến yếu tố thông thương và kết nối toàn cầu. Chính vì vậy khi đại dịch covid - 19 xảy ra du lịch là một trong số ngành chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất. Để dần phục hồi ngành du lịch nói chung và du lịch tỉnh Bắc Giang nói riêng ngành du lịch cần tìm hướng đi phù hợp đúng đắn trong thời gian tới.
Giải pháp phát triển du lịch sau đại dịch Covid
Cũng như nhiều địa phương khác, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của Bắc Giang trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng tương đối lớn. Ngay từ đầu năm, do tác động của đại dịch trên địa bàn tỉnh hơn 20 hoạt động, sự kiện lớn trong Tuần Văn hóa - Du lịch; nhiều hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, du lịch cùng với trên 400 lễ hội truyền thống (01 lễ hội cấp tỉnh, 03 lễ hội cấp huyện và các lễ hội truyền thống) đã phải giảm quy mô, hoặc tạm dừng tổ chức. Dịch Covid-19 xảy ra vào dịp sau tết nguyên đán đúng mùa cao điểm đón khách du lịch lễ hội, tâm linh (một trong những loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh) do đó lại càng làm cho lượng du khách giảm mạnh so với cùng kỳ.
 

Du khách hành trình khám phá Tây Yên Tử
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tại thời điểm “nóng” nhất của tình hình dịch bệnh, các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch phải đóng cửa, dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng; nguồn thu từ các dịch vụ phụ trợ như tổ chức sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng giảm lớn; công xuất phòng nghỉ giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2019. Ví như Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, số lao động lúc cao điểm về dịch duy trì ở mức 25 nhân viên/tổng số 135 nhân viên. Đối với các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch cơ bản đóng cửa, không có khách hàng đăng ký các tour du lịch; các tour đã bán trước đó phải hủy bỏ, toàn bộ dịch vụ tour như: Vé máy bay, khách sạn, xe ô tô hợp đồng dịch vụ đưa đón khách du lịch, các dịch vụ tham quan đình trệ…Trong thời gian này, các doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí như: Trả tiền thuê mặt bằng văn phòng, lương cán bộ theo thỏa thuận để giữ chân nhân viên, bảo hiểm xã hội, trả lãi tiền vay ngân hàng…; các đối tác cung cấp dịch vụ vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ khác chưa hoàn trả tiền để doanh nghiệp thanh toán với khách hàng và thu hồi vốn, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất có tới 14/15 doanh nghiệp cho nhân viên tạm thời nghỉ việc; 01 doanh nghiệp hoạt động với 04/tổng số 14 nhân viên (Công ty Hoàng Long Travel). Ngoài ra hàng loạt các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh cũng ở trong tình trạng hoạt động dè dặt hoặc đóng cửa gây tổn thất lớn đến doanh thu toàn ngành.

Hình ảnh cáp treo khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử
Hiện nay, mặc dù dịch bệnh dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội trên địa bàn dần đi vào hoạt động nhưng vẫn dè dặt và cầm chừng. Để ngành du lịch tỉnh dần phục hồi thực sự và phát triển là điều không phải dễ trong ngày một, ngày hai nhất là trong điều kiện tình hình dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay. Do vậy, ngành du lịch địa phương trước mắt cần xác định được hướng đi cùng với giải pháp phù hợp thích ứng với điều kiện tình hình thực tế hiện nay nhằm từng bước phục hồi và dần đưa hoạt động du lịch địa phương phát triển cụ thể là: 
Một là, tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn cho du khách đến với địa phương trong mùa dịch bệnh cũng như có các biện pháp hữu hiệu để du khách cảm thấy Bắc Giang là điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn rất an toàn thân thiện thông qua hàng loạt các biện pháp đảm bảo về y tế, cấp giấy chứng nhận y tế, đảm bảo về an toàn vệ sinh về dịch vụ ăn uống và cấp phép cho dịch vụ vận chuyển, lưu trú,...
Hai là, cần kịp thời có các biện pháp nắm bắt nhanh sự thay đổi nhu cầu du lịch của du khách thay đổi trong điều kiện tình hình dịch bệnh bùng phát. Từ đó phân tích đánh giá và đưa ra các chính sách hiệu quả về sản phẩm du lịch, chính sách về giá, chính sách quảng bá...nhằm hướng tới nguồn cầu du lịch mới. 
Ba là, vì tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn tiếp diễn nên trước mắt ưu tiên đẩy mạnh kích cầu dịch vụ du lịch nội địa. Để phục hồi thị trường du lịch nội địa, trước hết cần tập trung vào hành khách trong các chuyến đi công tác, bởi đây sẽ là đối tượng khách có tiềm năng nhất. 
Bốn là, một mặt cần nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và điểm đến,mặt khác kết hợp ưu tiên các giải pháp về chính sách giảm giá dịch vụ, chương trình khuyến mại kèm theo ... song song với nâng cao chất lượng phục vụ.
Năm là, tăng cường sự phối hợp hỗ trợ của các cấp chính quyền đối với các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp kinh doanh du lịch thông qua các chính sách về giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ về vốn...Các cơ quan hữu quan cần có sự đánh giá, thống kê để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn từng bước ổn định hoạt động trở lại.
Sáu là, phục hồi ngành du lịch không chỉ đòi hỏi các điểm đến hấp dẫn và nâng cao chất lượng dịch vụ, mà bên cạnh đó, áp dụng linh hoạt chính sách xúc tiến sản phẩm hướng tới sự thuận tiện nhất cho du khách; đảm bảo khách du lịch được tiếp cận dễ dàng, nhanh hơn các thông tin và công cụ đặt dịch vụ du lịch trực tuyến cũng như các chính sách linh hoạt thuận tiện hơn trong việc huỷ hoặc thay đổi lịch đặt các dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú, vận chuyển hay các dịch vụ vui chơi giải trí khác./.
 Hà Bộ
0 Bình luận

Loading...